Loạt doanh nghiệp thay nhân sự cấp cao; Masan lãi tăng 400%; Đức Giang lùi tiến độ dự án chiến lược
Vinaconex thành lập Hội đồng chiến lược; Quốc Cường Gia Lai thay người đại diện; Chủ tịch HĐQT Hà Đô từ nhiệm; Masan lãi tăng gần 400%: Đức Giang lùi tiến độ dự án chiến lược Nghi Sơn;Tiền gửi của FPT Telecom bằng nửa tài sản...
Vinaconex thành lập Hội đồng chiến lược
HĐQT Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã ban hành Nghị quyết thông qua việc thành lập Hội đồng chiến lược, do ông Đào Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng Chiến lược có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty; đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển Tổng công ty.
Đồng thời, HĐQT Tổng công ty cổ phần Vinaconex cũng đã thông qua việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 của ông Đào Ngọc Thanh kể từ ngày 26/07/2024 theo nguyện vọng cá nhân, để tập trung thực hiện công tác xây dựng chiến lược.
Năm 2019, ông Đào Ngọc Thanh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của Vinaconex sau khi SCIC thoái vốn cổ phần nhà nước tại tổng công ty này. Ông là đại diện cho nhóm cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư Pacific Hoding.
Kế nhiệm vị trí của ông Đào Ngọc Thanh là ông Nguyễn Hữu Tới. Ông Nguyễn Hữu Tới, hiện là Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc VINACONEX, có hơn 40 năm kinh nghiệm, trải qua rất nhiều vị trí quản lý, điều hành khác nhau, từ Công ty thành viên đến Tổng công ty.
Quốc Cường Gia Lai thay người đại diện pháp luật
Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho CTCP Quốc Cường Gia Lai. Theo đó, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường chính thức giữ vai trò người đại diện theo pháp luật của công ty, thay thế cho mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan.
Ngoài việc thay mẹ trong vai trò người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường còn được đề cử bầu vào HĐQT quan trị công ty. Việc bổ nhiệm sẽ được cổ đông xem xét tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 30/7 tới đây.
Hiện ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG (tương đương 0,2% vốn), vợ là Đàm Thu Trang không sở hữu cổ phiếu nào. Tuy nhiên, hiện các thành viên trong gia đình doanh nhân này đang sở hữu xấp xỉ 60% vốn công ty này.
Được biết, việc thay thế nhân sự cấp cao tại Quốc Cường Gia Lai diễn ra sau khi sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc công ty bị khởi tố và tạm giam hôm 19/7 để phục vụ điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bà Loan bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM
Chủ tịch HĐQT Hà Đô xin từ nhiệm, nghỉ hưu
Tập đoàn Hà Đô cho biết vừa nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Trọng Thông, người sáng lập công ty.
Trong đơn, ông Thông viết: "Vì tuổi tác, sức khỏe và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, tôi muốn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT Công ty nữa. Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng, xây dựng được lực lượng kế nhiệm và đã có ý kiến trong 2 kỳ đại hội thường niên năm 2022 và năm 2023", ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ.
Vị doanh nhân cũng cho biết thêm HĐQT sẽ có chút lo lắng sự từ nhiệm này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty. Vì vậy, mặc dù không còn tham gia vào HĐQT, vì trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư, ông có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là "Chủ tịch sáng lập" để giúp đỡ HĐQT hoạt động ổn định, đảm bảo vốn đầu tư của cổ đông tiếp tục hiệu quả.
Con trai ông Thông là ông Nguyễn Trọng Minh đang là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc tại Hà Đô Group.
Ông Nguyễn Trọng Thông sinh năm 1953, năm nay 71 tuổi, đang sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG của Công ty, tương đương 31,83% vốn.
Tập đoàn Hà Đô được thành lập năm 1990, tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự được thành lập với nhiệm vụ gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ làm kinh tế. Năm 1993 Xí nghiệp xây dựng được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển thành Công ty Xây dựng Hà Đô. Ông Thông là người gắn bó với Hà Đô từ khi mới thành lập đến nay, đặt nền móng cho sự phát triển của Tập đoàn.
Masan báo lãi tăng gần 400% trong quý II/2024
Masan Consumer tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cho cả doanh thu và lợi nhuận, đồng thời các nền tảng tiêu dùng khác cũng đạt mức sinh lời bền vững”, TS. Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan chia sẻ.
Theo Báo cáo tài chính quý II/2024 vừa được công bố, MSN ghi nhận 20.134 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 8% so với mức 18.609 tỷ đồng trong quý II/2023, nhờ kết quả kinh doanh khả quan ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.
