Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, xăng giả gây ra tình trạng ô tô, xe máy đi trên đường bốc cháy. Cùng nhìn lại loạt đại án xăng mới đây được triệt phá.
Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, đề cập đến xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, diễn biến hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả còn rất phức tạp. Đại tướng Tô Lâm cho rằng, từ buôn lậu dẫn đến trốn thuế, giá xăng lậu chênh lệch, gây thiệt hại cho nhập khẩu chính thức, lại càng kích thích các đối tượng buôn lậu, sản xuất xăng giả. Đáng chú ý, xảy ra tình trạng ô tô, xe máy tự nhiên bốc cháy khi đi trên đường...
Ý kiến của Bộ trưởng Công an Tô Lâm phần nào lý giải nguyên nhân hàng loạt vụ cháy xe máy, ô tô khi đang đi chuyển trong suốt thời gian qua. Cùng nhìn lại một số đại án buôn lậu xăng giả từng là nỗi ám ảnh của người dân trước nguy cơ cháy nổ xe khi mua, sử dụng xăng giả.
Đại án xăng giả Đồng Nai do Phan Thanh Hữu cầm đầu. Thông tin về vụ buôn lậu, sản xuất xăng giả ở Đồng Nai ngày 16/3, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết đến nay đã kết thúc điều tra giai đoạn 1. Cơ quan công an đã bắt, xử lý 100 bị can, phối hợp Quân đội xử lý các đối tượng có liên quan trong lực lượng Quân đội, trong đó có 99 bị can về tội "Buôn lậu", 1 bị can về tội "Nhận hối lộ".
Đồng thời, tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác; tạm giữ số tiền trên 212 tỷ đồng, gần 300.000 đô la Mỹ; phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỷ đồng, tạm giữ 51 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài sản có giá trị khác. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 vụ án này.
Trước đó, ngày 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, chia thành 14 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm, triệt phá chuyên án. Thời điểm bị triệt phá, ước tính khoảng 200 triệu lít xăng giả đã được đường dây này sản xuất ra thị trường. Quá trình điều tra, Công an Đồng Nai đã khởi tố nhiều bị can là chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu…
Sau quá trình điều tra, ngày 6/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố đối với 74 bị can về tội buôn lậu và nhận hối lộ. Trong số đó, có 2 trùm cầm đầu đường dây là Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh và Đào Ngọc Viễn - Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng cùng 71 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội buôn lậu. Bị can Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu và Viễn cùng các đối tượng trong đường dây đã vận chuyển 48 chuyến tàu chở xăng nhập lậu với số lượng hơn 198 triệu lít, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Số xăng này đã được đem đi tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Phan Thanh Hữu hưởng lợi hơn 105 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình điều tra, Công an Đồng Nai cũng làm rõ việc Ngô Văn Thụy, Đội trưởng đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu nhận của nhóm Hữu 10.000 USD, 500 triệu đồng và 1 thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản. Ngoài hối lộ cho Ngô Văn Thụy, Hữu và Từ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng. Do đó, cơ quan công an đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Trong giai đoạn 2 vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai còn phát hiện thêm 1 đường dây buôn lậu xăng do Mai Thị Dần, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc (Bà Rịa-Vũng Tàu, cầm đầu) cung cấp với số lượng đặc biệt lớn, liên quan nhiều đối tượng tiêu thụ ở Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa... Tính đến nay, CSĐT đã khởi tố thêm 25 bị can để điều tra về hành vi buôn lậu.
Đại án xăng dầu do Trịnh Sướng cầm đầu. Ngày 30/12/2021, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Sướng – trùm đường dây xăng giả 12 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng; Nguyễn Ngọc Quan - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất Tâm Quan, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) 8 năm 6 tháng, phạt bổ sung 50 triệu đồng; Đinh Chí Dũng - Giám đốc TNHH Đinh Chí Dũng, TPHCM 7 năm 6 tháng, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Lưu Văn Nguyện - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh) bị phạt 3 năm tù…
Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 2,5 năm (nhưng cho hưởng án treo) đến 6 năm tù. Một số bị cáo khác cũng bị phạt tiền 20 triệu đồng.
Đường dây xăng giả Trịnh Sướng sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả, bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng và thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng. Trong quá trình sinh sống, kinh doanh tại địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, TP HCM, Đồng Nai và Đắk Nông, Trịnh Sướng và đồng phạm biết được cách pha chế xăng giả.
Các đối tượng đã sử dụng dung môi Naphtha, Solmix, orgasol, BMSol White, BMSol Petro với xăng chính hãng A95, A92 và E5 ron 92 và hóa chất tăng ron như Toluel, MTBE, Xylene, Ethanol cùng hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, A92 và E5 ron 92 giá bán ra thị trường sẽ thu được lợi nhuận cao hơn buôn bán xăng, dầu chính hãng.
Đầu năm 2017 đến cuối 5/2019, Trịnh Sướng và Nguyễn Ngọc Quan, Đinh Chí Dũng mua dung môi, hóa chất về tổ chức pha trộn dung môi, hóa chất với xăng chính hãng tạo thành xăng giả A95, A92 và E5 ron 92 bán ra thị trường. Đầu năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả trên.
Xăng giả là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ hàng loạt xe máy, ô tô. TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự khi trao đổi với báo chí từng khẳng định, xăng giả, xăng kém chất lượng là một trong những nguyên nhân gây ra cháy, nổ xe.
Theo tiến sĩ Hùng, nếu pha các dung môi hóa chất như naphtha và các hóa chất khác trong dầu làm cho phớt dầu và pha thêm methanol, ethanol… làm cho các phớt dầu của máy bị doãng ra dễ gây hở hơi. Khi chạy nhiệt độ cao, dừng đột ngột hay chạy chậm lại sẽ tạo tích tụ hỗn hợp quanh buồng nổ thành hỗn hợp cháy dẫn đến gây cháy, nổ. Có 2 loại pha vào cho xăng để nâng chỉ số Octan (Toluene - chỉ số cháy nổ) trong xăng cao lên dẫn đến làm doãng các ống gioăng ra, khi hở ra hơi bay ra, khi chạy, nhiệt độ cao của máy dừng đột ngột sẽ thành hỗn hợp cháy xung quanh động cơ gây cháy, nhất là những máy cũ hở gioăng. Do đó nguyên nhân chính xe cháy nổ do nhiên liệu nhiều còn về điện thì ít hơn.
Dư luận mong rằng, các cơ quan chức năng sớm đưa các đối tượng buôn bán xăng giả ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Đồng thời có những biện pháp để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi buôn bán xăng dầu giả.
Mời độc giả xem thêm video Vụ 200 triệu lít xăng giả: Bắt tạm giam thêm một tổng giám đốc. Nguồn: VTV1