Loạn dự báo thị trường bất động sản, chỉ để quảng cáo
Mấy năm trở lại đây, nhiều công ty tư vấn, nghiên cứu, thậm chí sàn giao dịch đua nhau đưa ra các báo cáo, nhận định chung về thị trường bất động sản. Thế nhưng, nhiều thông tin sau khi được đưa ra không đúng với diễn biến thị trường hiện tại mà chủ yếu phục vụ mục đích quảng cáo bán hàng cho các dự án.
Hiện nay, mỗi quý có đến gần chục báo cáo về thị trường bất động sản được các tổ chức công bố trên các phương tiện truyền thông. Ngoài các báo cáo của công ty đa quốc gia như CBRE, Savills, JLL… còn có báo cáo từ tổ chức trong nước như batdongsan.com.vn, DKRA Việt Nam hay Hội Môi giới bất động sản Việt Nam… Trong khi đó, Bộ Xây dựng, đơn vị chịu trách nhiệm công bố thông tin báo cáo thị trường theo quý lại luôn chậm và đi sau các đơn vị trên.
Tình trạng loạn báo cáo thị trường từng được nhiều cơ quan báo chí cảnh báo. Nhiều đơn vị tung ra báo cáo đánh giá thị trường nhưng bản chất là ngầm quảng bá cho chính sản phẩm, dự án bất động sản của đơn vị mình. Mới nhất, đại diện CBRE Việt Nam đã phải đưa ra lời xin lỗi vì từ năm 2022 đã dự báo thị trường bất động sản quý III, quý IV “sẽ có nhiều khởi sắc”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, các báo cáo với thông tin, dự báo chưa chính xác có thể gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Hiện tại, mỗi đơn vị tư vấn, chuyên gia đánh giá thị trường đứng từ góc nhìn khác nhau và có cả những lợi ích.
Chia sẻ câu chuyện từ năm 2016, ông Châu cho biết, ông từng có báo cáo Thủ tướng về thông tin liên quan đến bất động sản TP.HCM không chính xác từ một công ty tư vấn. “Số liệu báo cáo về thị trường có thể chỉ đánh giá trên cơ sở khách hàng của đơn vị đó nên không thể đại diện cho cả thị trường. Xét từ góc độ lợi ích, có thể để khuyếch trương kinh doanh nên đơn vị đưa ra những tỷ lệ, giá bán có lợi để nhà đầu tư tin rằng thị trường khu vực đó đang tốt, cũng như họ cũng đang hoạt động rất hiệu quả… Điều này có thể gây ảnh hưởng đến thị trường, gây nhiễu loạn thông tin”, ông Châu nói.
Cũng ông Châu cho rằng, các báo cáo đều được đưa tin rộng rãi và nhiều báo cũng đăng tải thông tin trích dẫn từ báo cáo thị trường bất động sản của đơn vị cụ thể nào đó. Vì vậy, chính báo chí truyền thông cần cẩn trọng, vì có thể vô tình gây nhiễu loạn thị trường. Hiện tại, pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, tự khảo sát và đưa ra báo cáo. Vì vậy, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng phải chấn chỉnh lại nguồn thông tin của các đơn vị, cá nhân; quy định rõ các đơn vị phải dẫn nguồn thông tin, phân tích trên cơ sở dữ liệu, phạm vi như thế nào… và phải chịu trách nhiệm về thông tin đó.
“Nếu có trường hợp gây thiệt hại cho bên thứ 3 thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng là các đơn vị cũng phải xây dựng thương hiệu của chính mình”, ông Châu cho hay.
Lập cổng thông tin “chặn đứng” báo cáo nhận định sai
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, hiện có rất nhiều nguồn thông tin về thị trường. Bên cạnh một số đơn vị nghiên cứu, các sàn giao dịch bất động sản, môi giới cũng đưa ra thông tin. Tuy nhiên, những nhận định này là quyền của các đơn vị và họ cũng khuyến cáo không chịu trách nhiệm về những nhận định nếu người dân sử dụng thông tin để đầu tư mua bán.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng xác nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng công bố thông tin thị trường bất động sản là theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản. Luật Kinh doanh Bất động sản cấm hành vi thông tin sai lệch về thị trường bất động sản. “Sắp tới sau khi sửa Luật Kinh doanh bất động sản và nghị định liên quan hoàn thiện, sẽ có cổng thông tin về thị trường. Theo đó, mọi thông tin về giao dịch hằng ngày, giá bán, số lượng giao dịch sẽ được cập nhật liên tục, chính xác và minh bạch”, Thứ trưởng Sinh nói.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2023 của Bộ Xây dựng, mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước. Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong quý III trên cả nước khoảng 29.723 giao dịch, giao dịch đất nền khoảng 91.277 giao dịch; tồn kho vào khoảng 16.940 sản phẩm (3.196 căn chung cư, 6.554 căn nhà ở riêng lẻ; 7.190 nền đất).