Hệ lụy từ việc giảm mức sinh

Theo thống kê, năm 2023, mỗi phụ nữ Việt Nam có tỉ lệ mức sinh là 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định khi mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì nòi giống. Khi tổng tỉ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. Việt Nam luôn duy trì mức sinh thay thế trong gần 20 năm liên tục từ năm 2002 đến 2020.

Hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung. Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có tỉ lệ giảm sâu: năm 1999 vùng này vẫn còn tỉ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 1,56 con. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.

Mức sinh đang chênh lệch giữa các vùng miền.

Mức sinh đang chênh lệch giữa các vùng miền.

Mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, tác động mạnh vào quá trình di cư, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng… Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần làm chậm quá trình phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỉ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay.

Nhiều nguyên nhân

Chia sẻ về nguyên nhân, ông Lê Thanh Dũng cho biết, trong nhiều lí do dẫn đến việc giảm sinh có những lí do rất tự nhiên của xã hội như quá trình đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cuốn theo vòng xoáy phát triển, khiến giới trẻ mải mê công việc, ngại sinh con. Ngoài ra việc tìm kiếm nhà ở, chi phí sinh hoạt gia đình, chi phí nuôi dạy con cũng là áp lực không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và sinh con. Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục còn thiếu và bất cập, tỉ lệ số dân tại các khu này tính bằng cả phường, nhưng những dịch vụ để phục vụ cho người dân còn thấp và thiếu…

Cùng với đó tồn tại vấn nạn vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ là tình trạng nạo phá thai diễn ra tràn lan, có thể dẫn đến vô sinh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Theo GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, một trong những vấn đề quan trọng là tỉ lệ vô sinh của Việt Nam ở mức cao nên cần thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tìm giải pháp

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác dân số trong thời gian tới.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, Th.s Mai Trung Sơn (Cục Dân số) cho biết dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng có đề xuất 4 biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Cụ thể: đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/he-luy-tu-viec-giam-muc-sinh-post1651529.tpo