Loạt Megastory: 'Khát' lao động giữa thủ phủ công nghiệp Đồng Nai Bài 3: 'Sóng ngầm' việc làm và nỗi day dứt 'đi hay ở'


Đồng Nai và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN). Sự đa dạng của các ngành nghề tạo ra vô số cơ hội việc làm cho người dân, từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề cao.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên tục mở rộng hoạt động, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lớn. Điều này giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, đã tạo động lực lớn cho người lao động đến các đô thị công nghiệp để cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, hàng chục ngàn công nhân đã lặng lẽ rời nhà trọ trở về quê sinh sống.


Từ sau đại dịch Covid-19, tình trạng người lao động rời khỏi các khu công nghiệp lớn diễn ra trên diện rộng. Tại Đồng Nai, khoảng 2-3 năm gần đây, nhiều người bỏ về quê tìm công việc mới. Ảnh: Thanh Hải
Trong giai đoạn dịch Covid-19, lịch sử từng ghi nhận hình ảnh người lao động tại các đô thị, KCN ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ lũ lượt về quê do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chuyển sang chế độ giãn cách. Thế nhưng những năm sau dịch, lao động trở lại các đô thị không nhiều, trong đó số liệu thống kê năm 2023 cho thấy tỷ lệ người nhập cư Đồng Nai tăng chậm.
Lần đầu tiên Đồng Nai và một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ không còn được coi là “miền đất hứa” khi ngày càng có nhiều KCN ở nhiều địa phương mọc lên. Người lao động có xu hướng chọn làm việc gần quê nhà để giảm chi phí ăn uống, sinh hoạt, nhà trọ...
Theo bà Bùi Thị Bích Thủy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, sau đại dịch Covid-19, tình trạng người lao động rời khỏi các KCN lớn diễn ra trên diện rộng. Giai đoạn 2021-2022, ước tính có khoảng 60-70 ngàn lao động, chủ yếu từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc, làm việc trong ngành dệt may, da giày, cơ khí… rút khỏi thị trường lao động của tỉnh.

Nhiều dãy phòng trọ tại Đồng Nai vắng đìu hiu khi công nhân nghỉ việc về quê. Ảnh: Bích Nhàn
Đến giai đoạn 2023-2024, mặc dù kinh tế dần phục hồi, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tuyển dụng, người lao động tiếp tục đối mặt với bài toán “an cư” tại các KCN. Đây cũng là tình trạng không chỉ của Đồng Nai mà cả Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... những địa phương vốn có thế mạnh về phát triển công nghiệp, thu hút lao động.
Nhiều người lựa chọn trở về quê hoặc chuyển sang các công việc tự do, linh hoạt hơn. Không ít người rời quê hương đến Đồng Nai làm công nhân và ở trọ từ thời còn trẻ. Họ kết hôn rồi sinh con đẻ cái, giờ tuổi đã xế chiều vẫn phải sống cảnh ở thuê. Bà Lê Thị Thiếc (56 tuổi, quê tỉnh An Giang), ở trọ tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa là một trường hợp điển hình. Không trình độ, không phương tiện đi lại và sức khỏe yếu, nhiều năm liền, bà Thiếc làm công việc chà nhám ở một xưởng gỗ ngay gần nhà trọ. Thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, bà Thiếc “lựa cơm gắp mắm” cũng đủ lo cho phí sinh hoạt cũng như mua thuốc uống.
“Nhưng đó là trước đây, còn từ sau đại dịch Covid-19 và hiện tại là căng thẳng thương mại giữa các nước, nhà xưởng gặp khó khăn, gần như giải thể, tôi mất việc, mất thu nhập. Trong khi đó, tháng nào tôi cũng phải tái khám lấy thuốc uống chữa bệnh tim bẩm sinh, huyết áp cao… Do vậy, tôi chỉ còn biết trông chờ vào “trợ cấp’ của 2 con đang đi làm công nhân” - bà Thiếc giãi bày.
Điều đáng lo ngại hơn là ở những gia đình trẻ có con nhỏ. Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh vợ hoặc chồng thất nghiệp và gánh nặng kinh tế không hề nhỏ. Từ đó, tiền nhà trọ, các khoản phí sinh hoạt hay mua sữa cho con đều phải cắt giảm tối đa. Dù “thắt lưng buộc bụng”, gia đình anh Trương Minh Đạo, quê tỉnh Cà Mau, ở trọ tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa vẫn không tránh khỏi cảnh “mượn trước, trả sau”.
Anh Đạo thở dài: “Vợ làm công nhân, may mắn vẫn còn đi làm với thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Còn tôi làm phụ hồ, thất nghiệp nhiều tháng liền nên cả nhà 4 người đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ. Do căng thẳng thương mại thế giới vì chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ nên từ giữa tháng 4-2025, công ty may mặc của vợ với hơn 10 ngàn người đã ra thông báo giảm việc do ít đơn hàng. Cuộc sống gia đình vì thế mà khó khăn hơn, có lẽ, tôi phải tính đường trở về quê”.


Nhiều người lựa chọn trở về quê hoặc chuyển sang các công việc tự do, linh hoạt hơn. Ảnh: Thanh Hải
Thất nghiệp! Người thì chọn ở lại và chuyển nghề buôn bán hàng rong hay bán hàng online để kiếm kế sinh nhai. Còn những người được coi là “lao động già” không thể tìm con đường khác thì chọn về quê. Từ đó, các khu nhà trọ rơi vào cảnh vắng người thuê.
Công ty TNHH Changshin Việt Nam có 3 nhà máy ở KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), KCN Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) và KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) với tổng lao động khoảng 42 ngàn người. Trong đó, số người lao động ngoại tỉnh khá lớn nên nhu cầu về nơi ở rất cao.
Đó là lý do ông Lương Ngọc Nhẹ, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu mạnh tay đầu tư kinh doanh 150 phòng trọ cho công nhân thuê từ nhiều năm nay. Nhưng vài năm qua, ông Nhẹ khá sốc khi số phòng trống tăng dần.
“150 phòng trọ, có thời điểm, phòng trống 30-50%. Người trả phòng liên tục khiến tôi cũng choáng váng vì vẫn phải trả lãi ngân hàng khi đầu tư kinh doanh nhà trọ. Không chỉ riêng mình tôi, hầu hết những chủ trọ tại các KCN đều trong tình trạng tương tự” - ông Nhẹ buồn bã nói.

Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh vợ hoặc chồng thất nghiệp và gánh nặng kinh tế không hề nhỏ. Ảnh: Thanh Hải
Người thuê trọ trả phòng, đồng nghĩa với chủ trọ lại thêm phòng trống. Khu nhà trọ của bà Huỳnh Thị Kim Phụng, ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa chỉ có 16 phòng trọ thì trống đến 8-9 phòng. Để thu hút và giữ chân người ở trọ, bà Phụng quyết định không tăng giá và không lấy tiền cọc, nhưng khách trọ vẫn trả phòng.
Bà Phụng cho hay: “Có người thuê trọ “về quê” từ Tết Nguyên đán 2025 đến giờ vẫn chưa lên lại vì không có việc làm”.
Không tăng giá thuê, thậm chí còn giảm giá liên tục nhưng nhiều dãy nhà trọ vẫn vắng người thuê. 3 dãy trọ của ông Hoàng Văn Dũng, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa cũng trong tình cảnh tương tự. Từ tháng 4, ông Dũng đã giảm 200-300 ngàn đồng/phòng nhưng vẫn có đến 1/3 phòng không có ai ở.
“Có phòng “ế” cả gần nửa năm liền, không có người thuê. Đã vậy, gần đây nhiều người còn liên tục trả phòng do về quê hoặc thay đổi chỗ làm việc. Do đó, nguồn thu của tôi cũng giảm mạnh” - ông Dũng than vãn.


Cuộc sống công nhân khó khăn, nhiều người dù gắn bó với thủ phủ công nghiệp Đồng Nai hàng chục năm vẫn không thoát cảnh ở trọ. Cả gia đình họ phải tá túc trong những căn phòng trọ chật hẹp, cũ kỹ. Ảnh: Bích Nhàn
Theo quy luật của thị trường lao động, khi các tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển thì người lao động tìm tới. Nhưng khi quê hương của những người lao động xa quê phát triển KCN, cần lao động thì họ sẵn sàng rời “miền đất hứa” để tìm kiếm sự ổn định ở quê nhà, nơi chi phí sinh hoạt thấp hơn và mạng lưới hỗ trợ gia đình mạnh mẽ hơn.
Hơn 10 năm gắn bó, làm việc chăm chỉ tại tỉnh Bình Dương, 2 năm trước, chị Mai Thị Hòa, quê tỉnh Hà Nam đã quyết định khăn gói về quê. Theo phân tích của chị, thu nhập ở các thành phố lớn có thể cao một chút nhưng khó tiết kiệm vì tốn nhiều chi phí từ đi lại, ăn uống, thuê nhà...
“Cả năm tiết kiệm, cuối năm về quê dịp Tết sum họp gia đình là tiêu hết, trong khi chế độ đãi ngộ, lương thưởng của doanh nghiệp ở tỉnh khá hấp dẫn. Do đó, tôi quyết định “bỏ phố” về quê làm việc, vừa gần người thân, vừa không mất tiền thuê nhà” - chị Hòa chia sẻ.
Dù chị Hòa có mức thu nhập thấp hơn khi làm ở Bình Dương khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng đổi lại, chị được ở cùng gia đình. Chi phí sinh hoạt chỉ bằng 1/3 so với trước nên giảm bớt áp lực phần nào. Quan trọng nhất, chị Hòa không mất khoản tiền lớn dành cho mỗi lần về quê vào cuối năm.
Chị Thùy Dung làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định trả phòng trọ trở về quê ở tỉnh Bình Thuận để ổn định công việc và lập gia đình sau 5 lập nghiệp ở xứ người. Chị Dung thừa nhận, thu nhập tại thành phố cao hơn so với ở quê, cuộc sống sôi động, nhộn nhịp với nhiều hoạt động và dịch vụ vui chơi giải trí… nhưng về quê vẫn là phương án tốt nhất.

“Tôi xác định ngay từ đầu, đi làm xa chỉ để tích lũy tiền, kinh nghiệm và trải nghiệm, còn muốn cuộc sống ổn định thì về quê” - chị Dung nói.
Hơn cả câu chuyện “cơm áo gạo tiền”, một trong những nguyên nhân chính khiến người lao động quyết rời các thủ phủ KCN tại các thành phố lớn về quê là áp lực phải mua được nhà. Tuy nhiên, giá bất động sản tại Đồng Nai lại không hề rẻ. Theo phân tích từ trang dinhgiaav.com vào những tháng cuối năm 2024, giá nhà ở tại Đồng Nai thường dao động từ 1,5 - 5 tỷ đồng, tùy thuộc vào diện tích và vị trí.
Những căn nhà gần các KCN và có thiết kế hiện đại thường có giá cao hơn. Căn hộ tại các dự án mới ở Đồng Nai có giá từ 25-50 triệu đồng/m². Những dự án có vị trí thuận lợi và đầy đủ tiện ích thường thu hút nhiều khách hàng, tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có sự cạnh tranh gay gắt hơn. Với mức giá này, nhiều người lao động cho rằng, dù “thắt lưng buộc bụng” cũng không dám mơ đến mua nhà ở.

