Loạt động thái cho thấy Mỹ, Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh
Mỹ đang có nhiều động tháng nhằm tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong lúc Tổng thống Joe Biden dần đưa ra các kế hoạch ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, sẽ là một thách thức nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy vai trò quân sự của họ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và một số quốc gia Đông Nam Á lo ngại về khả năng bị kéo vào cuộc đối đầu căng thẳng này.
Trong khi Lầu Năm Góc vẫn đang đánh giá chính sách của Trung Quốc thông qua một nhóm tác chiến gồm 15 thành viên, giới chức quân đội nước này trong những tuần gần đây liên tục củng cố quan điểm cứng rắn của họ, trong đó đưa ra nhiều lời kêu gọi chuyển hướng các nguồn lực cho Thái Bình Dương để duy trì sự cạnh tranh trước Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin còn gọi Trung Quốc là “mối đe dọa đang tăng dần”.
Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, hồi đầu tháng 3 đã trình Quốc hội Mỹ một đề xuất chi thêm 27,3 tỉ USD ngân sách cho hoạt động xây dựng quân đội và tăng cường hợp tác với các đồng minh để duy trì sức cạnh tranh trước Trung Quốc, bao gồm 4,6 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.
Đô đốc Philip Davidson cho rằng Mỹ đang mất dần sức cạnh trang trước Trung Quốc trong khu vực (Ảnh: AP)
Trong hôm thứ Năm vừa qua, Richard Coffman, Giám đốc Nhóm các phương tiện chiến đấu thế hệ tiếp theo của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ, nói rằng các xe thiết giáp là thứ cần có nếu như một cuộc chiến tranh trên đất liền với Trung Quốc bùng nổ ở Thái Bình Dương.
Ông đưa ra bình luận trên tại một hội thảo, tổ chức chỉ vài ngày sau khi tướng Hứa Kì Lượng – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc – nói rằng Trung Quốc cần phải tăng chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Mỹ.
“Vấn đề không chỉ là xe tăng, mặc dù Trung Quốc có vô số: 7.000 xe tăng và 3.000 xe chiến đấu bộ binh – 10.000 phương tiện sẽ mang tính quyết định chiến thắng nếu như chúng ta không ở đó” – ông Coffman nói tại hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – “Để giành chiến thắng, chúng ta cần phải ở đó cùng với xe thiết giáp để ngăn Trung Quốc giành vị trí có lợi thế”.
Phần lớn những khu vực hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm hải quân, không quân và lục quân – trong đó căn cứ mới đầu tiên đi vào hoạt động kể từ năm 1952 đến nay là ở đảo Guam, vào năm ngoái – nhưng ông Coffman nói rằng cuộc chiến trên đất liền “sẽ là yếu tố duy nhất mang tính quyết định”.
Phát biểu của ông được đưa ra chỉ một ngày sau khi Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, cảnh báo rằng Mỹ đang mất dần lợi thế quân sự so với Trung Quốc trong khu vực.
Nhà Trắng đã đề cử Đô đốc John Aquilino, người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tiếp quản Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao phủ 36 quốc gia và được mô tả là “khu vực đóng tầm quan trọng lớn nhất đối với tương lai của Mỹ” trong bản báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương năm 2019 của Lầu Năm Góc.
Kashish Parpiani – chuyên gia nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Quan sát trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) – nói rằng những phát ngôn mới đây mà giới chức quốc phòng Mỹ đưa ra là “đáng khích lệ”, đặc biệt là với những người đang lo ngại rằng chính quyền Biden sẽ không tập trung cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Vị chuyên gia cho rằng việc đề cử ông Aquilino làm người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương cho thấy chính quyền Biden sẽ tiếp tục sử dụng các chiến dịch tự do hàng hải “không chỉ đơn thuần là để phản ứng, mà như một thực tế cho thấy hải quân Mỹ đang tiếp tục tăng cường hiện diện trong khu vực”.
Dưới thời chính quyền Donald Trump, hải quân Mỹ đã tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông, nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên tuyens hàng hải có tầm quan trọng chiến lược này. Về phần minh, Bắc Kinh nói rằng các cuộc tuần tra của Mỹ khiến khu vực trở nên bất ổn.
Renato De Castro – Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại ĐH De La Salle ở Manila (Philippines) – nhấn mạnh rằng mặc dù kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của ông Davidson có liên quan tới việc tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ ở đảo Guam và Palau, nhưng nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng các loại vũ khí mặt đất dọc “chuỗi đảo đầu tiên”. Đây là cụm từ được Trung Quốc sử dụng để chỉ khu vực kết nối Nhật Bản, Đài Loan và Philippines – thứ mà Bắc Kinh coi là hàng rào phòng thủ quan trọng, đặc biệt là để đối phó với sự hiện diện quân sự của Mỹ.