Loạt chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/7

Từ ngày 1/7, nhiều chính sách liên quan đến thuế, hóa đơn, chứng từ, các quy định về phân cấp, phân quyền… chính thức có hiệu lực.

Sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế

Theo Thông tư số 86 được Bộ Tài chính ban hành ngày 23/12/2024, từ ngày 1/7, cá nhân, hộ gia đình và hộ kinh doanh sẽ sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho mã số thuế.

Bộ Tài chính nêu rõ, số định danh cá nhân do Bộ Công an cấp, là dãy 12 chữ số. Số định danh cá nhân của người đại diện hộ gia đình, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được sử dụng thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó.

Nếu cá nhân là công dân Việt Nam chưa có số định danh, Bộ Tài chính đề nghị liên hệ cơ quan công an cấp xã để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia và được cấp số định danh trước khi làm thủ tục đăng ký thuế.

Việc sử dụng số định danh cá nhân duy nhất giúp minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục thuế, đồng thời giải quyết tình trạng một cá nhân có nhiều mã số thuế, gây khó khăn trong quyết toán và hoàn thuế.

Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026

Sáng 17/6, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Nghị quyết quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Giao dịch thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng

Từ ngày 1/7, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024 chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Một trong những thay đổi quan trọng là việc siết chặt điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Cụ thể, theo Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, người nộp thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu đáp ứng đủ các điều kiện: có hóa đơn giá trị gia tăng hoặc chứng từ nộp thuế tại khâu nhập khẩu; có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (trừ một số trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định); đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: điều kiện khấu trừ còn cần thêm hóa đơn, hợp đồng, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán, vận đơn…

Như vậy, từ 1/7, mọi giao dịch không phân biệt giá trị đều bắt buộc phải chuyển khoản để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Đối với một số trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định, đáp ứng điều kiện thì vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu thanh toán tiền mặt.

Trước đó, Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng không cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán

Theo quy định tại Nghị định số 117 ban hành ngày 9/6, kể từ ngày 1/7, tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử trong và ngoài nước (bao gồm cả chủ sở hữu trực tiếp hoặc người được ủy quyền) có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thay số thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng đối với từng giao dịch. Đối tượng áp dụng bao gồm hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (phát sinh doanh thu ở trong nước)

Nền tảng thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thay số thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng đối với từng giao dịch.

Về thuế thu nhập cá nhân, sàn thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thay người bán theo quy định đối với từng giao dịch. Đối tượng áp dụng bao gồm các cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, phát sinh doanh thu trong và ngoài nước; cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, phát sinh doanh thu trong nước.

Nhiều chính sách liên quan đến thuế, hóa đơn, chứng từ, các quy định về phân cấp, phân quyền… chính thức có hiệu lực từ 1/7. (Ảnh: VietnamPlus).

Nhiều chính sách liên quan đến thuế, hóa đơn, chứng từ, các quy định về phân cấp, phân quyền… chính thức có hiệu lực từ 1/7. (Ảnh: VietnamPlus).

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực

Một trong những dự án Luật quan trọng khác có hiệu lực từ ngày 1/7 là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người lao động làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương.

Đồng thời, bổ sung chế độ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con, do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Luật mới cũng bổ sung quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi. Người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, theo luật mới, khi đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi, người tham gia không được rút bảo hiểm xã hội một lần nếu không thuộc trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS... Người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm cũng được hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội nếu đủ tuổi nghỉ hưu.

Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 có hiệu lực

Hàng loạt quyền lợi và quy định mới liên quan đến bảo hiểm y tế cũng sẽ được áp dụng từ ngày 1/7, khi Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 chính thức có hiệu lực.

Một số nội dung đáng chú ý tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 như: Người dân khám chữa bệnh tại nhà vẫn được bảo hiểm y tế chi trả; thông cấp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; người dân được vượt tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu nếu mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo; có thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 cũng bổ sung một số nhóm được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; một số trường hợp được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế và các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo

Ngày 16/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, mức vay không cần tài sản bảo đảm sẽ được điều chỉnh tăng từ 100 - 200 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tăng từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng đối với tổ hợp tác, hộ kinh doanh; tăng từ 1 - 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với chủ trang trại; tăng từ 1 - 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh việc tăng hạn mức, Nghị định 156 còn loại bỏ một số thủ tục hành chính phức tạp, bao gồm: bỏ yêu cầu nộp giấy xác nhận chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bỏ yêu cầu xác nhận đất không có tranh chấp của UBND cấp xã.

Nghị định 156 cho phép khách hàng và tổ chức tín dụng tự thỏa thuận về việc nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian vay vốn, thay vì yêu cầu bắt buộc như trước.

Tại Nghị định 156, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước quyền quy định cụ thể về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hướng dẫn việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, đồng thời tạo khung pháp lý linh hoạt trong việc hỗ trợ người vay gặp khó khăn.

Trong trường hợp người vay chịu thiệt hại do các yếu tố khách quan hoặc bất khả kháng, nếu có nhiều chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, khách hàng được lựa chọn thụ hưởng một chính sách phù hợp nhất, tránh chồng chéo và đảm bảo tính hiệu quả.

28 nghị định về phân cấp, phân quyền; phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp có hiệu lực

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Mới đây, Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hai cấp.

Trong 28 Nghị định, có 11 Nghị định phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; 14 Nghị định về phân cấp, phân quyền; 3 Nghị định quy định hai nội dung gồm: phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền. Các Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

UBND cấp xã được cấp sổ đỏ

Tại Nghị định số 151 về phân cấp, phân quyền lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7, Chính phủ giao UBND cấp xã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu cho người dân nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện gồm không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch và không vi phạm pháp luật về đất đai…

Ngoài quyền cấp sổ đỏ, Chủ tịch UBND cấp xã được giao quyền xác định lại diện tích đất ở, ghi giá đất trong các quyết định giao đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, và ban hành quyết định giá đất trong trường hợp áp dụng bảng giá đất hoặc xác định giá đất cụ thể.

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ chính thức được vận hành trên toàn quốc. Theo đó, cả nước có 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, không còn đơn vị hành chính cấp huyện.

Anh My

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loat-chinh-sach-kinh-te-noi-bat-co-hieu-luc-tu-ngay-17.html