Bộ Nội vụ sau hợp nhất có 22 đầu mối, tổng biên chế hơn 3.000 người

Sau khi hợp nhất, Bộ Nội vụ có tổng biên chế hơn 3.000 người, với 22 đầu mối trực thuộc, giảm hơn 37% so với trước đây. Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm 10 vụ, 5 cục và 7 đơn vị khác, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2025/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Theo đó, sau khi hợp nhất, Bộ Nội vụ có 22 đầu mối trực thuộc, gồm 10 vụ, 5 cục và 7 đơn vị khác, với tổng biên chế hơn 3.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có hơn 800 công chức.

Cụ thể, các vụ bao gồm: Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Vụ Cải cách hành chính, Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà sẽ đứng đầu Bộ Nội vụ mới. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà sẽ đứng đầu Bộ Nội vụ mới. Ảnh: TTXVN

Các cục gồm: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Người có công. Ngoài ra, các đơn vị khác thuộc Bộ Nội vụ có Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và một số đơn vị sự nghiệp công lập như Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động, Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động, Báo Dân trí.

So với trước khi hợp nhất, số lượng đầu mối của Bộ đã giảm từ 35 xuống còn 22, tương đương giảm hơn 37%. Cơ cấu nhân sự cũng được tinh gọn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động chuyên môn. Bà Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cùng với 7 Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực liên quan.

Theo Nghị định 25/2025, Bộ Nội vụ có trách nhiệm quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: Tổ chức hành chính và sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; việc làm; an toàn vệ sinh lao động; hội, quỹ xã hội, tổ chức phi chính phủ; người có công; thanh niên; bình đẳng giới; văn thư, lưu trữ nhà nước; thi đua, khen thưởng; cùng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý.

Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, thay thế Nghị định số 62/2022 (quy định về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Nghị định số 63/2022 (quy định về Bộ Nội vụ), đánh dấu một bước cải tổ quan trọng trong bộ máy hành chính nhà nước.

Hưng Nhật

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-noi-vu-sau-hop-nhat-co-22-dau-moi-tong-bien-che-hon-3-000-nguoi-316235.html