Loại vũ khí độc đáo của Iran gây bất ngờ trong các cuộc xung đột ở Trung Đông
Các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã có loại vũ khí độc đáo có thể hạ gục máy bay không người lái (UAV) tiên tiến do đối thủ vận hành.
Trong những năm gần đây, một số lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã có được tên lửa đất đối không, mang lại cho họ phương tiện để hạ gục các máy bay không người lái tiên tiến hơn do đối thủ vận hành.
Tên lửa 358 do Iran sản xuất là vũ khí phổ biến nhất. Kể từ khi Hải quân Mỹ thu giữ một lô tên lửa đang trên đường gửi cho lực lượng Houthi ở Yemen vào năm 2019, loại vũ khí này đã xuất hiện trong kho của lực lượng dân quân Iraq và lực lượng Hezbollah ở Lebanon, cả 2 đều là các nhóm được Iran hậu thuẫn.
Hôm 6/4, nhóm vũ trang Hezbollah đã bắn rơi 2 UAV tiên tiến của Israel, Hermes 900 và Hermes 450, bằng tên lửa phòng không 358.
Hermes 900 có giá khoảng 12 triệu USD và được xếp vào loại UAV tinh vi và có giá trị lớn nhất trong kho vũ khí của Israel. UAV Hermes 450 là tiền thân của Hermes 900.
Tờ Haaretz hôm 8/4 dẫn các nguồn tin giấu tên trong quân đội Israel thừa nhận lực lượng Hezbollah đã bắn hạ được UAV Hermes 900 hiện đại của nước này trên vùng trời Lebanon, đồng thời nhấn mạnh đây là lần đầu sự việc này xảy ra.
Hiệu quả bắn hạ UAV của 358 khiến phương Tây đặc biệt chú ý.
James Patton Rogers, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Công nghệ Cornell Brooks tại Đại học Cornell cho biết: “Hệ thống đất đối không 358 của Iran đang trở thành vũ khí chủ lực của các nhóm đồng minh với Iran”.
“Loại vũ khí lảng vảng này được Houthi sử dụng với tên gọi Saqr/Hawk. Nó đã chứng tỏ hiệu quả trước các máy bay không người lái của Saudi Arabia. Lầu Năm Góc thậm chí coi chúng là mối đe dọa đối với máy bay Mỹ hoạt động trong khu vực. Các báo cáo về việc Hezbollah sử dụng 358 để chống lại máy bay không người lái của Israel cũng đã xuất hiện, khiến nó trở thành một trong những hệ thống được sử dụng rộng rãi và hiệu quả nhất trên khắp Trung Đông”, ông Rogers nói.
Vũ khí lai giữa tên lửa và UAV cảm tử
Tên lửa phòng không 358 do Iran nghiên cứu chế tạo được các chuyên gia quân sự đánh giá là “độc nhất vô nhị” khi nó được kết hợp với tính năng của máy bay không người lái cảm tử.
Nhìn bề ngoài, 358 không có gì nổi bật. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Iran, 358 có hình trụ dài 3 mét, có thân và vây đuôi, đầu đạn nặng 10kg. Dù có thể đạt tới độ cao 8.500 mét nhưng 358 được thiết kế chủ yếu để đánh chặn máy bay không người lái bay thấp.
358 có tốc độ khá chậm, chỉ cho phép chống lại máy bay không người lái và trực thăng. Tuy nhiên chúng có thể được triển khai từ bất kỳ loại bệ phóng nào, kể cả các bệ phóng thô sơ mà các nhóm dân quân thường sử dụng.
358 sử dụng cơ chế dẫn đường bằng tia hồng ngoại, nó được đẩy bằng động cơ giống như loại sử dụng trong tên lửa hành trình. Tên lửa 358 mà Hải quân Mỹ tịch thu được vận hành bằng động cơ tua-bin khí nhỏ do một công ty Hà Lan sản xuất.
Điểm độc đáo của 358 là ở chỗ sau khi quả đạn được kích hoạt, nó bay vòng quanh một khu vực nhất định cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu, hoặc tới lúc tìm được mục tiêu để phá hủy. Các thành phần của tên lửa 358 có khả năng tháo rời dễ dàng để lắp ráp trực tiếp tại chiến trường.
Việc sử dụng tên lửa 358 không yêu cầu radar phát hiện mục tiêu, khi nó có thể tuần tra khu vực, giúp giảm thiểu chi phí của việc huy động máy bay chiến đấu hay cả tổ hợp phòng không phức tạp để kiểm soát một địa điểm riêng lẻ.
358 có thể được phóng vào khu vực nghi ngờ có UAV hoặc trực thăng đối phương hoạt động mà radar hay phương tiện trinh sát khác chưa phát hiện được, sau đó quả đạn sẽ tự động hoặc được điều khiển để tấn công mục tiêu.
Tên lửa này có tốc độ chậm hơn nhiều so với tên lửa đất đối không truyền thống, do đó nó không có khả năng gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu trên không. Tuy nhiên, sự phổ biến của các hệ thống này trong các nhóm dân quân có thể mang lại cho họ khả năng hoàn toàn mới trong việc đối phó với máy bay không người lái tiên tiến như Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự độc đáo của 358 được cho là sẽ giúp nó đắt khách trên thị trường vũ khí.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Tehran hồi tháng 9/2023, Iran đã giới thiệu một số loại tên lửa do nước này sản xuất, trong đó có cả tên lửa phòng không 358.
Giới phân tích cho rằng Nga quan tâm đến tên lửa 358 bởi đây là vũ khí hiệu quả để chống lại những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.