LOẠT BÀI: Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo: Trên đường băng cất cánh: Kỳ 5 - Megastory: Hướng tới phát triển hệ sinh thái số
Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phát triển thương mại - dịch vụ…
Điều này thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số, đổi mới sáng tạo (ĐMST), công nghệ thông tin của khu vực. Trong đó, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), triển khai các nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng Nai được đánh giá có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), hình thành, phát triển Digital Hub - trung tâm kết nối và trao đổi thông tin, dữ liệu cùng các dịch vụ số…
Theo Báo cáo về chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2022 (Viet Nam ICT Index 2022) do Bộ TT-TT vừa công bố, Đồng Nai xếp hạng 8 cả nước và dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về chỉ số này.
Vào giữa tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức hội thảo phát triển công nghiệp ICT - Viet Nam International Digital Hub tại Đồng Nai. Đây là dịp gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành với đại diện các DN, nhà đầu tư để đóng góp ý kiến cho quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp ICT trong quy hoạch chung của tỉnh.
Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa (Bộ TT-TT) cho biết, ngành ICT ở nước ta trong những năm qua có sự phát triển rất nhanh và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2009, doanh thu của ngành này đạt khoảng 6 tỷ USD, thì đến năm 2022 doanh thu đạt khoảng 148 tỷ USD.
Trong đó, khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng có nhiều lợi thế, cơ hội để phát triển lĩnh vực này. Doanh thu của ngành này ở khu vực Đông Nam bộ trong năm 2022 đạt hơn 12,8 tỷ USD. Trong đó, TP.HCM đạt gần 7,8 tỷ USD, Bình Dương khoảng 2,4 tỷ USD, Đồng Nai khoảng 2,3 tỷ USD…
Theo nhiều chuyên gia, việc nhanh chóng đầu tư các khu công nghệ thông tin tập trung để đón đầu làm cơ sở hình thành và phát triển Digital Hub có thể mang lại lợi ích và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Bên cạnh đó, Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này làm nền tảng mạnh mẽ cho việc thu hút các DN công nghệ thông tin và dịch vụ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và hạ tầng số.
Giám đốc phát triển kinh doanh của hãng công nghệ MediaTek tại Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định, Đồng Nai có tiềm năng vô cùng hứa hẹn cho sự phát triển hạ tầng số và công nghiệp công nghệ thông tin. Về vị trí địa lý, Đồng Nai nằm ở vị trí rất thuận lợi, gần TP.HCM và kết nối tốt với các đô thị vệ tinh lân cận. Đồng thời, Đồng Nai còn có lợi thế giao thông đường biển với các cảng biển quan trọng như Cái Mép và Cát Lái.
Đặc biệt, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa tỉnh trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, giúp Đồng Nai có sự cạnh tranh cao trong việc xây dựng hạ tầng số.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ chia sẻ, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ hướng tới mô hình phát triển với 5 trụ cột chính. Trong đó, tỉnh sẽ đầu tư, phát triển trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại tại hàng lang phía Tây Nam như: Long Thành và Nhơn Trạch với các giá trị chủ lực là thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghệ cao với các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp đa dạng. Ngoài ra, còn có các trung tâm thử nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nghề chất lượng cao cũng như vườn ươm khởi nghiệp…
Theo báo cáo của Sở KH-CN, trong thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai và đạt được nhiều kết quả về chuyển đổi số, trong đó hạ tầng viễn thông cố định và di động cơ bản đã phủ sóng tới 100% các ấp, khu phố. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt khoảng 86%. Tỉnh đã đầu tư xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh) kết nối cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, DN nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng.
Cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thí điểm mô hình trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những khó khăn trong việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu tại địa phương như: vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; tiến độ đầu tư, triển khai các dự án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chưa cao, tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cần đươc cải thiện. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn nhiều thách thức, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của người dân, DN cần chủ động hơn
TS Lê Kim Hùng (Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, để thức hiện hiệu quả, thành công về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, AI, phân tích dữ liệu, bên cạnh việc phát triển hạ tầng phù hợp cần xây dựng lộ trình, cách thức triển khai phù hợp. Trong đó, địa phương cần xây dựng một kế hoạch chi tiết về thay đổi quy trình làm việc, cách thức nâng cao năng lực công nghệ thông tin của người dân và cán bộ công chức để phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Ngoài ra còn cần lưu ý tới những rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin, độ tin cậy của hệ thống vận hành…
Song song với đó, địa phương cũng cần lưu ý đến tầm quan trọng của việc đo lường hiệu quả, đánh giá về quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hành chính công từ phía người dân, DN, thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ tài chính - ngân hàng số... Trong đó, có nhiều yếu tố cần xem xét từ việc giảm chi phí, tăng năng suất đến tăng tiện ích, trải nghiệm và mức độ hài lòng của người dân, DN, mở rộng hệ sinh thái về công nghệ số, ứng dụng số…
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, trong năm 2023, thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam. Để nâng cao chỉ số thương mại điện tử, các địa phương, trong đó có Đồng Nai cần từng bước nâng cao các chỉ số thành phần gồm: chỉ số phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, chỉ số về giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C), chỉ số giao dịch giữa DN với DN (B2B)…