'Loạn' thực phẩm chức năng xách tay: Người dùng lãnh đủ

Với tâm lý thực phẩm chức năng (TPCN) bổ dưỡng mà không có tác dụng phụ, nhiều người tiêu dùng không tiếc tiền chi cho mặt hàng này. Nếu có thêm nhãn 'xách tay' từ nước ngoài, khách hàng lại càng tin tưởng và mạnh tay mua sắm hơn.

Người dân đặt mua thực phẩm chức năng xách tay từ các cửa hàng kinh doanh trực tuyến hoặc do người quen từ nước ngoài gửi về

Người dân đặt mua thực phẩm chức năng xách tay từ các cửa hàng kinh doanh trực tuyến hoặc do người quen từ nước ngoài gửi về

Ma trận thực phẩm chức năng

Trên trang facebook “Thực phẩm chức năng xách tay Nhật Bản”, hàng chục loại viên uống được giới thiệu có công dụng chữa bệnh xương khớp, sỏi thận, ngừa đột quỵ, giải độc gan… với giá bán từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộp. Người bán khẳng định đây là TPCN ngoại, không có tác dụng phụ, được người thân sống ở Nhật Bản mua gửi về. Khi khách cho rằng một hộp thuốc bổ xương khớp có giá 600.000 đồng là đắt, người bán nhanh nhảu giới thiệu 2 sản phẩm khác giá từ 300.000 - 500.000 đồng, cùng thành phần glucosamine, nhưng là hàng xách tay từ Đức và Australia.

Tương tự, TPCN với lời tiếp thị giúp chống đột quỵ hoặc trị bệnh gout cũng được quảng cáo tấp nập trên mạng với đủ mức giá, đủ chủng loại, được cho là hàng xách tay chính hãng. Tất cả bao bì sản phẩm đều là chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt.

“Người bán sẽ tư vấn, hướng dẫn cách uống và liều lượng, mình không biết tiếng Nhật hay tiếng Đức nên không dịch được”, bà Trần Thị Huyền (60 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), chia sẻ. Vì e ngại tuổi già nhiều bệnh tật, bà Huyền không tiếc tiền mua viên bổ trợ sáng mắt, bổ xương và chống đông máu từ các shop online để bảo vệ sức khỏe. “Hàng nước ngoài chắc chắn tốt hơn nên có đắt một chút cũng chấp nhận được”, bà Huyền nói.

Một số hội nhóm chuyên bán hàng xách tay trên facebook có đến hơn 20.000 thành viên, hoạt động sôi nổi, chứng tỏ sức hút và lợi nhuận của loại sản phẩm này. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của hàng hóa vẫn là dấu chấm hỏi, kể cả với người trong ngành. Chị Mai Thị Xuân (37 tuổi) sống ở Nhật Bản nhận được không ít tin nhắn mời gọi hợp tác từ nhiều tài khoản lạ. Theo gợi ý, chị Xuân chỉ cần đăng bài quảng cáo bán hàng trên facebook cá nhân rồi chờ nhận tiền “hoa hồng”. Việc cung cấp và vận chuyển hàng hóa đến tay khách ở Việt Nam được người kia lo “từ A đến Z”.

“Có thể vì tôi sống ở Nhật Bản nên họ muốn lợi dụng nhằm tạo lòng tin cho khách hàng. Chiết khấu rất hấp dẫn, giá bán TPCN và mỹ phẩm rất cạnh tranh. Họ đảm bảo hàng chuẩn nhưng tôi không chắc lắm. Nếu người trung gian ham lợi nhuận và không có tâm, khách hàng khó tránh được cảnh bỏ tiền triệu nhưng nhận về TPCN kém chất lượng. Người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm”, chị Xuân chia sẻ.

Suy kiệt sức khỏe vì “thần dược”

TPCN bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học... TPCN hoàn toàn không có công dụng chữa bệnh nhưng qua chiêu trò quảng cáo, nhiều khách hàng tin rằng TPCN giống như “thần dược”, trị được bách bệnh, phòng ngừa nhiều bệnh nan y. Từ đó, nạn nhân của sự cả tin là không hiếm.

 Bác sĩ CK2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu - Nội thận, Bệnh viện Bình Dân thăm khám cho bệnh nhân bị suy thận do lạm dụng thực phẩm chức năng

Bác sĩ CK2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu - Nội thận, Bệnh viện Bình Dân thăm khám cho bệnh nhân bị suy thận do lạm dụng thực phẩm chức năng

Chị Vũ Thị H. (25 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đã mua 5 hộp TPCN từ người quen dùng trong 20 ngày để chữa bệnh vảy nến. Hậu quả là chị phải đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng không thể đi đứng, đau nhức toàn thân, nổi bóng nước và trầy lở hơn 60% cơ thể, nguy cơ tử vong lên đến 50%. Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc sau khi sử dụng TPCN. Đây là hội chứng Lyell, một phản ứng dị ứng thuốc nặng. Suốt một tháng được điều trị tích cực với corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, bù điện giải, bù dinh dưỡng, chị H. mới thoát cửa tử.

