Loạn tranh, ảnh giả nhưng Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật vẫn 'thất nghiệp'
Mặc dù ra đời đã 1 năm nhưng Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vẫn chưa từng nhận một vụ việc nào.
Đây là chia sẻ của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kiêm thành viên của Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh tại Hội thảo "Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thực trạng và giải pháp" vừa tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Loạn tranh, ảnh giả
Theo các nhà quản lý và chuyên gia, tình trạng vi phạm bản quyền về mỹ thuật nhiếp ảnh và tranh giả, tranh nhái hay tự ý lấy ảnh, sử dụng ảnh của tác giả mà không xin phép đã diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Giới mỹ thuật, nhiếp ảnh đã xảy ra không ít vụ việc về những chuyện tranh chấp bản quyền tranh, ảnh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế; không chỉ ở các cuộc đấu giá bán tranh, mà cả ở những triển lãm lớn với một số tác phẩm đã có giải thưởng.
Mặc dù nước ta có thị trường mỹ thuật nhưng thị trường còn non trẻ, mới bắt đầu vận hành theo hướng chuyên nghiệp. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có thời gian khuyến khích, vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện hoạt động giám định tác phẩm theo thông lệ Quốc tế nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra để thực hiện.
PGS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, sự thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào niềm tin về tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Quá nhiều tranh giả, tranh nhái xuất hiện trong thời gian gần đây cho thấy một mảng tối của nền mỹ thuật Việt Nam.
"Sự lừa đảo phổ biến nhất trong nghệ thuật là giả mạo tác phẩm, hoặc bán tác phẩm nghệ thuật với mục đích lừa gạt bằng cách gán nó cho một nghệ sĩ có tác phẩm được bán giá cao trên thị trường. Sự giả mạo có thể là hành động như thêm chữ ký trên tranh, thay đổi bản thảo. Các hành vi gian lận khác trong mỹ thuật còn bao gồm việc sao chép, vi phạm bản quyền, sử dụng trái phép tác phẩm của người khác"- Bà Mai chia sẻ.
Theo bà Mai, lợi ích kinh tế là động lực phổ biến nhất cho việc làm giả tác phẩm mỹ thuật. Khi xuất hiện nhu cầu về tác phẩm nghệ thuật của một hay một nhóm nghệ sĩ nhưng thị trường lại khan hiếm , đẩy giá trị tác phẩm lên cao thì sự gian lận rất có thể xảy ra. Trong một số trường hợp, các cửa hàng tranh, nhà đấu giá đã khuyến khích các nghệ sĩ có kỹ thuật tạo ra các tác phẩm nghệ thuật giả mạo, thậm chí còn hướng dẫn họ nhằm cung cấp nhu cầu của các nhà sưu tập.
Năm 2018, vụ việc 1 nhà đấu giá bán bức tranh có chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương khiến tác giả thật của bức tranh lên tiếng rằng bức tranh vốn là của mình, do một học sinh chép lại rồi ký chữ ký của nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương đem bán khiến dư luận bức xúc.
Cũng trong năm 2008, khi ông Trần Lam bán đấu giả bức ảnh mang tên "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" cho một chủ DN với giá 1 triệu USD. Khi đó nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc lên tiếng cho rằng bức ảnh của tác giả Trần Lam "giống đến 98%" bức ảnh "Đêm trăng lăng Bác" của ông. Từ đó, nghi án đạo ảnh được các báo khai thác, với nhiều ý kiến khác biệt từ cả hai phía. Tranh cãi này đã được hội đồng nghệ thuật và ban lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam kết luận: Hai bức ảnh không được tạo ra từ cùng một máy ảnh, trong cùng một khoảnh khắc. Ảnh "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" do ông Trần Lam chụp khác với bức ảnh "Đêm trăng lăng Bác". Và ông Minh Lộc cũng không thể chứng minh được tác giả bức ảnh "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" đạo ảnh của mình kiểu gì và như thế nào.
Như vậy, đối với nhiếp ảnh, có một khái niệm đặt ra là nhái ý tưởng. "Điều này cũng khó phân giải vì ý tưởng thường nằm ở trong đầu, nó sinh ra bao giờ, ai có trước, ai có sau không thể phân định. Những sự cố này đã xảy ra nhiều lần ở những bức ảnh giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh. Bức ảnh năm sau được giải giống y bức ảnh năm trước, chỉ khác con người trong ảnh" – nhà Lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành nhận định.
Nhà nước không muốn làm thay
Ông Vi Kiến Thành khẳng định, hoạt động mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở trong nước và nước ngoài đang ngày càng phát triển, nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là nhu cầu thật, đang diễn ra hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam đang đứng trước những khó khăn lớn, đó là thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có cũng rất sơ sài, chung chung, khó áp dụng.
Tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận "trọng tài" đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người. Bên cạnh đó, các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện hoàn toàn nhờ vào con người, máy móc của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an)… Đây là những trở ngại rất lớn không thể một sớm một chiều khắc phục được ngay.
Để hoạt động giám định đi vào thực tế, PGS.TS Bùi Thanh Mai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đề xuất giải pháp xây dựng hồ sơ nghệ sỹ với ý nghĩa như một kho lưu trữ cung cấp các dữ liệu để mọi người có thể dễ dàng tra cứu thông tin về tác phẩm, sáng tác của nghệ sỹ.
Theo bà Bùi Thị Thanh Mai, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bức tranh bị giả mạo là do không có đủ tài liệu để chứng minh đó là bản gốc, đồng thời Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm để có thể phân tích, giám định tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Thêm vào đó, trong một thời gian dài, các nghệ sỹ thường ít quan tâm đến cách tham gia, giúp đảm bảo giá trị các tác phẩm nghệ thuật của mình. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tác phẩm giả mạo.
Điều đó cho thấy, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, nhà phê bình Nguyễn Thành cho rằng, mức giá giám định tác phẩm nhiếp ảnh quá cao, không phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi một bức ảnh có giá vài triệu đồng, nhưng để giám định tác phẩm cần số tiền lên tới vài chục triệu đồng.
Theo ông Vi Kiến Thành mức giám định tác phẩm nhiếp ảnh có thể điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, ông Thành mong muốn, các tổ chức xã hội nên tham gia vào việc giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh cho đúng thông lệ quốc tế.
Trên thế giới, lĩnh vực giám định tác phẩm mỹ thuật đều là các đơn vị tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân. Không có nước nào mà công tác giám định tác phẩm lại do cơ quan Nhà nước thực hiện. Vì vậy, ông Thành thiết tha kêu gọi các tổ chức, cá nhân hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập, tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sớm rút ra khỏi hoạt động này.
"Ở các nước có thị trường mỹ thuật, tức là có mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật , nhiếp ảnh thì đều có các tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm để tác phẩm đó tham gia và hoạt động mua, bán đấu giá. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà công giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện"- ông Thành nói./.