Loạt bom tấn thu tỷ USD từ con số 0

Trong lịch sử, điện ảnh thế giới chứng kiến sự bùng nổ của các thương hiệu phim bom tấn. Rất nhiều trong số này được xây dựng từ kịch bản gốc.

Lethal Weapon: Thập niên 1980-1990, Lethal Weapon là một trong những thương hiệu ăn khách hàng đầu Hollywood. Chuỗi phim gồm 4 phần, xoay quanh cặp cộng sự cảnh sát do Mel Gibson và Danny Glover thủ vai. Kịch bản Lethal Weapon do biên kịch Shane Black sáng tác khi mới chập chững vào nghề năm 24 tuổi. Tổng doanh thu phòng vé của 4 phần phim Lethal Weapon vào khoảng 952,6 triệu USD toàn cầu, tương đương 1,5 tỷ USD sau lạm phát. Ảnh: Warner Bros.

Home Alone: Theo tạp chí Time, John Hughes đã nảy ra ý tưởng kịch bản Home Alone (1990) khi đang soạn đồ du lịch. Dự án phim từng bị Warner Bros. bỏ qua trước khi được 20th Century Fox rót vốn sản xuất 15 triệu USD. Home Alone thu 476,7 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Hai năm sau, Home Alone 2 được đầu tư 20 triệu USD và thu 359 triệu USD. Đáng tiếc, thương hiệu Home Alone nhanh chóng tuột dốc từ phần thứ 3 với chỉ 79 triệu USD doanh thu toàn cầu dù vốn đầu tư lên tới 32 triệu USD. Quy đổi sau lạm phát, doanh thu hai phần đầu Home Alone rơi vào khoảng 1,6 tỷ USD. Ảnh: 20th Century Fox.

Beverly Hills Cop: Kịch bản đầu tiên của Beverly Hills Cop xoay quanh tay cảnh sát điều tra cái chết mờ ám của đồng nghiệp tại Beverly Hills. Tuy nhiên, nó liên tục bị sửa chữa mỗi lần dự án thay đổi nhân sự. Cuối cùng, khi ra rạp năm 1984, Beverly Hills Cop trở thành phim hành động, hài với Eddie Murphy trong vai chính. Từ năm 1984 tới 1994, thương hiệu ra mắt ba phần phim, thu tổng cộng hơn 712 triệu USD từ phòng vé toàn cầu trên kinh phí sản xuất 85 triệu USD - tức 1,3 tỷ USD sau lạm phát. Ảnh: Paramount Pictures.

Finding Nemo: Finding Nemo là một trong các tác phẩm hoạt hình có kịch bản gốc thành công nhất mà xưởng hoạt hình Pixar từng thực hiện. Ý tưởng về bộ phim đến với biên kịch Andrew Stanton trong một lần đi thăm công viên hải dương năm 1992. Dự án Finding Nemo được khởi động vào năm 2000 và phát hành vào năm 2003. Phim thu 936 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Finding Dory, hậu truyện của Finding Nemo, ra mắt sau đó 13 năm, ghi nhận doanh thu ấn tượng hơn 1 tỷ USD trên toàn thế giới. Ảnh: Pixar.

The Terminator: Chia sẻ với Viện phim Anh, đạo diễn James Cameron cho biết: “Ý tưởng về The Terminator đến với tôi giữa một cơn sốt tại Rome năm 1981”. Phần phim The Terminator đầu tiên ra mắt năm 1984, thu 78 triệu USD từ phòng vé toàn cầu trên kinh phí sản xuất 6,4 triệu USD. Sau bốn thập kỷ, thương hiệu đã ra mắt sáu tác phẩm, thu tổng cộng 2,1 tỷ USD trên vốn đầu tư 816,4 triệu USD. Đáng tiếc, hai phần phim với tham vọng phục hưng thương hiệu, ra mắt năm 2015 và 2019, đều thất bại tại phòng vé. Ảnh: Warner Bros.

