Thứ trưởng Bộ NN&MT: Thông tin sai lệch đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người chăn nuôi
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết đã làm việc với Cục C05 và gửi văn bản đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng tới giá trứng và tâm lý tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang trên hành trình chuyển mình theo hướng hiện đại và công nghiệp hóa. Thế nhưng, đằng sau sự chuyển dịch ấy là những thách thức ngày càng rõ nét như giá trị sản xuất giảm sút, thị trường tiêu thụ bấp bênh,...
Trong bối cảnh đó, những thông tin thất thiệt về "trứng gà giả", "trứng hai lòng đỏ" lan truyền trên mạng xã hội càng khiến thị trường thêm hỗn loạn, người tiêu dùng hoang mang, còn người chăn nuôi gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng của ngành, đồng thời đề xuất loạt giải pháp nhằm lấy lại niềm tin thị trường, bảo vệ sinh kế người nông dân và đưa ngành gia cầm phát triển.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến (Ảnh: Vân Anh).
Chưa có bằng chứng khoa học về sản xuất trứng giả
PV: Thưa Thứ trưởng, thông tin thất thiệt về "trứng gà giả" lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Bộ NN&MT đã có giải pháp ra sao để xử lý vấn đề trên, bảo vệ uy tín ngành hàng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thông tin về "trứng giả" thực tế đã xuất hiện lần thứ hai trên thị trường. Trước những tin đồn như vậy, chúng ta cần khẳng định rõ ràng rằng chưa có cơ sở khoa học hay thực tiễn nào cho thấy có thể làm ra một quả trứng nhân tạo.
Một quả trứng được hình thành trong khoảng 24 giờ thông qua một quá trình sinh lý - sinh sản phức tạp của con gia cầm, chịu tác động của nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, mật độ chăn nuôi, yếu tố di truyền… Trứng là một tế bào với cấu trúc sinh học phức tạp như lớp vỏ ngoài gồm canxi và photpho, bên trong có lòng trắng, lòng đỏ và dây chằng giữ lòng đỏ – một tổ hợp rất khó mô phỏng bằng công nghệ hiện nay. Chưa kể, sau khi trứng được đẻ ra, các cơ sở sản xuất còn tiến hành đo chiều dài, chiều rộng và quan trọng nhất là kiểm tra chất lượng – như hàm lượng protein, vi lượng…

Trứng là một tế bào với cấu trúc sinh học phức tạp rất khó mô phỏng bằng công nghệ hiện nay.
Ngay khi tin đồn xuất hiện, chúng tôi đã chỉ đạo phản ánh và bác bỏ thông tin sai lệch. Tuy nhiên, tin đồn đã phần nào ảnh hưởng tới giá trứng và tâm lý tiêu dùng. Vì vậy, những thông tin sai lệch không chỉ gây hoang mang mà còn đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sinh kế của người chăn nuôi.
Chúng tôi đã làm việc với Cục C05 và gửi văn bản đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ các thông tin sai lệch. Trước pháp luật, những cá nhân, tổ chức tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho ngành sản xuất và đời sống nông dân sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.
PV: Trong bối cảnh đó, thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ định hướng ra sao để cân đối cung – cầu và nâng cao giá trị sản phẩm trong thời gian tới?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất bán sản phẩm gia cầm ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển hàng trăm dòng sản phẩm gia cầm chế biến sâu. Vì vậy, thúc đẩy khâu chế biến – đặc biệt là chế biến sâu là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, hiện kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế, khiến việc tổ chức các diễn đàn, hội chợ chuyên ngành, đặc biệt là quảng bá sản phẩm gia cầm chế biến ra thị trường quốc tế, chưa được triển khai nhiều. Đây là điểm ngành cần cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để mở rộng thị trường và giải bài toán đầu ra.
Vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu đàn
PV: Thưa Thứ trưởng, giá gia cầm và trứng đang xuống thấp, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, đâu là những giải pháp cấp thiết trước mắt cũng như chiến lược lâu dài để ổn định và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện tổng đàn gia cầm của Việt Nam đạt khoảng 584 triệu con. Mỗi năm, chúng ta giết mổ hơn 2 tỷ con, sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 3,2% tổng sản lượng toàn ngành. Có thể thấy, gia cầm đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu ngành chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, giống là yếu tố then chốt quyết định năng suất và chất lượng.
Đối với gia cầm, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến yếu tố giống. Trong chăn nuôi, giống là yếu tố then chốt quyết định năng suất và chất lượng. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, lai tạo ra các tổ hợp giống mới có năng suất, chất lượng cao.
Về thức ăn và dinh dưỡng, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Mỗi năm, dù xuất khẩu thức ăn hỗn hợp đạt khoảng 1,4-1,6 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên liệu vẫn ở mức lớn. Do đó, ngành cần chủ động hơn về vùng nguyên liệu. Bộ đã chỉ đạo một số doanh nghiệp lớn tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đặc biệt trồng các giống ngô có năng suất cao phục vụ chăn nuôi gia cầm.
Về giết mổ và chế biến, cả nước hiện có hơn 24.800 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đây là thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm. Chúng ta cần chuyển hướng sang mô hình giết mổ tập trung, quy mô lớn, hoạt động liên tục để đảm bảo vệ sinh, kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy chế biến sâu.

Nhân lực cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm, hiện còn thiếu, cần đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một thách thức khác là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm, hiện còn thiếu, cần đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển bền vững.
Để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển như các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, và nông dân. Cần có doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt chuỗi giá trị - từ giống, thức ăn, thú y, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến sâu, logistic và phân phối. Đây là nền tảng của kinh tế chuỗi và kinh tế ngành hàng và là hướng phát triển tất yếu cho gia cầm Việt Nam.
Cuối cùng, không thể thiếu xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường. Nếu xây dựng được chuỗi khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc bằng các công nghệ như AI, blockchain, internet vạn vật…, sản phẩm gia cầm Việt Nam hoàn toàn có thể hướng ra thị trường quốc tế chứ không chỉ phục vụ nhu cầu 100 triệu dân trong nước.
Song song đó, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp chính là "sức khỏe" của nền kinh tế. Nếu không tháo gỡ rào cản, không tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp thì ngành chăn nuôi khó có thể bứt phá.