Loạt giải pháp giảm 'gánh nặng' chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong dịch Covid-19

Bốn ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã cam kết chi khoảng 4.000 tỉ đồng để giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân ở TPHCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn do dịch Covid-19.

 Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: baochinhphu.vn

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: baochinhphu.vn

Chia sẻ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – cho biết việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất với doanh nghiệp lúc này.

“Từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả các khoản đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới theo thống kê sơ bộ, tổng số khoản lãi đã được giảm bớt cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỉ đồng”, ông Tú nói tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Cũng theo ông Tú, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hơn nữa trong việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp bằng cách tiết giảm tối đa chi phí hoạt động hiện nay và chia sẻ nguồn lợi nhuận của chính ngân hàng.

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng và 16 tổ chức tín dụng (TCTD) đã họp và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, gồm cắt giảm lãi vay với giá trị khoảng 20.300 tỉ đồng trong thời từ nay đến cuối năm 2021, tùy quy mô ngân hàng. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã cam kết bỏ thêm khoảng 4000 tỉ đồng để giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân ở TPHCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19, hiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ngoài ra, 4 ngân hàng này cũng triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

“NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết”, ông Tú nói.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí được các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỉ đồng.

Về vấn đề thuế và phí, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính – cho biết cơ quan này sẽ xây dựng một gói hỗ trợ về thuế với giá trị 20.000 tỉ đồng để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã rà soát và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế trong trong quí 3 và 4-2021. Với tiền thuê đất, cơ quan này đề xuất giảm 30%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất xem xét giảm thuế giá trị gia tăng với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của Covid-19 như giao thông, lưu trú. Đồng thời, miễn tiền chậm nộp thuế cho đối tượng gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Đề xuất phương án phù hợp cho "3 tại chỗ"

Về bất cập khi thực hiện phương án "3 tại chỗ", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Y tế để đề xuất phương án phù hợp hơn, sửa đổi quy định liên quan đến sản xuất ở các trung tâm công nghiệp.

“Việc tổ chức mô hình hoạt động này ra sao, trường hợp có F0 thì xử lý thế nào, hoặc có thể không yêu cầu người lao động ở suốt trong nhà máy… chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế để có phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả sản xuất và chống dịch cao nhất", ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, phương án "3 tại chỗ" chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi áp dụng trong thời gian ngắn. Với các khu công nghiệp phía Nam – nơi có từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn lao động, thành phần dân cư phức tạp, xuất thân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau – thì việc áp dụng ‘3 tại chỗ’ đã phát sinh nhiều bất cập do công nhân không thể ở một chỗ trong thời gian dài. Ngoài ra, chuỗi vận tải, cung ứng tại nhiều khu vực bị đứt gãy do các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền địa phương.

Thậm chí, nhiều địa phương quyết định đóng cửa cả khu công nghiệp khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, trong khi doanh nghiệp phải mất nhiều công sức chuẩn bị phương án “3 tại chỗ”. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã xin không thực hiện phương án này do tốn quá nhiều chi phí, theo ông Hải.

Về khó khăn khi lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương về việc phối hợp thực hiện một số giải pháp để đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa.

Thứ nhất, không tiến hành kiểm tra y tế tại các chốt kiểm soát và trên tất cả các tuyến đường với phương tiện đã có mã QR do ngành giao thông vận tải cấp.

Thứ hai, các phương tiện chưa được cấp mã QR code thì lái xe cần có giấy xét nghiệm với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 để được tạo điều kiện lưu thông.

Thứ ba, tổ chức hậu kiểm tại các điểm hậu cần, kho bãi bốc xếp hàng hóa. Bộ GTVT đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch tại các địa điểm này.

Thứ tư, kiến nghị Chính phủ, UBND các tỉnh, thành ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ lái xe, phụ xe thực hiện hoạt động vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành hậu cần, kho bãi phục vụ lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Hoàng Thắng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/319380/loat-giai-phap-giam-ganh-nang-chi-phi-cho-doanh-nghiep-nguoi-dan-trong-dich-covid-19.html