Loạt địa phương xin thêm dư địa làm điện tái tạo

Một số địa phương như Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk đã xin ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo để phù hợp với tiềm năng, thu hút nguồn lực cũng như gỡ vướng cho nhà đầu tư.

 Quy hoạch điện VIII đang được điều chỉnh bổ sung thêm công suất phát triển điện tái tạo. Ảnh: T.L.

Quy hoạch điện VIII đang được điều chỉnh bổ sung thêm công suất phát triển điện tái tạo. Ảnh: T.L.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên, cho biết với địa phương miền núi biên giới như Điện Biên, yêu cầu đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn đến năm 2025 và 2030 rất khó khăn do dư địa phát triển và tiềm năng thu hút đầu tư hạn chế.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương trên quan điểm rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện gió, điện mặt trời nhằm giúp các địa phương khó khăn có điều kiện trong thu hút nguồn lực đầu tư để thực hiện nguồn lực tăng trưởng.

Địa phương muốn nâng công suất điện tái tạo

Tương tự, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất Bộ Công Thương bổ sung thêm trong Quy hoạch điện VIII (điều chỉnh) 1.000 MW điện gió và 500 MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000 MW điện gió và 6.000 MW điện mặt trời.

Cùng quan điểm, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhất trí với nội dung liên quan đến phát triển điện mặt trời.

Bổ sung thêm, ông Sơn cho biết tỉnh đang có 8 dự án điện gió đã có trong quy hoạch và xin được bổ sung thêm công suất, những dự án này đều đã trải qua việc đo gió và đạt tốc độ gió khả thi. Hiện đã có 6 nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất, tuy nhiên đang gặp vướng mắc là chưa có phê duyệt quy mô dự án, nên đề nghị sớm có phê duyệt quy mô dự án để tỉnh sớm triển khai thực hiện.

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, cũng chia sẻ thời gian qua, có một số nhà đầu tư đến địa phương để đề xuất khai thác công suất điện gió, điện mặt trời và xây dựng hệ thống lưu trữ. Nhưng, các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định vấn đề này, do đó ông đề xuất Bộ Công Thương sớm ban hành các văn bản để có cơ sở pháp lý triển khai dự án.

 Hệ thống điện Việt Nam hiện có gần 17.000 MW điện mặt trời và trên 5.000 MW điện gió. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hệ thống điện Việt Nam hiện có gần 17.000 MW điện mặt trời và trên 5.000 MW điện gió. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đồng tình về việc phải ưu tiên cho năng lượng tái tạo, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn cho rằng phải tính bài toán kinh tế, bài toán tổng thể của quốc gia chứ không phải bài toán của từng địa phương vì phát triển điện gió, điệm mặt trời phải tùy thuộc vào tần suất và cường độ của gió, tiềm năng bức xạ của mặt trời…

Đối với khu vực miền Trung, nếu đề xuất thêm công suất năng lượng tái tạo sẽ gặp khó khăn trong vấn đề truyền tải. Hiện phụ tải tại chỗ chỉ đáp ứng 7-10%, còn lại 90-93% là truyền tải đi nơi khác.

Do đó việc phát triển cũng cần tính toán bài toán kinh tế cho cả nước, vì nếu phát triển điện mà không huy động được thì sẽ lãng phí. Điện sản xuất ra cần có tiêu thụ chứ chưa thể lưu trữ được.

Theo Bộ trưởng Diên, tất cả dự án điện năng lượng tái tạo vừa qua mà đầu tư theo đúng quy hoạch, đúng cơ chế đều được huy động một cách kịp thời, rõ ràng về cơ chế giá. Những dự án chưa có giá hoặc chưa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua bán điện là do còn tổn đọng vi phạm.

Về năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái, Chính phủ đã gỡ vướng mắc bằng cách cho phát triển không giới hạn công suất để thực hiện mục tiêu tự sản tư tiêu. Thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành sẽ ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

Tới cuối năm ngoái, hệ thống điện Việt Nam có gần 17.000 MW điện mặt trời (cả mái nhà, tập trung) và trên 5.000 MW điện gió. Các nguồn này chiếm khoảng 26% tổng công suất hệ thống điện.

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 có 27.880 MW điện gió (trên bờ, ngoài khơi) và 12.836 MW điện mặt trời.

Trong dự thảo quy hoạch điều chỉnh, nguồn điện gió ngoài khơi dự kiến được phát triển sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào năm 2035. Thay vào đó, Việt Nam sẽ phát triển điện gió trên bờ, gần bờ trong 5 năm tới với công suất 27.791-34.667 MW, tăng khoảng 15% so với quy hoạch hiện nay.

Điện mặt trời (mái nhà, tập trung) dự kiến nâng quy mô thêm 2-3 lần lên 46.459-73.416 MW do có thể triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời khả năng cung ứng điện trong 2026-2027.

Ngành điện cần đầu tư 27 tỷ USD/năm

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu rõ việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được thực hiện trên cơ sở đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030; tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tình hình địa chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến giá điện; sự phát triển của của khoa học - công nghệ, nhất là chi phí cho hệ thống lưu trữ năng lượng giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và tích hợp vào hệ thống điện quốc gia.

Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII đã bộc lộ một số bất cập như thiếu cân bằng, nhất là ở khu vực miền Bắc, thiếu giải pháp quy hoạch truyền tải liên vùng, liên quốc gia. Việc xác định các nguồn điện cũng chưa bảo đảm tính khả thi.

 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các bộ ngành phải giải quyết tình huống thiếu điện từ nay đến năm 2030. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các bộ ngành phải giải quyết tình huống thiếu điện từ nay đến năm 2030. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó thủ tướng nhấn mạnh đề nghị Bộ Công Thương và Viện Năng lượng (đơn vị tư vấn) phải khẳng định được cơ sở tính toán điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để bảo đảm cao nhất tính khả thi, nhất là giải quyết tình huống thiếu nguồn điên từ nay đến năm 2030, trước hết là giai đoạn 2026-2028; khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định, bảo đảm cung cấp điện cho giai đoạn 2026-2030.

Phó thủ tướng cũng lưu ý cần ưu tiên phát triển các nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh để đưa vào sử dụng, đồng thời tính toán phát triển nguồn linh hoạt khác, hệ thống pin lưu trữ, nhập khẩu điện theo hướng mở nhằm bảo đảm cao nhất an ninh năng lượng quốc gia, nhất là các tỉnh phía Bắc - nơi nhu cầu điện tăng rất nhanh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng (đều ghi nhận mức tăng trên 11%).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh hoặc tham mưu cho các cấp thẩm quyền điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển các dự án, công trình điện trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Do nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, trung bình khoảng 27 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, Phó thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp đột phá để huy động vốn đầu tư.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/loat-dia-phuong-xin-them-du-dia-lam-dien-tai-tao-post1533862.html