Loạt doanh nghiệp vốn hóa lớn thành tân binh trên sàn HoSE
Nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực trụ cột đã công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn HoSE - một tín hiệu tích cực cho chất lượng hàng hóa trên thị trường và góp phần chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Tân binh nổi bật nhất mới chuyển từ UPCOM sang HoSE là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã chứng khoán: BSR). Hoạt động trong lĩnh vực lọc hóa dầu, BSR sở hữu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – công trình trọng điểm quốc gia, cung ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Về tình hình kinh doanh, quý 1/2025 công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 31.863 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lợi nhuận sau thuế đạt 395 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ, nhưng kết quả này vẫn là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu chịu tác động kép từ bất ổn địa chính trị và điều chỉnh sản lượng của các nước OPEC+.
Ngày 13/5 vừa qua, Vinpearl - Công ty con trong hệ sinh thái Vingroup (Mã chứng khoán: VPL) chính thức niêm yết trên HoSE với hơn 1,79 tỷ cổ phiếu; vốn hóa hơn 187.000 tỷ đồng, lọt top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất. Với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cổ phiếu, sau ba phiên tăng liên tiếp, kết phiên 16/5, cổ phiếu VPL tăng nhẹ ở mức 101.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian tới, nhiều tân binh cũng được mong chờ niêm yết trên HoSE như Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) – thành viên chủ lực của Techcombank trong lĩnh vực chứng khoán, Masan Consumer – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng đang lên kế hoạch niêm yết HoSE.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các doanh nghiệp đầu ngành niêm yết trên HoSE mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thị trường, đặc biệt là với các nhà đầu tư.
Ông Phạm Đắc Thành - Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: "Vừa rồi chúng ta có việc chuyển sàn rất lớn của cổ phiếu Bình Sơn. Đó là động lực khiến Bình Sơn có mức tăng giá khá tốt. Đây là thương vụ IPO có thể nói là tiền đề cho cổ phiếu được đăng ký, sau đó lên sàn HoSE, sẽ tạo thêm các sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực giúp cho quy mô vốn hóa thị trường được lớn hơn".
Chuyên gia phân tích Tài chính - chứng khoán cho rằng: "Nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thứ hai là tăng khả năng thăng hạng của thị trường. Trong tiêu chí nâng hạng thị trường có tiêu chí về mặt vốn hóa. Khi vốn hóa thị trường tăng lên thì khả năng và tỉ trọng được mua và khả năng tăng vào các mức nâng hạng sẽ cao hơn".
Việc những “ông lớn” trong các lĩnh vực cốt lõi lần lượt chào sàn sẽ góp phần làm dày thêm chất lượng của rổ chỉ số VN-Index, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường vốn. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và hội nhập sâu rộng, làn sóng niêm yết của các doanh nghiệp lớn trên HoSE chắc chắn sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2025 và những năm tới.