EBITDA đạt 3.823 tỷ đồng, tăng gần 21%. Lợi nhuận sau thuế Post-MI (Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số) là 503 tỷ đồng, tăng gần 379% và cao hơn kết quả 419 tỷ đồng của cả năm 2023.
Xét theo từng mảng, kinh doanh tiêu dùng bán lẻ của MSN duy trì đà tăng trưởng bền vững với sự phục hồi của các mảng không cốt lõi.
Masan Consumer Corporation đạt doanh thu 7.387 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.
WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 9% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới. Đây là thành quả của công tác nâng cấp, cải tiến cửa hàng WiN (hướng đến người tiêu dùng ở khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng ở khu vực ở nông thôn). WCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6.
Tính đến cuối tháng 6, WCM vận hành 3,673 điểm bán, mở 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12/2023. Ban lãnh đạo thận trọng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh còn nhiều bất định. WCM dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024.
Masan MEATLife ghi nhận EBIT tăng 105 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đây là quý thứ hai liên tiếp MML đạt EBIT dương.
Doanh thu thuần của Phúc Long Heritage (PLH) trong quý 2 tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 391 tỷ đồng, nhờ đóng góp từ 15 cửa hàng mở mới từ quý 2/2023.
Masan High-Tech Materials ghi nhận EBIT cải thiện 193 tỷ đồng nhờ giá APT và đồng tăng. Thương vụ bán H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với giá 134.5 triệu USD dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm 2024. Theo đó, MHT dự kiến sẽ ghi nhận khoản lãi một lần khoảng 40 triệu USD trong nửa cuối năm 2024 và được hưởng lợi từ lợi nhuận sau thuế tăng 20-30 triệu USD trong dài hạn. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được dùng để giảm nợ của MHT. Việc thoái vốn HCS giúp MHT được giải tỏa khỏi nghĩa vụ nợ của HCS tính đến quý II/2024.
PAN Group sáng cửa nhờ nông nghiệp, thủy sản và đóng gói
Theo báo cáo tài chính mới nhất, PAN Group - ông trùm ngành thực phẩm với hoạt động trải dài từ nông nghiệp, thủy sản tới đóng gói thực phẩm - ghi nhận doanh thu thuần gần 3.380 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi gộp cũng tăng mạnh 27%, đạt 690 tỷ đồng, với biên lợi nhuận tăng thêm gần 1 điểm phần trăm lên 20,4%.
Những con số trên cho thấy các mảng kinh doanh cốt lõi của PAN, bao gồm nông nghiệp, thủy sản và đóng gói thực phẩm, vẫn đang làm ăn rất tốt. Một điểm sáng khác là chi phí tài chính giảm gần 20% xuống 110 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều thuận lợi. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 47% và 7%, lên 278 tỷ đồng và 168 tỷ đồng.
Kết quả, PAN ghi nhận lợi nhuận ròng 85 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 31% so với cùng kỳ.
Nhìn tổng thể 6 tháng đầu năm, bức tranh kinh doanh của PAN càng thêm tươi sáng. Ông lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm này thu về 6.840 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 170 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng lần lượt 29% và 65% so với cùng kỳ.
Đi sâu vào cơ cấu doanh thu, ngành thủy sản và nông nghiệp chiếm vị trí dẫn đầu với 2.800 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Mảng thực phẩm đóng gói cũng không kém cạnh khi đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về lợi nhuận sau thuế, ngành nông nghiệp là ngôi sao sáng với gần 220 tỷ đồng, tiếp theo là ngành thủy sản với 185 tỷ đồng và ngành đóng gói thực phẩm với gần 70 tỷ đồng.
PAN còn cho thấy chiến lược cân bằng giữa nội địa và xuất khẩu khi doanh thu nội địa đạt hơn 3,600 tỷ đồng, trong khi xuất khẩu mang về hơn 3,200 tỷ đồng. Điều này giúp Tập đoàn giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa cơ hội từ cả hai thị trường.
Đức Giang lùi tiến độ dự án chiến lược Nghi Sơn
HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang thông qua nghị quyết điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư dự án số 1 Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn - một trong những dự án chiến lược của Công ty.
Cụ thể, thời gian khởi công xây dựng, lắp đặt, chạy thử nghiệm và bàn giao sẽ diễn ra từ quý IV/2024 đến quý I/2026. Cũng trong quý I/2026, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024, kế hoạch thi công dự kiến từ tháng 6/2024. Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền từng nhận định đây là “dự án chiến lược” tại ĐHĐCĐ 2023, trong bối cảnh các dự án tại Lào Cai không thể phát triển nhiều hơn do trữ lượng quặng sắp hết (dự báo chỉ khoảng 20-30 năm nữa).
