Loạt lãnh đạo và người liên quan giao dịch mua/bán cổ phiếu trong tuần

Trong tuần qua, thị trường ghi nhận nhiều giao dịch mua – bán cổ phiếu đến từ lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan tại các công ty niêm yết. Những động thái này cho thấy hoạt động tái cơ cấu, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu và sắp xếp danh mục đầu tư diễn ra sôi động trên thị trường chứng khoán.

Tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (mã: TCD), bà Nguyễn Xuân Lan, vợ ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT đã bán ra hơn 1,78 triệu cổ phiếu TCD từ ngày 18/4 đến 17/5 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, bà Lan chỉ còn nắm giữ 100.000 cổ phiếu TCD, tỷ lệ 0,03%.

Động thái bán ra của bà Lan trong bối cảnh TCD đang “nằm sàn”. Trước đó, do lỗi chậm nộp BCTC kiểm toán 2024 quá 30 ngày,cổ phiếu TCD đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/4, sau đó chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 13/5.

Ngày 14/5 mới đây, TCD tiếp tục bị nhắc nhở lần 2 do chậm nộp BCTC riêng và hợp nhất quý I/2025.

Ngày 8/5, Công ty cũng đưa ra giải trình chậm nộp báo cáo, với lý do chịu áp lực lớn trong bối cảnh kinh tế và tình hình hoạt động Công ty có nhiều biến động, bên cạnh việc đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện nhằm ổn định tình hình kinh doanh trong bối cảnh mới.

TCD cũng cho biết nhân sự mới đang tiếp cận làm việc với đơn vị kiểm toán, do đó cần thêm thời gian làm việc và thống nhất số liệu với đơn vị kiểm toán.

Kết phiên sáng 21/5, TCD "nằm sàn" với lượng dư bán gần 735.000 cp.

Tại CTCP Đông Hải Bến Tre (mã: DHC), ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Thành viên HĐQT đăng ký bán 107.800 cổ phiếu DHC từ ngày 23/5 đến 20/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Nghĩa sẽ giảm sở hữu tại DHC xuống còn hơn 1,65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,06%.

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã: OCB), bà Nguyễn Việt Triều, vợ ông Ngô Hà Bắc, Thành viên HĐQT đã đăng ký bán 350.000 cổ phiếu OCB từ ngày 26/5 đến 24/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, bà Triều sẽ giảm sở hữu tại OCB xuống còn hơn 4,64 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,188%.

Trước đó, từ ngày 10/4 đến 9/5, bà Triều đã đăng ký bán 200.000 cổ phiếu OCB bằng hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn. Tuy nhiên giao dịch không thành công do “giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng”.

Bà Trần Thị Thắm, vợ ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (mã: PVR), cũng đã đăng ký bán toàn bộ gần 12,5 triệu cp PVR nắm giữ, tương đương 24,05% vốn điều lệ Công ty. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 15/5-13/6, nhằm mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Nếu thương vụ thành công, bà Thắm sẽ không còn là cổ đông lớn tại PVR. Trong khi đó, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch HĐQT vẫn đang sở hữu hơn 2,7 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 5,23%.

Cổ phiếu PVR hiện đang trong diện bị hạn chế giao dịch do tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Tại thời điểm chốt phiên 21/5, thị giá cổ phiếu ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản thấp. Ước tính với mức giá này, bà Thắm có thể thu về 12,5 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8/2024, bà Thắm cũng đã đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu này nhưng không thực hiện được do không có giao dịch.

Theo thông tin công bố, PVR Hà Nội đã thông báo quyết định dừng hoạt động kinh doanh và đăng ký ngừng hoạt động từ ngày 1/1/2025 đến hết năm. Theo tờ trình gửi ĐHĐCĐ tháng 12/2024, công ty cho biết không còn kinh phí duy trì hoạt động và chi trả lương cho cán bộ nhân viên, dẫn đến việc nhân viên đã nghỉ việc. Hoạt động hiện tại chỉ còn HĐQT, tổng giám đốc và kế toán trưởng làm việc 2 ngày/tuần để thực hiện các công việc hành chính và tìm kiếm phương án kinh doanh mới.

Quỹ đầu tư PANDO 1 INVESTMENT PTE.LTD vừa thông báo đăng ký mua 40 triệu cp CTCP Chứng khoán APG (mã: APG) trong thời gian từ 20/5-18/6, nhằm nâng sở hữu từ 5,25% lên 23,14%, tương ứng 51,74 triệu cp. Mục đích giao dịch là cơ cấu danh mục đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APG hiện giao dịch sát ngưỡng 12.000 đồng/cp, tăng 39% trong 1 quý và hơn gấp đôi so với đầu năm. Với mức giá này, quỹ PANDO 1 cần chi khoảng 480 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT APG vừa đăng ký bán ra 6 triệu cp APG, tương ứng gần 90% lượng cổ phần ông đang nắm giữ, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,03% xuống còn 0,35% (tương đương 783.803 cp). Giao dịch dự kiến diễn ra từ 20/5-18/6, trùng thời gian với quỹ PANDO 1 đăng ký mua vào. Nếu bán thành công, ông Hưng có thể thu về khoảng 72 tỷ đồng.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loat-lanh-dao-va-nguoi-lien-quan-giao-dich-muaban-co-phieu-trong-tuan.html