Loạt dữ liệu mới hé lộ gì về thiệt hại ban đầu sau thuế quan của Trump?
Ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như 'tuyên chiến thương mại' với cả thế giới, các dự báo kinh tế mới và khảo sát thị trường sắp được công bố sẽ phản ánh những tác động ban đầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chuẩn bị hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong bản dự báo mới công bố vào thứ Ba tới.

Ngay sau đó, vào thứ Tư, các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) từ Nhật Bản, châu Âu đến Mỹ sẽ cung cấp cái nhìn tổng thể đầu tiên về hoạt động sản xuất và dịch vụ kể từ khi loạt thuế quan toàn cầu của ông Trump được áp đặt từ ngày 2/4, mặc dù hiện một phần đã tạm hoãn. Các cuộc khảo sát doanh nghiệp từ các nền kinh tế lớn cũng sẽ được công bố trong tuần.
Bức tranh dữ liệu tổng thể sẽ cung cấp cơ sở để các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm họp tại Washington tiến hành đánh giá sơ bộ về những thiệt hại do nỗ lực tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu của ông Trump gây ra.
“Các dự báo tăng trưởng mới của chúng tôi sẽ ghi nhận mức điều chỉnh giảm đáng kể, nhưng chưa chạm ngưỡng suy thoái”, Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Năm và thêm rằng: “Chúng tôi cũng sẽ nâng dự báo lạm phát tại một số quốc gia và cảnh báo rằng mức độ bất định kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ căng thẳng trên thị trường tài chính”.
“Các dự báo của IMF có xu hướng thiên về lạc quan trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn rủi ro gián đoạn. Trong bốn cuộc khủng hoảng lớn mà chúng tôi nghiên cứu, ước tính ban đầu của Quỹ về tác động tức thời đến tăng trưởng toàn cầu thường thấp hơn thực tế 0,5 điểm phần trăm. Dù IMF có thể điều chỉnh giảm các dự báo tăng trưởng, lịch sử cho thấy tác động cuối cùng sẽ nghiêm trọng hơn”, chuyên gia Alex Isakov và Adriana Dupita của Bloomberg Economics nhận định.
Bầu không khí bất định bao trùm nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ chưa sớm tan biến. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm thứ Tư cho biết, Fed đang “ở vị thế tốt để chờ đợi sự rõ ràng hơn” trước khi cân nhắc thay đổi chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde vẫn chưa thể xác định liệu mức độ bất định đã đạt đỉnh hay chưa.
Trong bối cảnh đó, bà Georgieva kỳ vọng các cuộc họp sắp tới, bao gồm cả cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ thương mại toàn cầu.
“Chúng ta cần một nền kinh tế toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn, chứ không phải để mặc cho sự chia rẽ ngày càng gia tăng. Các cuộc gặp tại Washington lần này là diễn đàn đối thoại quan trọng vào thời điểm then chốt”, bà nhấn mạnh.
Mỹ và Canada
Tại Mỹ, các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao liệu tâm lý người tiêu dùng và kỳ vọng lạm phát có tiếp tục xấu đi hay không khi Đại học Michigan công bố dữ liệu điều chỉnh tháng 4 vào thứ 6. Trong những tháng gần đây, người được khảo sát liên tục bày tỏ lo ngại về thuế quan và tác động của chúng đối với kinh tế lẫn lạm phát.

Vào thứ Tư, Sách Beige của Fed sẽ cung cấp các ghi nhận thực tế về tình hình kinh tế vùng, đồng thời phản ánh mức độ ảnh hưởng của chính sách chính phủ và sự bất định đối với các quyết định kinh doanh.
Cùng ngày, chính phủ được dự báo sẽ công bố mức tăng nhẹ trong doanh số bán nhà mới tháng 3. Khi lãi suất thế chấp phần lớn neo trên 6,5% kể từ tháng 10/2024, các nhà xây dựng đã liên tục đưa ra ưu đãi để thu hút người mua. Dữ liệu nhà bán lại sẽ được công bố vào thứ Năm.
Báo cáo đơn hàng hàng hóa lâu bền trong tháng 3 cũng ra mắt cùng ngày sẽ cung cấp manh mối về nhu cầu thiết bị từ doanh nghiệp.
Các quan chức Fed bao gồm Neel Kashkari, Alberto Musalem, Christopher Waller và Beth Hammack dự kiến sẽ phát biểu trong tuần.
Trong khi đó, ông Trump một lần nữa đặt ra nghi vấn liệu ông có can thiệp vào tính độc lập của Fed, trong bối cảnh căng thẳng giữa ông và ngân hàng trung ương tiếp tục leo thang. Chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee cảnh báo không nên có động thái như vậy khi xuất hiện trên truyền hình hôm Chủ nhật.
Tại Canada, chiến dịch tranh cử bước vào tuần cuối cùng, với các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Tự do của Thủ tướng Mark Carney đang dẫn trước khoảng 5 điểm, đủ để kỳ vọng giành được đa số ghế giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.
Ông Steve Verheul, kiến trúc sư chính trong phản ứng của Canada trước thuế quan Mỹ sẽ phát biểu tại một hội nghị ở Toronto. Dữ liệu bán lẻ tháng 2 và ước tính nhanh cho tháng 3 sẽ cho thấy người tiêu dùng Canada có tiếp tục cắt giảm chi tiêu tháng thứ ba liên tiếp do ảnh hưởng từ bất định thương mại hay không.
Châu Á
Tại châu Á, tuần mới mở đầu với việc Trung Quốc công bố lãi suất cho vay cơ bản vào thứ Hai, dự kiến sẽ giữ nguyên. Trong khi dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng vượt dự báo.

