Loạt dự án điện tái tạo sai phạm: Tháo gỡ trước 20/1!

Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết vướng mắc cho hàng trăm dự án điện tái tạo gặp sai phạm, hoàn thành trước 20/1.

Đề nghị này được Bộ Công thương đưa ra nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình hôm 1/1 vừa qua về tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện tái tạo.

Trước đó, hôm 24/12/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thông qua phương án xử lý cụ thể đối với từng loại vướng mắc liên quan tới các dự án điện tái tạo, trong đó xuyên suốt là các vấn đề được Thanh tra Chính phủ kết luận tại văn bản 1027/KL-TTCP về thực hiện theo Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh.

Về vấn đề Bộ Công thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt 154 dự án điện mặt trời không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch, tư lệnh ngành Công thương đề xuất Thủ tướng ban hành văn bản/quyết định cập nhật danh mục dự án điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 theo Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện điện VIII.

Tiến độ giải quyết sẽ được Bộ Công thương báo cáo kết quả trước 10/1.

Tiếp theo là các vướng mắc liên quan đến đất đai được cơ quan thanh tra xác định như: khởi công dự án khi chưa được giao/cho thuê đất, xây dựng dự án trên đất rừng phòng hộ, chưa phù hợp với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (titan), đất dự án nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, sử dụng quặng bauxite…

Phương án tháo gỡ, theo Bộ Công thương đề xuất, là cho phép hoàn thiện thủ tục theo quy định pháp luật dựa trên cơ sở dự án được xác định có căn cứ pháp lý về quy hoạch. Hoạt động này sẽ do UBND cấp tỉnh chủ trì thực hiện, báo cáo kết quả trước 10/1.

Đặc biệt, với những dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng, thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện tái tạo và quy hoạch liên quan – tức “lưỡng dụng quy hoạch”.

Trường hợp vượt thẩm quyền, UBND cấp tỉnh, bộ liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia (ảnh: Hoàng Anh)

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia (ảnh: Hoàng Anh)

Một nội dung “nóng” khác, là các dự án gặp vấn đề trong hưởng giá FIT cũng được Bộ trưởng Công thương kiến giải phương án tháo gỡ.

Cụ thể, với những dự án chưa được cho thuê đất, không đủ điều kiện hưởng giá FIT, đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được kiểm tra nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, giải pháp tháo gỡ là: EVN phối hợp chủ đầu tư xác định điều kiện hưởng giá khuyến khích.

Với dự án không được hưởng giá FIT, EVN báo cáo cơ quan thẩm quyền ban hành quy định về giá mua bán điện để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Những trường hợp đang hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan thẩm quyền, Bộ Công thương kiến nghị xác minh lại giá mua bán điện theo quy định, thu hồi các khoản giá FIT đã được hưởng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

“Lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Tương tự, phương án trao quyền cho EVN phối hợp UBND cấp tỉnh rà soát lại các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp công suất lớn dưới mô hình trang trại, xác định lại giá mua bán điện cũng được đưa ra.

Theo đó, trong trường hợp bị xác định có vi phạm về đất để làm trang trại, dự án điện mặt trời đó sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi, sau đó xác định, thống nhất lại giá mua điện theo quy định.

Kết luận 1027 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đầu tư, thực hiện các công trình nguồn, lưới điện trong Quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh như sau.

14 dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận hưởng cơ chế giá FIT không đúng đối tượng tại Nghị quyết 115 của Chính phủ và Thông báo 402 của Văn phòng Chính phủ ngày 22/11/2019.

173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng.

20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản. Trong đó, 6 dự án điện gió tại Đắk Nông chồng lấn Quy hoạch bauxite, 14 dự án điện gió, điện mặt trời tại Bình Thuận nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan/quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan.

5 dự án chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới, gồm: CMX Ninh Thuận, Trung Nam, Xuân Thiện – Thuận Bắc, Thiên Tân Solar Ninh Thuận “đè” một phần dự án thủy lợi Tân Mỹ; điện mặt trời Long Thành 1 tại Đắk Lắk chồng vùng tưới thuộc Quy hoạch Hồ chứa nước Ia Mơr.

1 dự án chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng.

413 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn đầu tư trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại nuôi trồng.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/loat-du-an-dien-tai-tao-sai-pham-thao-go-truoc-20-1-d38723.html