Loạn ''cò'' danh hiệu tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân

Mỗi năm, trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng có khá nhiều giải thưởng và lễ vinh danh các doanh nghiệp (DN) được tổ chức bởi hệ thống các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, chính quyền... Đó là dịp để tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp của DN cho cộng đồng, cho sự phát triển của đất nước.

Thư điện tử, bảng báo giá để có danh hiệu được đơn vị tổ chức các chương trình hội nghị vinh danh thương hiệu gửi mời chào một số doanh nghiệp trong tỉnh (Ảnh: NVCC - tổng hợp: L.Phương)

Thư điện tử, bảng báo giá để có danh hiệu được đơn vị tổ chức các chương trình hội nghị vinh danh thương hiệu gửi mời chào một số doanh nghiệp trong tỉnh (Ảnh: NVCC - tổng hợp: L.Phương)

Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp hình thức vinh danh này đang bị một số đối tượng, công ty truyền thông, tổ chức sự kiện biến tướng thành hoạt động “mua bán”.

* Nhiều chiêu thức “chào hàng”

Một DN trong lĩnh vực đào tạo nghề, ngoại ngữ và dịch vụ du học ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, việc các đơn vị, tổ chức mời gọi DN tham gia giải thưởng các loại là chuyện… thường ngày, mặc dù chưa khi nào DN này được tiếp xúc trực tiếp. Cách thức mà những người tổ chức ra danh hiệu mời gọi là qua thư, email hoặc gọi điện thoại.

“Họ thường mời chúng tôi tham gia các chương trình tôn vinh đủ loại danh hiệu như: “sản phẩm bán chạy nhất”, “sản phẩm được người dùng ưa chuộng nhất” hay “thương hiệu uy tín, chất lượng”, “thương hiệu Việt Nam được tin dùng”… rất phiền phức, trong khi DN chúng tôi không có nhu cầu vì quy mô còn rất nhỏ. Hơn nữa, chúng tôi chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, không sản xuất ra sản phẩm nên cũng không biết sản phẩm bán chạy để làm gì” - chủ DN này cho hay.

Theo nhiều DN, các đơn vị gọi điện mời chào thường xưng là công ty truyền thông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành khác. Họ không trực tiếp đòi thu tiền DN nhưng sẽ kêu gọi đóng góp tự nguyện để “hỗ trợ truyền thông, giúp đỡ chương trình theo tinh thần xã hội hóa”. Số tiền đóng góp càng nhiều thì mức độ giải thưởng càng cao.

Đây là kiểu giải thưởng chào mời và một trong các điều kiện tiên quyết là muốn có giải thưởng thì phải đóng tiền. Những DN nào muốn sử dụng các giải thưởng tôn vinh thương hiệu kiểu này thì chỉ với mục đích “khoe mẽ”, lấy lòng tin khách hàng, trong khi các đơn vị tổ chức chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng sản phẩm.

Ông K., Giám đốc một công ty chuyên về thực phẩm chế biến tại TP.Biên Hòa bức xúc cho biết, hầu như tháng nào ông cũng nhận được email, điện thoại mời chào, tư vấn làm thế nào để phát triển thương hiệu, đạt được các danh hiệu về DN, doanh nhân thành công, thành đạt, doanh nhân “tâm - tài”... “Khi tôi bày tỏ không muốn tham gia thì sau đó lại có những số điện thoại khác gọi tới tiếp tục tư vấn để hiểu thêm và bày tỏ mong muốn hợp tác cùng DN, thậm chí còn “ra giá” luôn để DN có được thương hiệu. Điều này khiến tôi cảm thấy rất phiền phức” - ông K. nói.

Giám đốc một công ty sản xuất gối, nệm ở TP.Biên Hòa kể, một số đơn vị tổ chức vinh danh còn tinh vi hơn khi gửi thư đến các DN và thông báo rằng họ đã đạt được chứng nhận một giải thưởng nào đó. Sau đó, DN sẽ bị “gài kèo” để đóng thêm một khoản phí gọi là tài trợ cho chương trình… Do đó, nếu không cẩn trọng, những DN mới này sẽ vướng “bẫy” nhận về những giải thưởng mà không có giá trị thực chất gì.

* Tiền càng cao, “danh hiệu” càng lớn

Thực tế đã có nhiều đơn vị chào mời “trao” giải cho DN, doanh nhân với mức giá từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng. Có DN mỗi tháng nhận đến cả chục lời mời.

