Loạt Megastory - Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để Đồng Nai tăng tốc phát triển: Quốc hội giám sát để khơi thông các dự án Bài 4: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' về dòng vốn đầu tư các dự án

Đồng Nai đang triển khai hơn 1 ngàn dự án trên các lĩnh vực. Trong đó, các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách. Thời gian qua, do một số vướng mắc về chính sách nên dòng vốn đầu tư cho các dự án bị ảnh hưởng lớn.

Qua các đợt giám sát của Quốc hội, Đồng Nai đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định, thông tư, quyết định liên quan đến tín dụng. Tỉnh mong muốn “điểm nghẽn” về tín dụng được tháo gỡ để có thể hút các dòng vốn xanh đầu tư vào các lĩnh vực để “tăng tốc” phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần thúc đầy vùng Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu kinh tế mạnh của Việt Nam.

Những năm qua, Đồng Nai đã triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có các triển khai chính sách về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...

Vào tháng 3-2024, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát đối với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát đối với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội vào tháng 3-2024. Ảnh: Phạm Tùng

Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát đối với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội vào tháng 3-2024. Ảnh: Phạm Tùng

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ, trong thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều cố gắng nỗ lực để triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị để triển khai thực hiện; kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân ổn định, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt kết quả đáng ghi nhận.

Song song với đó, Đồng Nai cần làm rõ hiệu quả và đánh giá tác động của các chính sách an sinh, xã hội, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp.

Khu nhà ở xã hội tại phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh. Ảnh: Hoàng Lộc

Khu nhà ở xã hội tại phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh. Ảnh: Hoàng Lộc

Đồng Nai hiện có hơn 1 triệu lao động, trong đó phần lớn là người nhập cư đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhu cầu về nhà ở cao. Chính vì vậy, Đồng Nai có nhu cầu đặc biệt cao về nhà ở xã hội.

Do đó, việc triển khai các dự án về nhà ở xã hội, đảm bảo các mục tiêu về xây dựng, phát triển nhà ở xã hội; cũng như tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội trong tỉnh là vô cùng cấp thiết. Đồng Nai đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai gói tín dụng 140 ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân;

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 dự án nhà ở xã hội được công bố trên trang điện tử của UBND tỉnh, trong đó 1 dự án đang tạm dừng triển khai và 2 dự án chủ đầu tư đã phát sinh vay từ Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh.

Dù một số ngân hàng thương mại đã chủ động tìm kiếm và tiếp cận các chủ đầu tư, tuy nhiên do hiện tại số lượng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn không nhiều và phần lớn các chủ đầu tư cũng đã có kế hoạch, sắp xếp được nguồn vốn nên chưa có nhu cầu vay vốn.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tìm nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội, địa phương nói chung và ngành Ngân hàng ở Đồng Nai nói riêng đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch, đề nghị các chi nhánh ngân hàng liên quan theo dõi chủ động kết nối với chủ đầu tư, khách hàng để tiếp cận xem xét, thẩm định, quyết định cho vay theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 21 chi nhánh cấp I thuộc 8 ngân hàng thương mại đang đăng ký tham gia chương trình gói tín dụng này.

Mới đây, vào đầu tháng 10-2024, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đồng Nai và Công ty CP Chương Dương Homeland tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa). Tính đến nay, dự án nhà ở xã hội Long Bình Tân đang là dự án đầu tiên tại Đồng Nai tiếp cận gói tín dụng 140 ngàn tỷ đồng liên quan đến chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Chương Dương Homeland. Dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân có quy mô 1,4 hécta với tổng mức đầu tư khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng với 3 block nhà cao 20 tầng, 1 tầng hầm diện tích 10 ngàn m² với 1,1 ngàn căn hộ giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,9 ngàn người.

Đại diện BIDV chi nhánh Đồng Nai và Công ty CP Chương Dương Homeland ký kết hợp đồng tài trợ vốn Dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) vào tháng 10-2024. Ảnh: Hải Quân

Đại diện BIDV chi nhánh Đồng Nai và Công ty CP Chương Dương Homeland ký kết hợp đồng tài trợ vốn Dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) vào tháng 10-2024. Ảnh: Hải Quân

Giám đốc BIDV chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Đức Toàn cho biết, về phần mình, BIDV Đồng Nai sẽ đồng hành với chủ đầu tư dự án, ngoài thu xếp tài trợ vốn cho dự án, sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tốt nhất, tiện ích nhất hiện nay…

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chương Dương Homeland Văn Minh Hoàng chia sẻ, dự án nhà ở xã hội Long Bình Tân là một dự án mang ý nghĩa đặc biệt đối với công ty, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp tại khu vực phía Nam và đặc biệt là tỉnh Đồng Nai. Công ty cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm với các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, thực hiện nhanh chóng các thủ tục pháp lý của dự án, tổ chức thực hiện, quản lý dự án an toàn, hiệu quả cao nhất để đạt mục tiêu của dự án.

