Loạt ngân hàng sai phạm, khách VIP vay mua trụ sở, sự thật là đi thuê

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sacombank cho 9 doanh nghiệp vay dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, tiền đổ vào một dự án. Techcombank cho khách vay mua trụ sở ngân hàng khác, hồ sơ thực là khách chỉ đi thuê.

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017.

Chậm khắc phục sở hữu chéo

Kết luận cho thấy, thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo quyết định 254 (Đề án 254), NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD năm 2013 và 2014. Trong đó đưa ra tiêu chí để phân loại TCTD yếu kém trên cơ sở kết quả giám sát, thanh tra, kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2015, ngoài 9 TCTD yếu kém đã được NHNN phân loại và phê duyệt phương án cơ cấu lại trong giai đoạn 2011-2012, không có ngân hàng thương mại cổ phần nào được NHNN phân loại yếu kém theo các tiêu chí hướng dẫn tại các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD của NHNN.

TTCP cho rằng, các ngân hàng còn chậm khắc phục trong sở hữu chéo. (Ảnh: Hoàng Hà)

TTCP cho rằng, các ngân hàng còn chậm khắc phục trong sở hữu chéo. (Ảnh: Hoàng Hà)

Việc thực hiện phương án tái cơ cấu được duyệt còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Các chỉ tiêu định lượng đăng ký trong phương án như tăng vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, niêm yết trên sàn chứng khoán... nhưng thực tế nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không đạt trong các chỉ tiêu đó như ABBank, Seabank, VAB...

Một số ngân hàng thương mại cổ phần vi phạm vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng. Như VietBank vượt hạn mức năm 2015 là 2.046 tỷ đồng, Sacombank vượt hạn mức năm 2016 là 7.000 tỷ đồng.

Việc khắc phục vi phạm về sở hữu chéo, góp vốn, mua cổ phần tuy có giảm nhưng vẫn còn trường hợp khắc phục chậm.

Đến thời điểm thanh tra, một số trường hợp chưa khắc phục xong. Cụ thể như Sacombank vi phạm sở hữu chéo Ngân hàng Kiên Long và việc góp vốn mua cổ phần vào CTCP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn vượt quá 11% theo quy định. ABBank chưa thực hiện xong việc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết.

Nhiều ngân hàng bán nợ xấu vi phạm quy định

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu mà các ngân hàng bán cho VAMC không đáp ứng điều kiện theo quy định, ảnh hưởng đến mệnh giá trái phiếu đặc biệt sử dụng để vay tái cấp vốn.

Kiểm tra hồ sơ pháp lý tài sản đảm bảo đối với 38 hồ sơ mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) tại 6 ngân hàng tương ứng với mệnh giá TPĐB tái cấp vốn của 13 tổ chức tín dụng (đến ngày 31/12/2017) phát hiện 34 hồ sơ mua nợ xấu, bao gồm: BIDV 8 hồ sơ, PGBank 4 hồ sơ, SHB 10 hồ sơ, SeAbank 3 hồ sơ, ABBbank 5 hồ sơ, Agribank 4 hồ sơ tại thời điểm bán nợ cho VAMC có vi phạm.

Trong đó 20 hồ sơ có tài sản đảm bảo (TSĐB) không còn đầy đủ tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định về điều kiện mua nợ xấu bằng TPĐB. 14 hồ sơ có chứng thư/biên bản thẩm định giá TSĐB hết hiệu lực nhưng chưa được định giá lại hoặc TSĐB là không đúng theo quy định của NHNN.

Sai phạm cho vay, tập trung vào số ít khách hàng

Tại Techcombank, kết luận Thanh tra Chính phủ cho thấy, ngân hàng này cho 19 khách hàng vay 34.199 tỷ đồng tính đến 31/8/2018, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Đến ngày 10/10/2021, có 17/19 khách hàng đã tất toán.

Theo phản hồi từ Techcombank ngày 11/7/2023, toàn bộ các khoản cấp tín dụng, được đề cập tại văn bản của Thanh tra Nhà nước số 509/QĐ-TTCP ngày 15/6/2018, hiện đều không còn dư nợ tại Techcombank. Ngân hàng đã liên tục thực hiện công tác rà soát, giám sát và theo dõi chặt chẽ các khoản cấp tín dụng, nhằm đảm bảo không phát sinh rủi ro tại Techcombank và tuân thủ đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền. Các kết quả rà soát, thẩm định đều được báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Thậm chí có ngân hàng cho khách hàng vay vốn góp vào công ty khác để mua trụ sở giao dịch 1 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Tuy nhiên, hồ sơ giải ngân khoản vay này chỉ có thông báo chấp thuận của VDB cho công ty nói trên thuê với thời hạn 5 năm.

Thanh tra Chính phủ kết luận, ngân hàng cho vay khi khách hàng không thực hiện đúng theo điều kiện phê duyệt tín dụng.

Tại Sacombank, phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đưa ra giải pháp, kiến nghị thực hiện kết luận thanh tra chưa đầy đủ, không tách bạch rõ những kiến nghị trong phương án tái cơ cấu sáp nhập và những kiến nghị tiếp tục phải thực hiện theo kết luận thanh tra.

Kiểm tra tại Sacombank về việc thực hiện một số kiến nghị tại kết luận thanh tra cho thấy ngân hàng này chuyển nhóm nợ thấp hơn nhóm nợ nêu tại kiến nghị kết luận thanh tra trước khi bán nợ cho VAMC đối với 18 khoản vay, dư nợ 2.825,4 tỷ đồng, tương ứng với giá trị dự phòng cụ thể trích lập thiếu 445,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sacombank đến cuối năm 2017, dư nợ chưa chuyển nợ xấu theo kết luận thanh tra là 4.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khách hàng đã cấn trừ nợ bằng tài sản với ngân hàng để tất toán khoản vay nên việc kiến nghị khôi phục nợ để chuyển nhóm theo kết luận thanh tra đến thời điểm thanh tra là không khả thi.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, tổng dư nợ tín dụng với 16 khách hàng của ngân hàng Sacombank lên tới 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018, phân loại nợ nhóm 1, chiếm 6,2% tổng dư nợ của ngân hàng.

Đáng chú ý, Sacombank cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp này gồm Công ty cổ phần Him Lam Thủ Đô, Công ty cổ phần Đầu tư Hồng Bàng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Công ty cổ phần Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Công Phúc, Công ty cổ phần Hạ tầng Bảo Tín, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, Công ty cổ phần Việt Hà, Công ty cổ phần Hiệp Ân.

Số doanh nghiệp trên vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư vào cùng dự án.

9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ 3 qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Trong khi đó, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/loat-ngan-hang-sai-pham-khach-vip-vay-mua-tru-so-su-that-chi-la-di-thue-2164250.html