Anh H., chủ một DN nhỏ ngành cơ khí ở phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết anh cảm thấy rất bực mình vì liên tục nhận những lời mời gọi tham gia giải thưởng tôn vinh DN một cách dễ dãi như vậy. “Từ chối nhiều nhưng đâu chỉ một đơn vị gọi đến khiến chúng tôi cảm thấy rất phiền phức. Ngày càng có nhiều kiểu giải thưởng nghe tên thì rất kêu nhưng thực chất được trả bằng tiền. Quy trình rà soát thì dễ dãi, chỉ cần DN đăng ký rồi nộp tiền thì chắc chắn có danh hiệu, chưa kể có những người bạn của tôi, dù công ty đã… ngừng hoạt động vẫn có thư mời kêu gọi tham gia đăng ký” - vị này chia sẻ.

Thậm chí, nhiều DN nhỏ, hợp tác xã ở các địa phương vùng xa trong tỉnh cũng nhận được những lời mời hỗ trợ phát triển thương hiệu, rao bán các loại danh hiệu…

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, hầu như năm nào hợp tác xã của ông cũng được một số đơn vị, công ty truyền thông “chào hàng” các danh hiệu. Tùy vào mức độ “danh giá” của giải thưởng, màu huy chương mà chào mời với các mức giá khác nhau từ 20-100 triệu đồng.

“Một số đơn vị còn “ưu đãi” đối với hợp tác xã nên mức hỗ trợ truyền thông, tổ chức sự kiện khoảng 20 triệu đồng để “ẵm” một danh hiệu. Một số giải thưởng còn được ra giá cụ thể như huy chương vàng khoảng 150-200 triệu đồng, huy chương bạc khoảng 100 triệu đồng… Lần nào tôi cũng từ chối thẳng thừng, nhưng chỉ một thời gian sau lại tiếp tục có những lời mời tương tự” - ông Bảo bức xúc.

* Nhiều danh hiệu “trời ơi”

Thời gian qua, nhiều người khá bất ngờ với những danh hiệu kiểu như “nữ hoàng tâm linh”, “nữ hoàng thực phẩm”, “nữ hoàng ngành thép”, “nữ hoàng dịch vụ nhà hàng”… Những danh xưng bị lạm dụng, không thể hiện được nội dung phù hợp, ngược lại có thể gây ra những tác động thiếu tích cực.

Bản chất của một sản phẩm khi bán ra cho người tiêu dùng có tốt thì họ mới có thể tin tưởng và tiếp tục sử dụng. Từ đó, thương hiệu chỉ được khẳng định và ngày càng được phát triển khi chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh... tương xứng với những thông tin, hình ảnh mà họ đang truyền thông, liên kết để giới thiệu với người tiêu dùng. Thực tế, hầu hết những giải thưởng kiểu… “trời ơi” như vậy thường dễ “dụ dỗ” các DN mới hơn là những đơn vị đã có thâm niên, có chỗ đứng trong sản xuất, kinh doanh và thương hiệu của họ đã phổ biến. Với những DN chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì dù có nhận danh hiệu nào đi chăng nữa cũng sẽ không lâu bền.

Ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thiết bị điện Dona kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Lộc Phát (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Quan điểm của tôi là làm thật, chất lượng sản phẩm thật sự chinh phục được khách hàng rồi mới quảng bá, truyền thông do vậy sẽ không dại gì nhận những gì mình không có. Đó cũng là lý do mà hiện tại chúng tôi không có hứng thú tham gia bất kỳ một giải thưởng nào của những tổ chức, hiệp hội… Quan trọng nhất là công ty phải làm cho tốt, đó mới chính là cách quảng bá thương hiệu một cách bền vững nhất”.

Đã từng có DN, doanh nhân được vinh danh nhưng sau đó lại “dính phốt”. Đơn cử, trường hợp cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinaca Nguyễn Xuân Thu đã phải ra tòa và lãnh án tù 22 năm trong vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả và lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” vào tháng 4-2019.

DN này từng được Viện Công nghệ chống làm giả và Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp - phát triển thương hiệu (thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) tôn vinh, trao chứng nhận tốp 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017”.

Văn Gia - Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201909/loan-co-danh-hieu-ton-vinh-doanh-nghiep-doanh-nhan-2965868/