Cũng trong ngày thứ Hai, Indonesia sẽ công bố số liệu thương mại tháng 3, chỉ báo cho thấy tình hình khu vực ngoại thương trước khi thuế quan của ông Trump bắt đầu có hiệu lực. Philippines được kỳ vọng tiếp tục ghi nhận thặng dư cán cân thanh toán trong tháng 3.
Thứ Ba, New Zealand sẽ công bố số liệu thương mại tháng 3; trong khi Đài Loan và Hồng Kông sẽ ra mắt dữ liệu việc làm.
Ngày kế tiếp, Ngân hàng Trung ương Indonesia có khả năng giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp nhằm hỗ trợ đồng rupiah, hiện là một trong những đồng tiền kém hiệu quả nhất châu Á trong năm nay.
Cùng ngày, chỉ số PMI sơ bộ tháng 4 của Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ cung cấp cái nhìn sớm về tác động của cuộc chiến thương mại do Mỹ dẫn dắt đối với lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Malaysia và Singapore công bố chỉ số giá tiêu dùng vào thứ Tư, trong khi Hàn Quốc công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng trước khi công bố ước tính sơ bộ GDP quý I vào ngày hôm sau.
Cũng trong tuần, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun sẽ rời Seoul sang Washington - chuyến công tác thứ ba kể từ khi ông Trump nhậm chức, nhằm khởi động đàm phán trong nỗ lực đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nước đầu tiên được Mỹ miễn hoặc giảm thuế quan.
Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc đàm phán tương tự và hiện đang xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn ô tô để đạt được thỏa thuận, theo báo Nikkei đưa tin hôm Chủ nhật.
Thứ Sáu, Nhật Bản công bố CPI tại Tokyo và doanh số tại các cửa hàng bách hóa. Singapore công bố giá nhà riêng quý I và sản lượng công nghiệp tháng 3.
Trong tuần, Ấn Độ và Thái Lan cũng sẽ cập nhật dự trữ ngoại hối.
Châu Âu, Trung Đông, châu Phi
Do nghỉ lễ vào thứ Hai tại hầu hết các nước châu Âu và các lãnh đạo tài chính đang họp tại Washington, tâm điểm tuần này sẽ dồn về Mỹ. Nhiều quan chức chính sách sẽ xuất hiện trên lịch phát biểu, bao gồm cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey vào thứ Tư.
Tại khu vực đồng euro, trọng tâm là các báo cáo khảo sát. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng khu vực sẽ được công bố vào thứ Ba. ECB cũng công bố khảo sát chuyên gia dự báo cùng ngày. Báo cáo theo dõi tiền lương công bố vào thứ Tư được bà Lagarde nhận định sẽ cho thấy tốc độ tăng lương chậm lại sau đợt cắt giảm lãi suất gần đây.
Các nhà đầu tư có thể tập trung nhiều nhất vào loạt chỉ số PMI công bố tuần này – là cái nhìn đầu tiên về hoạt động sản xuất và dịch vụ kể từ khi căng thẳng thương mại leo thang đầu tháng 4.
Chỉ số niềm tin kinh doanh Ifo của Đức - vốn được theo dõi sát sao sẽ được công bố vào thứ Năm, cho thấy phản ứng của doanh nghiệp trước căng thẳng thương mại và thông tin tích cực từ việc đạt được thỏa thuận liên minh chính phủ liên bang. Các chỉ số tương tự của Pháp công bố vào thứ Sáu.
Anh công bố chỉ số PMI và số liệu tài chính công vào thứ Tư; dữ liệu bán lẻ tháng 3 được công bố vào thứ Sáu.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ công bố lợi nhuận quý I vào thứ Năm, và Chủ tịch Martin Schlegel sẽ phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên ngày hôm sau.
Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến công bố quyết định chính sách tiền tệ vào thứ Sáu. Mặc dù áp lực giá tiêu dùng gần đây đã hạ nhiệt, điều này có thể vẫn chưa đủ để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách hạ lãi suất từ mức kỷ lục 21%. Tuy nhiên, nhiều khả năng họ sẽ phát đi tín hiệu mềm mỏng hơn về khả năng nới lỏng trong các tháng tới.
Khu vực Mỹ Latinh
Ngay sau khi đạt thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với IMF, bao gồm khoản giải ngân trước 12 tỷ USD, Argentina sẽ công bố dữ liệu ước tính GDP tháng 2 vào thứ Ba.

Sau hai năm suy thoái liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ đang ghi nhận đà phục hồi hình chữ V, và được dự báo dẫn đầu tăng trưởng trong nhóm các nền kinh tế lớn khu vực năm nay và năm sau.
Colombia sẽ công bố số liệu hoạt động kinh tế tháng 2 sau khi dữ liệu GDP sơ bộ tháng 1 vượt xa kỳ vọng, khiến một số chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng năm 2025.
Ngân hàng Trung ương Paraguay có thể cân nhắc thắt chặt chính sách khi lạm phát đã tăng 100 điểm cơ bản trong bốn tháng, lên mức 4,4%.
Brazil sẽ công bố dữ liệu lạm phát giữa tháng 4 vào thứ Sáu. Nếu xu hướng tháng 3 tiếp diễn, con số lần này có thể tiếp tục vượt mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương.
Mexico sẽ công bố dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 2 và chỉ số giá tiêu dùng giữa tháng. Với GDP sơ bộ tháng 1 giảm, kinh tế nước này có nguy cơ bước vào quý suy giảm thứ hai liên tiếp – định nghĩa của một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Lạm phát nhiều khả năng duy trì gần mức 3,93% – ngay dưới trần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico). Cuộc họp tiếp theo về chính sách tiền tệ sẽ diễn ra vào giữa tháng 5 để xem xét điều chỉnh lãi suất chuẩn hiện ở mức 9%.