Loạt món ăn 'cực phẩm' khi TP.HCM vào mùa mưa

Trong ngày mưa lạnh, thực khách tại TP.HCM có thể thưởng thức lẩu bò, súp cua, phá lấu, cháo lòng vào buổi tối để làm ấm bụng.

 Các món ấm nóng được nhiều thực khách chọn ăn vào mùa mưa. Ảnh: Chen Ru Lu.

Các món ấm nóng được nhiều thực khách chọn ăn vào mùa mưa. Ảnh: Chen Ru Lu.

Từ tháng 6, TP.HCM chính thức bước vào mùa mưa, không khí se lạnh bắt đầu len lỏi khắp các con đường vào buổi tối. Trong những ngày mưa rả rích, không có gì thích thú bằng việc thưởng thức chén phá lấu nóng hổi, nồi lẩu nghi ngút khói hay phần cháo lòng thơm nồng mùi gừng.

Znews gợi ý những địa chỉ uy tín, có thâm niên nhiều năm và chất lượng nhận về nhiều đánh giá tích cực, thực khách có thể tham khảo để đưa ra lựa chọn.

Lẩu bò

▸ Lẩu bò nghĩa địa

Ảnh: Vũ Phạm, @ddau.

Ảnh: Vũ Phạm, @ddau.

Dù cái tên hơi đáng sợ, lẩu bò nghĩa địa vẫn đông nghẹt khách vào mỗi tối. Nước lẩu ở đây được hầm từ xương ống bò hơn 10 tiếng, sau đó cho thêm lòng bò vào nên có vị ngọt tự nhiên, không bị ngấy mỡ và thơm nhẹ mùi sả, riềng.

Nồi lẩu có đầy đủ gân, nạm, sụn, thịt, đậu hũ, tàu hũ ki và các loại rau. Gân và sụn hầm mềm, giữ được độ dai chứ không quá nhừ. Nước chấm đi kèm là chao pha theo công thức riêng của quán. Mỗi bàn được trang bị bếp than để đun sôi lẩu liên tục. Một nồi lẩu đủ cho 2-3 người ăn.

Quán có diện tích tương đối nhỏ, trần thấp nên ngồi lâu khá nóng. Thực khách cần chuẩn bị tiền mặt vì quán không nhận chuyển khoản.

▸ Lẩu bò Nhà Gỗ

Ảnh: Trần Minh Trường.

Ảnh: Trần Minh Trường.

Lẩu bò Nhà Gỗ giữ trọn vẹn hương vị từ chi nhánh gốc ở Đà Lạt. Nước dùng trong, có độ ngọt nhẹ, đi kèm với nhiều topping chất lượng như nạm ba chỉ, nạm nạc, gầu, thịt... Đặc biệt là phần gân hầm vừa chín tới, giòn sần sật và bò viên thơm, không bị cảm giác bột trong miệng.

Không giống với các quán lẩu bò khác, Nhà Gỗ sử dụng cải thảo và rau má để tạo hương vị lạ miệng. Ngoài ra, quán có bày sẵn sa tế rim trên bàn để chiều lòng thực khách thích ăn cay.

Điểm trừ là chao chấm hơi mặn, thực khách có thể cho nước dùng hoặc nêm thêm đường để cân bằng vị. Bù lại, không gian rộng rãi, nhân viên phục vụ nhiệt tình và món lên nhanh.

Súp cua

▸ Súp cua Hoa Cúc

Ảnh: Cao Ky Duyen.

Ảnh: Cao Ky Duyen.

Súp cua Hoa Cúc gây ấn tượng với hương vị ngọt nhẹ, hợp khẩu vị miền Nam. Súp nấu sánh đặc, hòa cùng trứng gà tươi nên phảng phất vị béo. Phần topping phong phú, gồm tôm, cua, óc heo, tủy heo, trứng bắc thảo, bắp hạt và vụn bánh mì chiên giòn. Bên trên rắc thêm hành phi và tiêu làm dậy mùi thơm. Nồi súp ở đây được đun xuyên suốt trên bếp để đảm bảo độ nóng, tránh bị vữa trong lúc ăn.

Tuy nhiên, mức giá súp khá cao so với khẩu phần và mặt bằng chung. Hương vị không đồng đều, đôi khi vị súp hơi nhạt.

▸ Súp cua Hằng

Ảnh: @tebefood, @trangnhimtron.

Ảnh: @tebefood, @trangnhimtron.

