Loạn kênh đánh giá doanh nghiệp
Chọn lọc các kênh đánh giá uy tín, thận trọng với những bình luận tiêu cực về doanh nghiệp trên mạng để đưa ra quyết định sáng suốt khi tìm việc
"Trong nhóm có ai từng làm công ty S., cho em xin đánh giá với ạ" - đó là dòng trạng thái được chị Mai Thị Thu (29 tuổi, quê Thanh Hóa) đăng lên một group review (đánh giá) công ty trên mạng xã hội (MXH) với hơn 200.000 thành viên. Bởi chị vừa nhận được thư mời phỏng vấn cho vị trí trưởng nhóm nội dung của công ty S. (quận Tân Bình, TP HCM).
Dễ dàng làm méo mó hình ảnh doanh nghiệp
Chị Thu cho biết khi lên MXH chia sẻ thông tin trên, chị đọc được nhiều bình luận tiêu cực, khiến chị vô cùng bất an.
Từ thông tin của chị Thu, chúng tôi gõ vào thanh tìm kiếm Google cụm từ khóa "review + tên công ty" lập tức xuất hiện nhiều trang đánh giá công ty có tên miền tương tự nhau. Thang đánh giá được xếp từ 1 - 5 sao với cách thực hiện khá đơn giản. Người dùng không cần tạo tài khoản đăng nhập, chỉ cần tìm tên công ty, ghi nội dung, chấm sao là hoàn tất.
Người cung cấp thông tin được chọn đăng ẩn danh. Bên cạnh đó, một kênh khác cũng được nhiều người đi làm ưa chuộng đó là các hội nhóm trên MXH. Ngoài ra, Facebook còn có những nhóm đánh giá công ty dành riêng cho từng lĩnh vực nhất định như xây dựng, ngân hàng. Ở đây, chúng tôi nhận thấy, ai cũng dễ dàng bóp méo hình ảnh doanh nghiệp (DN) nếu cảm thấy "không ưa".
Anh Trần Vũ (31 tuổi, TP HCM) cũng từng do dự khi đọc được một số nhận xét không tốt về công ty vừa ứng tuyển. Tuy nhiên, anh Vũ cho rằng những ý kiến đó có thể chỉ dưới góc độ cá nhân của người phản ánh, khó đánh giá tổng quan về DN. Vậy nên, người ứng tuyển cần sáng suốt khi đọc phải những bình luận tiêu cực rồi đi đến quyết định sai lầm.
Bà Trần Thị Thu Trang, quản lý cấp cao tại một tập đoàn công nghệ (quận 7, TP HCM), nhìn nhận việc ứng viên tìm đọc, nghe đánh giá về công ty trước khi ứng tuyển khá phổ biến. Hầu hết thông tin được đưa lên MXH liên quan đến sự thất vọng của nhân viên cũ đối với chính sách, quy định công ty hoặc cách hành xử của một vài cá nhân nào đó.
Ngoài ra, không thiếu những thông tin sai sự thật. Đáng nói còn có hiện tượng, quản trị một số trang lợi dụng đánh giá xấu để tiếp cận công ty vòi tiền "gỡ bình luận". "Thực tế, một số kênh đánh giá khá khách quan, nhưng không thiếu những trang cung cấp nội dung tiêu cực, thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín DN. Điều này dễ đưa tới tâm lý e dè cho người ứng tuyển, ngại tìm hiểu hoặc kết nối với DN, làm lỡ cơ hội hợp tác của cả hai bên" - bà Trang phân tích.
Ứng xử ra sao?
Nhiều chuyên gia cho rằng người quản lý các trang mạng cần đón nhận phản hồi dù tốt hay xấu với tâm thế lắng nghe tích cực. Nhờ thế, thêm góc nhìn mới về hiện trạng DN. Xem xét nội dung nào đúng sự thật, từ đó có sự tiếp thu và điều chỉnh phù hợp.
Theo bà Trang, để hạn chế các bài đăng "bóc phốt" trên MXH, DN cần tăng cường truyền thông chính sách, quy trình, quy định, các chuẩn mực hành vi và có kênh nội bộ khuyến khích người lao động chia sẻ vấn đề thẳng thắn, tránh dồn nén. Bên cạnh đó, phải xây dựng kênh tiếp nhận phản hồi của ứng viên, khách hàng.
Nhất là lan tỏa những đánh giá tốt, tích cực, từ đó làm tăng hình ảnh thương hiệu và củng cố sức mạnh văn hóa DN. Với những trang đưa thông tin xuyên tạc, ảnh hướng đến uy tín của cá nhân trong DN hoặc tổ chức, cần thiết khởi kiện ra tòa nếu biết đích danh người đưa tin.
Ông Võ Nguyên Hưng, Giám đốc Nhân sự, Công ty TNHH Ipsos (quận 3, TP HCM), khuyên người lao động nên chọn lọc kênh thông tin uy tín để tìm hiểu về công ty. Điều quan trọng là sự phù hợp, vì vậy bất kể bình luận tốt hay xấu cũng chỉ là tham khảo. Ở góc độ DN, có nhiều yếu tố để thu hút ứng viên, do đó hãy tập trung vào việc xây dựng tổ chức chuyên nghiệp.
Môi trường làm việc lành mạnh, chú trọng cơ hội học hỏi, thăng tiến, chính sách đãi ngộ tốt, thời gian làm việc linh hoạt, văn phòng thiết kế mở, rộng rãi... là những tiêu chí không ít người tìm việc cân nhắc. "Có không ít ứng viên trong buổi phỏng vấn chia sẻ sau khi đọc các bình luận tiêu cực, họ đã vào các kênh chính danh Ipsos Việt Nam để tìm hiểu thêm. Nhận thấy thực tế không hẳn như vậy nên họ vẫn nộp hồ sơ, không muốn vuột mất cơ hội phát triển sự nghiệp" - ông Hưng kể.
Còn anh Trần Vũ, sau hơn 2 tháng trải nghiệm, anh nhận ra bên cạnh các phản ánh đúng, không thiếu những ý kiến mang tính chủ quan, có thể do nhân viên cũ chưa hiểu hết ý của lãnh đạo. "Dù phản hồi tiêu cực hay tích cực đều giúp tôi có góc nhìn đa chiều trước khi ra quyết định. Qua đó, bản thân có cơ hội trải nghiệm, kiểm chứng những thông tin đó, hiện tôi cảm thấy hài lòng khi đã dám thử sức" - anh Vũ khẳng định.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/loan-kenh-danh-gia-doanh-nghiep-20231003192252608.htm