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong thời gian sắp tới, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thuộc hệ thống các ngân hàng cam kết tham gia chương trình và có trụ sở trên địa bàn tỉnh chủ động tích cực đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện giải ngân đối với gói tín dụng 140 ngàn tỷ về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đồng thời, sẽ tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với các đối tượng phù hợp, hợp pháp và có nhu cầu vay từ chương trình này; tiếp tục rà soát, báo cáo các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong triển khai cho vay để có chỉ đạo phù hợp với thẩm quyền của NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, NHNN Việt Nam kịp thời.

Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói 140 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Tại Đồng Nai, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các chương trình tín dụng liên quan đến tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, nhiều dịch vụ hỗ trợ...

Tuy nhiên, trên thực tế, dư nợ cho vay đối với hoạt động tín dụng xanh hiện vẫn chưa nhiều. Một số ngân hàng dù đẩy mạnh, khuyến khích cho vay tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi nhưng không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng mà phải trải qua quá trình thẩm định, chọn lọc khắt khe để đảm bảo các quy định, tiêu chí của ngân hàng...

Ngành Ngân hàng trong tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Hải Quân

Ngành Ngân hàng trong tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Hải Quân

Việc đầu tư vào các lĩnh vực xanh, sạch hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao... Trong khi, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.

Do đó, để nguồn vốn tín dụng xanh phát huy hiệu quả, cần có thêm tiếng nói chung giữa việc triển khai, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh của các ngân hàng với việc xây dựng phương án, chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực sản xuất xanh, sạch... Ngoài ra, hoạt động phát triển những ngành kinh tế xanh cần có sự đồng bộ trong chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến chiến lược phát triển, quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực...

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) nhận định, đối với Đồng Nai, với vị thế là một tỉnh công nghiệp lớn, việc tiếp cận và ứng dụng tài chính xanh có thể mang lại những thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, các khu công nghiệp tại Đồng Nai có thể trở thành những mô hình tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp tài chính xanh để xây dựng hệ thống sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo…

Trong những năm gần đây, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay các dự án xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã và đang tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, tín dụng xanh và tín dụng thông thường không có khác biệt trong quy chế cho vay, chỉ là phân biệt phân loại nợ theo mục đích của dự án, phương án xanh. NHNN chi nhánh Đồng Nai khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động nguồn vốn xanh và tích cực cho vay các dự án xanh…

Cơ hội đang mở ra, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, đầu tiên là chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng trong công tác thẩm định. Bên cạnh đó là quy trình nội bộ của ngân hàng khi phân loại và xây dựng khung về tín dụng xanh, tích hợp các vấn đề rủi ro của tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) vào khung rủi ro chung của ngân hàng. Ngoài ra, còn có một số thách thức như hệ thống dữ liệu về môi trường, xã hội chưa đồng nhất, nhiều dữ liệu nằm rải rác khắp nơi và không biết tập trung như nào để làm báo cáo phát triển bền vững.

Chính vì vậy, các ngân hàng cần có chính sách và chiến lược về tín dụng xanh riêng biệt; xây dựng đa dạng sản phẩm tín dụng xanh; tích hợp các rủi ro môi trường vào khung quản trị rủi ro.

Bên cạnh đó, qua các lần giám sát tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác về lĩnh vực tín dụng, Quốc hội đã yêu cầu, gấp rút hoàn thành sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017.

Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, sớm hơn dự kiến gần nửa năm. Trong đó, có nhiều điểm mới tích cực, góp phần đảm bảo các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, ổn định, giảm giới hạn cấp tín dụng, đơn giản các thủ tục hành chính…

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/media/megastory/202411/loat-megastory-thao-go-vuong-mac-ve-chinh-sach-de-dong-nai-tang-toc-phat-trien-quoc-hoi-giam-sat-de-khoi-thong-cac-du-an-bai-4-thao-go-diem-nghen-ve-dong-von-dau-tu-cac-du-an-773337f/