Tháng 4 vừa qua, một phụ nữ 50 tuổi, làm nghề bán TPCN phải đi bệnh viện cấp cứu vì chính sản phẩm mình bán ra. Tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), kết quả xét nghiệm creatinin của bệnh nhân là 860 µmol/l (cao gấp 8 lần người bình thường), suy thận nặng. Bác sĩ CK2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu - Nội thận, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, người này đã uống TPCN kết hợp với cỏ mực và đậu đen để chữa bệnh thận IGA, khiến tính mạng gặp nguy hiểm. “Dùng TPCN bừa bãi có thể gây biến chứng suy gan thận, rối loạn nhịp tim, đặc biệt nghiêm trọng với người có bệnh nền. Nhiều người cho rằng TPCN lành tính hơn thuốc tây vì không có tác dụng phụ nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Chúng tôi cảnh báo rất nhiều nhưng không xuể!”, bác sĩ CK2 Lê Thị Đan Thùy nói.

Bệnh viện Bình Dân là nơi thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân suy thận, có ca phải lọc máu suốt đời, liên quan đến TPCN hoặc thuốc lá chữa bệnh. Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy nhấn mạnh, nguy cơ này càng nghiêm trọng hơn nếu dùng phải TPCN trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hàng giả hoặc chứa chất cấm.

Theo các chuyên gia, TPCN hiện nay “thượng vàng hạ cám”, giá trên trời nhưng chất lượng bị thả nổi. Trong ma trận này, lợi nhuận thì người bán hưởng còn hậu quả hoàn toàn thuộc về phía người dùng.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, nhận định, Việt Nam đi sau thế giới về TPCN nhưng lại đi quá nhanh nên gặp nhiều vấn đề trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, quảng cáo TPCN. Theo quy định, TPCN phải được sản xuất hoặc nhập khẩu trong dây chuyền đạt GMP (thực hành sản xuất tốt), nhưng vấn đề nan giải là có TPCN sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu”, nghĩa là mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu bỏ vào rồi đóng gói. Hiện nay, không ai dám chắc tất cả các mặt hàng TPCN trên thị trường đều được sản xuất từ dây chuyền đạt chuẩn, thậm chí có cả sản phẩm giả, kém chất lượng len lỏi vào.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu ra thực trạng, nhiều loại TPCN làm giả được buôn bán thông qua chợ thuốc tây, nhà thuốc, bán đa cấp khiến công tác quản lý khó càng thêm khó. “Những vấn đề về TPCN vẫn rất nhức nhối và còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc để tư vấn cho người dân, chúng ta cần đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

11% mẫu kiểm nghiệm TPCN không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Trên địa bàn TPHCM hiện có 177 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN (không tính các nhà thuốc). Trong 6 năm qua, các đoàn kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính với 53 cơ sở, xử phạt 1,9 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 1 vụ việc cho Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Từ năm 2017-2023, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở An toàn thực phẩm TPHCM) đã phát hiện 113/988 mẫu TPCN không đạt về các chỉ tiêu như vi sinh, vitamin, định tính và định lượng, chiếm tỷ lệ 11,4%. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra và hậu kiểm, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm trong TPCN.

Cần mạnh tay với quảng cáo “thổi phồng” TPCN

Tại hội thảo “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN trên địa bàn TPHCM năm 2024”, bà Trần Thị Thu Liễu, Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm, cho biết, vẫn còn rất nhiều vi phạm về quảng cáo TPCN. Năm 2022, Bộ Y tế xử phạt vi phạm hành chính 40 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN, với số tiền phạt 2,76 tỷ đồng. Năm 2023, Bộ Y tế xử phạt 28 cơ sở với số tiền phạt 1,9 tỷ đồng, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ rất cao.

Bà Liễu phân tích, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trên, trước tiên là vì lợi nhuận. Ngoài ra, phương tiện bán hàng và quảng cáo hiện nay rất đa dạng; các tổ chức, cá nhân không bị hạn chế về không gian thông qua mạng internet; việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo xuyên biên giới khi xử lý vi phạm còn khó khăn; một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo; cơ quan quản lý nhà nước hạn chế về nhân lực...

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, cần phải mạnh tay xử lý hơn với quảng cáo TPCN trên mạng xã hội. Việt Nam vẫn chưa có điều khoản hay quy định cấm bán TPCN trên mạng, sàn thương mại điện tử. Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần có luật hoặc chương trình riêng về TPCN để người dân không nhầm lẫn với thuốc.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng TPCN

Theo ThS-BS Nguyễn Phương Anh, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện An Bình (TPHCM), mặc dù TPCN không cần kê đơn nhưng người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh nguy cơ dư thừa vitamin khoáng chất hoặc gây ra tương tác thuốc không có lợi (với người đang dùng thuốc trị bệnh). Đối với người bệnh, nếu cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng chuyên biệt, bác sĩ sẽ khám và kê đơn để bổ sung một cách phù hợp. Bệnh nhân không tự ý mua TPCN để sử dụng.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Phương Anh, người khỏe mạnh bình thường không cần thiết phải dùng viên uống vitamin hoặc sản phẩm thực phẩm bổ sung nào. Một chế độ ăn lành mạnh là cách an toàn nhất để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loan-thuc-pham-chuc-nang-xach-tay-nguoi-dung-lanh-du-post739308.html