Loạt bài về các anh hùng liệt sĩ BĐBP đã ra đời như thế nào?
Khi tổ chức đợt tuyên truyền với chủ đề 'Rạng danh truyền thống Biên phòng', nhóm phóng viên và cộng tác viên chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận với kho tư liệu lịch sử truyền thống của BĐBP với hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành và 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngưỡng mộ những tính cách lớn, tự hào tiếp nối những bước chân miệt mài trên khắp nẻo biên cương, loạt bài về các anh hùng liệt sĩ BĐBP đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Vốn trưởng thành từ một người lính BĐBP xuất ngũ, anh Nguyễn Xuân Quảng có sẵn vốn hiểu biết về BĐBP và “chất lính” Biên phòng trong cách viết, cách hành văn mỗi khi anh viết văn, viết báo, dù chỉ là một người viết nghiệp dư. Khi nhận thực hiện loạt bài về các anh hùng liệt sĩ đã được đặt tên đường, tên trường từng chiến đấu, hy sinh trên miền biên giới tỉnh Quảng Ninh, anh đã bỏ công lục lại cả kho tư liệu của mình, tìm gặp các cựu chiến binh, tìm về quê của liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa để gặp thân nhân các liệt sĩ.
Tác giả chia sẻ: “Điều xúc động nhất là mặc dù các liệt sĩ đã mất từ lâu, nhưng trong lòng đồng đội, người thân, hình ảnh của họ vẫn nguyên vẹn, chan chứa tình cảm sâu nặng”. Cuộc gặp của tác giả với bà Trần Thị Hưng, ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, vợ của liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa đã thêm một lần nữa gắn bó tác giả và gia đình liệt sĩ, là dịp để người vợ sâu nặng tình nghĩa của liệt sĩ được nói về nỗi nhớ thương với người chồng đã hy sinh, những kỷ niệm còn lại với ông và củng cố thêm niềm tin vào truyền thống của gia đình.
Liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa quê gốc ở Hưng Yên, nhưng tuổi thanh xuân đã nằm lại ở biên giới tô thắm truyền thống của BĐBP và để lại hình ảnh anh hùng, tính chiến đấu, đức hy sinh cao cả khi chỉ huy cả một trận đánh oanh liệt và hy sinh anh dũng trên mảnh đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc. Tên của liệt sĩ được đặt tên cho một cung đường biển tuyệt đẹp ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long hiện nay, khẳng định miền đất đang phát triển kinh tế - xã hội từng ngày tự hào vì có sức đóng góp bằng máu, tuổi thanh xuân và tính mạng của các anh hùng liệt sĩ.
Không chỉ tác giả Xuân Quảng, nhiều người viết khác cũng có nguồn cảm xúc dồi dào khi tiếp cận với đề tài này. Bản thân các tác giả khi thực hiện loạt bài “Rạng danh truyền thống Biên phòng” đã phải miệt mài đọc lại lịch sử, tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu, trong đó, những kho “tư liệu sống” là các cựu chiến binh vẫn lưu giữ ký ức của đồng đội. Họ chính là những nhân chứng chân thực nhất và luôn khao khát được kể lại những kỷ niệm đó.
Điều ghi nhận là hầu hết các anh hùng liệt sĩ của BĐBP hiện nay đều được các địa phương trân trọng, chăm sóc chế độ đãi ngộ chu đáo, phần mộ được hỗ trợ di dời về quê hương. Đặc biệt, có các gia đình thân nhân liệt sĩ chia sẻ, sở dĩ họ chưa di phần mộ người thân về quê là trong suy nghĩ và niềm tin của họ, các liệt sĩ đã ngã xuống đều muốn nằm lại với biên cương, với đồng đội đã cùng chiến đấu, cùng hy sinh. Mặt khác, các chỉ huy của các đồn Biên phòng hiện đóng quân ở biên giới cũng chia sẻ rằng, tất cả các phần mộ, các đài tưởng niệm đều được cán bộ, chiến sĩ thường xuyên khói nhang yên ủi anh linh các liệt sĩ. Câu chuyện về tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm vượt gian khó, tinh thần xả thân của các liệt sĩ cho đến nay vẫn là điểm tựa, là niềm tự hào của quân và dân biên giới.
Ngoài danh sách 20 vị anh hùng liệt sĩ của BĐBP được các địa phương đặt tên đường, 3 liệt sĩ được đặt tên trường học (tiểu học và phổ thông cơ sở, phổ thông trung học), còn có Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đầu tiên (BĐBP ngày nay) hiện được đặt tên đường ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó là 20 khu di tích, khu tưởng niệm, tượng đài, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nằm ở địa bàn biên giới hiện đang được cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng và địa phương chăm sóc, bảo vệ.
Với lịch sử bảo vệ cương thổ quốc gia trải dài từ Bắc chí Nam, từ địa đầu Đông Bắc đến mũi Cà Mau, nhiều cuộc chiến đấu gìn giữ sự bình yên nơi biên giới nên danh sách các liệt sĩ, các khu tưởng niệm cũng trải ra suốt chiều dài đất nước. Loạt bài viết được tổ chức thực hiện đi theo hành trình lịch sử này cũng nối liền sợi chỉ đỏ truyền thống của BĐBP, tạo ra một cuộc học tập truyền thống, ôn lại lịch sử và làm mới tư liệu, truyền thống nhằm tạo nên sức mạnh, bồi đắp thêm niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP hiện nay.
Với mong muốn làm rạng danh truyền thống BĐBP, những tư liệu lịch sử quý báu trong loạt bài này còn được lưu giữ thành chuyên mục trên Báo Biên phòng để phục vụ tra cứu, tổng hợp và bổ sung thông tin về lý lịch, quan hệ thân nhân và trạng thái hoạt động của các khu tưởng niệm, di tích tại các địa phương. Hằng năm, việc xây dựng tài liệu tuyên truyền về đề tài này vẫn còn tiếp tục, đặc biệt là mỗi dịp tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 27-7.