Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero: Kỳ 1: Nhận diện biến đổi khí hậu của vùng
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thêm vào đó, xung đột địa chính trị, thương mại, dịch bệnh đang là thách thức lớn với kinh tế. Trong bối cảnh này, Đông Nam Bộ đầu tàu kinh tế của Việt Nam đã chọn con đường phát triển kinh tế xanh, bền vững. Mục đích để tiến đến Net Zero và làm chậm lại diễn biến tiêu cực của BĐKH.
Trong 5 năm trở lại đây, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) chưa có báo cáo đánh giá chi tiết về thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH). Thế nhưng, người dân đều nhận thấy, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Vào mùa khô nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn nhiều hơn. Mùa mưa xuất hiện nhiều cơn mưa lớn gây ngập úng cục bộ. Các vấn đề thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của vùng.
Để thích ứng với BĐKH các địa phương vùng ĐNB đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tiêu dùng xanh, giảm phát thải. ĐNB đặt ra lộ trình cho từng giai đoạn để đạt Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ với thế giới.
BĐKH đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội, môi trường và là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, BĐKH đã gây ra tình trạng ngập lụt, triều cường, xâm nhập mặn ở ĐNB nhiều hơn. Các cơn bão thường có xu hướng mạnh hơn và khó dự báo.
Đơn cử, mùa khô năm 2023, hồ thủy điện Trị An (hồ lớn nhất miền Nam) ở Đồng Nai về gần mực nước chết, tạm ngừng cung cấp điện. Đồng thời, nước trên sông Đồng Nai, La Ngà, Sài Gòn đều xuống thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước đó. Nguyên nhân do ảnh hưởng của BĐKH làm thời tiết mùa khô nắng nóng, khô hạn hơn. Nước trên các sông hồ xuống thấp dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn cao hơn, vì lượng nước các hồ không còn nhiều để xả đẩy mặn.
Nắng hạn dẫn đến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành ĐNB bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng do thiếu nước tưới. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2023 là năm ấm nhất trong vòng 174 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,45 0C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm. Khu vực ĐNB, nhiều tháng trong năm 2023, có nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 0C. Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp thì nhiều khu vực người dân sử dụng nguồn nước ngầm cho sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì mực nước ngầm sụt giảm sâu. Cụ thể, nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc của Đồng Nai phải khoan giếng sâu thêm 10-20 mét không đủ nước để sử dụng…
Tương tự, tại Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh cũng xảy ra tình trạng khô hạn trong mùa khô. Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam, năm 2023, 2024, những nơi ven biển, gần biển như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai lại ghi nhận triều cường ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Triều cường sẽ khiến cho xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền và nếu không có giải pháp ngăn mặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 10 đến tháng 12-2023, các đợt triều cường đã liên tục gây ngập úng vùng thấp của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh chia sẻ tại hội nghị Điều phối vùng ĐNB vào tháng 8-2023 như sau: vùng ĐNB đang đối mặt với các vấn đề môi trường, ngập úng và gia tăng BĐKH. Về môi trường, nguồn gây ô nhiễm ngày càng nhiều và gia tăng về số lượng, quy mô. Tác động của BĐKH làm ngập úng và triều cường gia tăng, cản trở nhiều lợi thế phát triển của vùng đồng thời ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Báo cáo quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra, những năm gần đây, khí hậu của vùng ĐNB có chiều hướng diễn biến khá phức tạp so với quy luật. Mùa khô mưa ít hơn gây thiếu nước, khô nóng, sương muối, tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn diễn ra tại nhiều khu vực. Mùa mưa thì có xuất hiện giông, mưa lớn kéo dài, gây ngập cục bộ ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, chất lượng các khu đô thị. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp, đô thị cho vùng.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, năm 2024, nền nhiệt độ trung bình ở Đồng Nai sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 0C và thời kỳ nắng nóng sẽ kéo dài hơn mọi năm. Thời tiết diễn biến khắc nghiệt hơn do ảnh hưởng từ BĐKH.
ĐNB trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics lớn nhất cả nước, và đây cũng là khu vực phát sinh nhiều chất thải nhất. Đồng thời, đây là khu vực có chăn nuôi, trồng trọt rất phát triển. Do đó, chuyển đổi xanh trên các lĩnh vực là yêu cầu cấp bách của vùng để ứng phó với BĐKH và hướng đến phát triển bền vững. Trong Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9- 2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “BĐKH đã gây ra thách thức lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng ĐNB như: ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập lụt, thiếu hụt nguồn nhân lực. Trước thực trạng trên, thành phố buộc phải tái cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng xanh, giảm phát thải để ứng phó với BĐKH. Thành phố xác định tăng trưởng xanh là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tới”.
Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất vùng ĐNB, chăn nuôi heo lớn nhất cả nước nên địa phương phát sinh thải khí, chất thải rắn, nước thải công nghiệp ở mức cao. Để chủ động ứng phó với BĐKH, hướng đến sản xuất xanh, tuần hoàn tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và mới đây nhất là đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công nghiệp là một trong 7 lĩnh vực tỉnh ưu tiên thực hiện trong đề án này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, công nghiệp ở Đồng Nai chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chậm đổi mới về công nghệ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Để công nghiệp không bị tụt hậu so địa phương khác thì phải nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp, nhanh chóng chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo mô hình tuần hoàn, chế biến sâu để xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, ĐNB phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH. Trong đó, cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng xanh, carbon thấp, thúc đẩy tiêu dùng bền vững; chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phân luồng dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Nền kinh tế phát thải thấp sẽ làm chậm lại diễn biến tiêu cực của BĐKH.