Súp cua Hằng có thâm niên hơn 10 năm, diện tích nhỏ, nhưng lại là địa chỉ nhiều thực khách lựa chọn khi muốn xua tan cơn đói vào cuối chiều. Súp ở đây có độ sệt vừa phải, nêm nếm vừa miệng. Một phần súp đầy đặn, gồm óc heo, trứng bắc thảo, trứng cút, tôm, thanh cua, nấm đông cô…

Điểm trừ là quán nằm trong hẻm nhỏ nên không có chỗ đỗ xe, đa số thực khách mua mang về vì ít bàn ghế ngồi lại.

Phá lấu

▸ Phá lấu dì Nũi

Ảnh: Trần Minh Trường.

Ảnh: Trần Minh Trường.

Nhiều thực khách không ngại đường xa tìm đến quán dì Nũi vì hương vị đậm đà, thơm ngon của phá lấu. Thực đơn ở đây đa dạng, gồm các món như phá lấu nước, phá lấu chiên, mì phá lấu... Mức giá hợp lý so với khẩu phần đầy đặn, đủ no cho 1-2 người.

Nước dùng nấu từ cốt dừa, thơm nhẹ mùi ngũ vị hương, vị mặn và ngọt chan hòa với vị béo nên ăn không bị ngấy. Điểm đặc biệt nằm ở nước chấm làm từ tắc tươi, tôn lên độ ngon cho món ăn. Khi ăn, thực khách có thể chấm bánh mì giòn vào nước dùng, kèm thêm miếng lòng bò dai dai và thêm độ chua bằng một ít nước chấm tắc.

Quán khá đông khách nên thường rơi vào tình trạng thiếu chỗ ngồi, thời gian chờ món lâu và nhân viên phục vụ còn chậm.

▸ Phá lấu Lì

Ảnh: Phá lấu Lì.

Ảnh: Phá lấu Lì.

Phá lấu Lì ghi điểm với không gian thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài phá lấu truyền thống, quán cũng biến tấu nhiều món ăn lạ miệng như chảo phá lấu bắp bơ sốt trứng muối, phá lấu xiên que, lẩu phá lấu, phá lấu nướng giấy bạc...

Nước dùng nấu từ cốt dừa nguyên chất, thơm nhẹ mùi bơ, vị thiên nhạt so với các quán khác. Phần lòng ăn kèm dai giòn và thấm vị. Nước chấm có vị chua nổi bật của tắc và vị cay của ớt, giúp chống ngấy cho món ăn.

Điểm cộng là nhân viên nhiệt tình, món lên nhanh. Tuy nhiên, khẩu phần ăn hơi ít so với mức giá.

Cháo lòng

▸ Cháo lòng bà Út

Ảnh: @lanwiththi.

Ảnh: @lanwiththi.

Sau khoảng 80 năm hoạt động và truyền nghề qua 3 thế hệ, cháo lòng bà Út vẫn giữ hương vị quen thuộc, tạo dấu ấn trong lòng thực khách. Cháo được nấu bằng nước luộc lòng trong chậu nhôm hàn, giúp giữ độ nóng nhưng không làm nhừ hạt gạo. Thực khách có thể yêu cầu cháo lỏng hoặc cháo đặc tùy theo nhu cầu.

Phần topping ăn kèm gồm phèo non, gan heo, bao tử heo, lưỡi heo… Nổi bật nhất là dồi chiên được làm theo công thức riêng, khi ăn có hương vị và mùi thơm đặc trưng. Mỗi phần cháo kèm theo giá đỗ, nước mắm chấm lòng và một cặp quẩy được cắt sẵn.

Theo đánh giá của nhiều thực khách, khẩu phần ăn giảm đi so với những năm trước. Nhân viên phục vụ đôi lúc không niềm nở.

▸ Cháo lòng 153

Ảnh: Ninh, Đức Nhân.

Ảnh: Ninh, Đức Nhân.

Cháo lòng 153 có cách phục vụ khá lạ, kết hợp dồi huyết miền Bắc lẫn dồi chiên vàng miền Nam. Mức giá không quá rẻ, song nhiều thực khách vẫn tìm đến vì hương vị thơm ngon, quy trình chế biến sạch sẽ.

Phần cháo và lòng đủ no cho một người. Cháo được nấu bằng gạo nát cùng huyết, chín nhừ và có độ sánh vừa phải. Bên trên rắc thêm hành lá thái nhỏ và tiêu xay thơm lừng. Điểm cộng lớn là phần lòng heo có đủ phèo non, tim, gan, lưỡi, bao tử, cuống họng… Quán luộc vừa chín tới, không bị khô và thái miếng tương đối dày.

Phần nước chấm gây tiếc nuối vì hương vị không đặc sắc. Lượng khách ăn tại quán khá đông, bàn ghế gần nhau nên ngồi lâu dễ bị ngộp.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/loat-mon-an-cuc-pham-khi-tphcm-vao-mua-mua-post1480686.html