Hiệp hội Ngân hàng: Siết cấp vốn cho khách hàng lớn là cần thiết

Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng hạn chế tình trạng tập trung vốn tín dụng vào một khách hàng hay nhóm khách hàng, khuyến khích các ngân hàng đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 đã quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng.

Theo đó, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% (mỗi năm giảm 2%).

Từ ngày 1/7/2024 đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng sẽ giảm về 14% với một khách hàng và 23% với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Quy định trên khiến một số ngân hàng và khách hàng lo lắng, vì sẽ khiến việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thể bị ảnh hưởng. Bởi vì hiện nay một số ngân hàng đang có dư nợ cao với nhóm khách hàng lớn.

Các ngân hàng sẽ phải giảm dư nợ cho vay với các đối tượng này và tìm kiếm các khách hàng khác để bù đắp.

Về phía doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để đáp ứng quy định trên, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ phải chấp nhận giảm dư nợ, đồng nghĩa giảm hoạt động kinh doanh, hoặc tìm kiếm thêm nguồn vốn ở ngân hàng khác để bù đắp phần vốn vay giảm sút.

Một số chuyên gia cho rằng, trước mắt, việc giảm 1% giới hạn cấp tín dụng trong vòng 1 năm tới chưa tác động nhiều đến ngân hàng, doanh nghiệp, song việc giảm giới hạn liên tiếp 5-10% trong vòng 5 năm đồng nghĩa với áp lực cắt giảm lượng lớn dư nợ tín dụng.

Chính vì vậy, không loại trừ sẽ có tình trạng doanh nghiệp - ngân hàng “lách” quy định bằng cách thành lập hoặc lôi kéo các doanh nghiệp khác để giữ nguyên tỷ lệ vay hiện tại. Do đó, khâu giám sát tuân thủ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại cho rằng quy định này là cần thiết.

Theo ông Hùng, việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng hạn chế tình trạng tập trung vốn tín dụng vào một khách hàng hay nhóm khách hàng, khuyến khích các ngân hàng đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro, tăng cường minh bạch.

“Giảm tỷ lệ cho vay khách hàng lớn tôi nghĩ không ảnh hưởng gì, vì có lộ trình thực hiện chứ không phải giảm ngay. Nguyên tắc thì chúng ta phải chia sẻ rủi ro trong kinh doanh, nghĩa là có lãi cùng hưởng, có rủi ro cùng chia sẻ. Tại sao anh cứ phải ôm một mình cái dự án đấy, nếu dự án sẽ xảy ra rủi ro thì hậu quả sẽ rất là lớn.

Cho nên tôi nghĩ là có khó khăn đấy nhưng cái này dứt khoát các tổ chức tín dụng phải nên thực hiện. Bởi vì sao nó sẽ liên quan đến vấn đề về rủi ro trong hệ thống và rủi ro cho chính tổ chức tín dụng đó” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ngoài ra, theo ông, việc giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng cũng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tránh doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng cần hình thành thói quen tiếp cận nhiều tổ chức tín dụng, thay vì chỉ một vài tổ chức tín dụng như hiện tại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hiep-hoi-ngan-hang-siet-cap-von-cho-khach-hang-lon-la-can-thiet-post581936.antd