Loạt người Nga mất việc sau cuộc di cư của doanh nghiệp phương Tây

Kể từ khi loạt doanh nghiệp phương Tây rời đi, số lượng người Nga mất việc ngày càng tăng. Từ đó, làm dấy lên nỗi hoang mang về tương lai của một số người trẻ tại Moscow. (CLO) Kể từ khi loạt doanh nghiệp phương Tây rời đi, số lượng người Nga mất việc ngày càng tăng. Từ đó, làm dấy lên nỗi hoang mang về tương lai của một số người trẻ tại Moscow.

Cho đến giữa tháng 1/2022, Alexander, (tên đã thay đổi), 22 tuổi, miệt mài làm ca đêm 12 tiếng trong một nhà máy và kiếm được 35.000 Rúp mỗi tháng. Chàng sinh viên 22 tuổi đến từ vùng Saratov, phía Tây Nam nước Nga mong muốn trở thành phi công, nhưng vì lý do sức khỏe, anh đã đặt mục tiêu trở thành tiếp viên hàng không.

Tình cờ thấy một quảng cáo tuyển dụng cho một hãng hàng không của Nga và anh ngay lập tức nộp đơn. Sau đó, chàng trai 22 tuổi đã được nhận vào đào tạo và ký kết hợp đồng với mức lương hàng tháng khoảng 100.000 Rúp.

 Ngành hàng không Nga chịu tác động nặng nề từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: DW.

Ngành hàng không Nga chịu tác động nặng nề từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: DW.

Những tưởng sẽ được làm công việc mơ ước, sau khi khủng hoảng Nga - Ukraine nổ ra, ngành hàng không của quốc gia này cũng bị trừng phạt. Ngoài ra, phương Tây còn đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và cấm bán, giao và chuyển máy bay cũng như các bộ phận thay thế cho Nga. Công việc của Alexander cũng vì thế mà bị hủy bỏ.

Anh giãi bày: "Máy bay không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên, các bộ phận thay thế không được đảm bảo, vì vậy tình trạng của những chiếc máy bay này không rõ ràng. Sẽ rất rủi ro nếu tôi quyết bám lấy đam mê của mình”.

Kinh tế Nga bị cô lập

Tatiana Mikhailova, một nhà kinh tế và giảng viên tại Trường Kinh tế ở Moscow nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ có tác động lâu dài, bao gồm cả việc loại Nga khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và các hạn chế sẽ làm sự cô lập và kìm hãm công nghệ.

"Ngành hàng không đã kêu trời vì không có bộ phận thay thế trong 6 tháng nữa. Các ngành khác cũng sẽ trải qua sự tình trạng tương tự", Mikhailova nói. Bà cho rằng nền kinh tế Nga sẽ trượt dốc trở lại như những năm 90.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt sẽ đánh vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Nga sử dụng linh kiện nước ngoài, như ngành ôtô, dược phẩm và thậm chí cả nông nghiệp, vốn lấy hạt giống từ nước ngoài.

"Các doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng cửa và sa thải nhân viên. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm do người dân mất việc và điều đó sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, thậm chí cả các tiệm làm tóc", bà Mikhailova nói.

Theo chuyên gia này, nhiều người Nga đã mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm mới vì nhu cầu về công nhân lành nghề đang giảm.

 Các biện pháp trừng phạt đang ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của nền kinh tế Nga, như nhà máy VW ở Kaluga (Nga). Ảnh: DW.

Các biện pháp trừng phạt đang ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của nền kinh tế Nga, như nhà máy VW ở Kaluga (Nga). Ảnh: DW.

Một số lao động ở Moscow đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực tài chính hoặc dịch vụ, tiếp thị và quảng cáo. Theo số liệu từ Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin, khoảng 200.000 người chỉ riêng ở thủ đô Nga có thể mất việc làm do các công ty nước ngoài chuyển đi.

Mất việc, tương lai khó đoán

Aliona (tên đã thay đổi), 19 tuổi, cư trú tại Moscow, làm nhân viên bán hàng tại chuỗi cửa hàng quần áo Zara (Tây Ban Nha). Công việc này rất phù hợp với một sinh viên đại học. Nhưng vào đầu tháng 3, công ty tuyên bố: tất cả các cửa hàng ở Nga sẽ bị đóng cửa và không ai cần phải đi làm nữa.

“Tôi và đồng nghiệp đã tiên đoán trước được điều này, nhưng không ngờ lại diễn ra nhanh như vậy”, Aliona nói.

Marina (đổi tên) cũng muốn có một công việc có thể giúp cô phát triển hơn nữa. Cư dân Moscow 30 tuổi hiện đang làm việc trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số. Mùa đông năm 2022, cô được một công ty có tiếng mời làm việc. Tuy nhiên, khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, ban quản lý đột nhiên nói rằng họ sẽ không thuê bất kỳ nhân viên mới nào hết.

 Nhiều cửa hàng cao cấp đóng cửa ở Nga. Ảnh: DW.

Nhiều cửa hàng cao cấp đóng cửa ở Nga. Ảnh: DW.

Điều này khiến Marina vô cùng buồn bã. "Tất nhiên, tôi muốn tìm một vị trí tương tự, nhưng điều đó là không thực tế trong tương lai gần. Nhiều công ty đang cắt giảm nhân sự và nhìn chung nhu cầu về nhân viên mới đã giảm đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp thị", Marina nói.

Hiện tại, vấn đề không phải là thỏa mãn hoài bão của cá nhân mà là tìm kiếm một nguồn thu nhập kiếm sống, cô nhấn mạnh.

Thất nghiệp hàng loạt vào cuối năm 2023

Gần đây, Forbes đã báo cáo rằng hơn 600.000 người lao động ở Nga có thể mất việc làm vào cuối năm nay. Đối với Alexander, mất việc đi kèm với những tiêu cực về mặt cảm xúc.

"Nếu không đủ tiêu chuẩn làm tiếp viên hàng không, thì đó là lỗi của tôi và tôi có thể khắc phục điều đó. Nhưng một chuyện đã xảy ra mà tôi không thể đoán trước và tôi không thể thay đổi, và điều đó thật đau lòng", anh nói. Alexander hiện mong muốn học lên cao hơn, sau đó mới tìm việc làm.

Alexander chia sẻ, khoảng thời gian ở thủ đô nước Nga là bước đệm để anh đến một nơi nào đó. “Hiện tại, giá cả tăng lên nhưng đồng lương vẫn như cũ và mọi người không hài lòng về điều này”, Alexander nói.

Đối với Aliona, cô muốn lấy bằng từ một trường đại học Nga và sau đó sẽ chuyển đến Đức. Đồng quan điểm, Marina muốn đến một thành phố mới mẻ để trải nghiệm và làm việc.

Cả 3 nhân vật chia sẻ với DW đều có một số suy nghĩ chung là chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc, tuy nhiên đó không phải là quyết định dễ dàng.

Lê Na (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loat-nguoi-nga-mat-viec-sau-cuoc-di-cu-cua-doanh-nghiep-phuong-tay-post241240.html