Khi hoàn thành, dự án có quy mô 150.000 tấn xút (NaOH)/năm. Ngoài ra, còn 150 ngàn tấn nhựa PVC, 34 ngàn tấn bột tẩy trắng, 1 ngàn tấn chất diệt khuẩn Chloramin B, 30 ngàn tấn chất xử lý nước, 15 ngàn tấn acid HCl, 10 ngàn tấn nước tẩy Javen 10%.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế bán niên, Hóa chất Đức Giang lãi ròng hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 7%, thực hiện được 51% mục tiêu lãi sau thuế năm. Đáng chú ý, doanh nghiệp vẫn duy trì khối lượng tiền mặt khổng lồ là 10,2 ngàn tỷ đồng, trong khi dư nợ ngắn hạn chỉ gần 2 ngàn tỷ đồng, đảm bảo khả năng đáp ứng nghĩa vụ trả nợ. Chủ tịch Đào Hữu Huyền từng chia sẻ số tiền này được doanh nghiệp giữ lại nhằm phục vụ cho các cơ hội đầu tư “có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào”.
Song song với kế hoạch triển khai dự án, Hóa chất Đức Giang cũng công bố kế hoạch kinh doanh trong quý III. Mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 2,4 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lãi sau thuế 720 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 5%.
Về kế hoạch xây dựng cơ bản, quý III/2024, Hóa chất Đức Giang sẽ chi 400 tỷ đồng để đặt thiết bị cho Nhà máy Xút chất dẻo Nghi Sơn và 20 tỷ đồng để bảo dưỡng, sửa chữa Nhà máy cồn Đức Giang.
Viglacera giảm lợi nhuận vì mảng vật liệu xây dựng
Tổng công ty Viglacera – CTCP vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 2.712 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 24% thấp hơn doanh thu, khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 46% đạt 654 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Viglacera giảm gần 23% còn 17,3 tỷ đồng. Về các chi phí, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 38% lên hơn 168 tỷ đồng còn chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt giảm 24% và 15% so với quý 2/2023.
Kết quả, Viglacera báo lãi sau thuế quý II/2024 gần 171 tỷ đồng, giảm gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cho biết nguyên nhân lợi nhuận quý II giảm do doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm cùng với nhóm kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.351 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 408 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 47% so với cùng kỳ.
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Viglacera đạt 23.641 tỷ đồng, giảm 459 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 1.864 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với hồi đầu năm.
Tổng nợ phải trả của Viglacera giảm gần 5% so với hồi đầu năm còn 13.898 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính đạt 5.144 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 9.743 tỷ đồng.
Tiền gửi ngân hàng của FPT Telecom bằng nửa tài sản
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2024, CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) phá kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận của quý 1 trước đó. Tại cuối quý 2, Công ty có hơn 10,8 ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng, chiếm gần nửa tổng tài sản.
Quý II/2024, doanh thu thuần của FPT Telecom đạt mốc kỷ lục hàng quý là 4.232 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn giúp lãi gộp thu về gần 2.032 tỷ đồng, tăng 16% và biên lãi gộp cải thiện từ 45% lên mức 48%.
Trong kỳ, hoạt động tài chính chỉ thu về 177 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, do giảm lãi tiền gửi. Tại cuối quý II, Công ty có hơn 10,8 ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng, tăng thêm 1.750 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm gần nửa tổng tài sản.
Song song đó, Công ty cũng tối ưu các chi phí như chi phí tài chính giảm 18% về dưới 97 tỷ đồng; chi phí quản lý giảm 3% còn gần 516 tỷ đồng; ngoại trừ chi phí bán hàng tăng tới 26% lên hơn 664 tỷ đồng.
Tổng kết quý 2, lãi ròng ở mức 732 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, mức kỷ lục hàng quý trong lịch sử hoạt động của Doanh nghiệp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng của FPT Telecom đạt hơn 1,385 tỷ đồng, tăng 16% và thực hiện được hơn 50% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lãi bán niên cao nhất từ trước đến nay, thậm chí lớn hơn lãi cả năm giai đoạn 2007-2019.
Tại ngày 30/06/2024, tổng tài sản của FPT Telecom là 21.780 tỷ đồng, tăng 1.639 tỷ đồng (tương ứng tăng hơn 8%) so với đầu năm.