Despicable Me: Despicable Me khai sinh là ý tưởng của nhà làm phim hoạt hình thất thế Sergio Pablos. Câu chuyện là nỗ lực cuối cùng của anh để cứu xưởng phim sắp phá sản. Ý tưởng của Pablos đã được Chris Meledandri từ Illumination Entertainment mua lại. Sau 7 năm và 4 bộ phim, thương hiệu Despicable Me thu hơn 3,7 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu. Trong năm nay, phần thứ 5 của thương hiệu, Minions: The Rise of Gru, đã sẵn sàng ra rạp. Ảnh: Universal.

Toy Story: Kỷ nguyên hoạt hình kỹ thuật số tại Hollywood bắt đầu bằng Toy Story. Hãng Pixar đã “chào hàng” ý tưởng Toy Story với Disney từ cuối thập niên 1980 nhưng phải tới năm 1991, dự án mới đi vào sản xuất. Năm 1995, Toy Story ra rạp, thu hơn 365 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Sau 26 năm, Toy Story đã ra mắt bốn phần phim, thu tổng cộng 3,05 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu. Ảnh: Pixar.

Rocky: Câu chuyện về hành trình nam diễn viên Sylvester Stallone đưa Rocky lên màn ảnh đã đi vào lịch sử Hollywood. Stallone đã sống kham khổ trong nhiều năm trời để hoàn thiện kịch bản Rocky. Ông từ chối bán kịch bản phim nếu mình không được thủ vai chính. Sự liều lĩnh này đã được đền đáp xứng đáng. Năm 1976, Rocky thu 225 triệu USD toàn cầu. Năm 1977, tác phẩm đoạt giải Oscar cho Phim truyện xuất sắc. Từ năm 2015, thương hiệu phát triển thêm ngoại truyện Creed. Tới nay, tổng doanh thu của thương hiệu Rocky đã vượt 1,5 tỷ USD với số vốn sản xuất vào khoảng 112 triệu USD. Ảnh: MGM.

Indiana Jones: Cuối thập niên 1970, sau hai lần bị từ chối khỏi vị trí đạo diễn loạt James Bond, Steven Spielberg đã được George Lucas mời thực hiện dự án lớn ông hằng ấp ủ về một giáo sư sử học ưa phiêu lưu. Raiders of the Lost Ark (1981) được đầu tư kinh phí 20 triệu USD, thu tổng cộng 364,7 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Sau bốn thập kỷ và bốn phần phim đã ra rạp, thương hiệu Indiana Jones bán được tổng cộng 1,96 tỷ USD doanh thu vé. Ảnh: LucasFilm.

Fast & Furious: Đầu thập niên 2000, The Fast and the Furious ra đời. Bộ phim thu 206 triệu USD từ phòng vé toàn cầu với số vốn đầu tư 38 triệu USD. Cuộc đua trên màn ảnh rộng trong 20 năm qua ghi nhận sự chuyển mình của loạt phim, từ tập trung vào những cuộc đua tốc độ, đấu đá giang hồ tới chỗ theo đuổi thể loại hành động giả tưởng, với nhóm nhân vật chính đối đầu khủng bố. Sau 10 bộ phim, thương hiệu đã cán mốc 6,3 tỷ USD doanh thu từ phòng vé toàn cầu. Ảnh: Universal.

Star Wars: Cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài qua chín phần phim trên màn ảnh rộng và nhiều series ngoại truyện ở một thiên hà xa xôi mà khán giả giả đại chúng say mê những thập kỷ qua đều bắt nguồn từ óc sáng tạo của George Lucas. Năm 1977, Star Wars - Episode IV: A New Hope ra mắt thu 775,3 triệu USD từ phòng vé toàn cầu với vốn đầu tư 11 triệu USD. Đây là con số khổng lồ so với mặt bằng chung của điện ảnh thời bấy giờ. Tới nay, sau 44 năm và 9 bộ phim, tổng doanh thu phòng vé của loạt Star Wars là 10,3 tỷ USD. Ảnh: LucasFilm.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-bom-tan-thu-ty-usd-tu-con-so-0-post1233912.html