Loạt 'ông lớn' chốt kế hoạch chia cổ tức khủng

Việc các doanh nghiệp trả cổ tức tỷ lệ cao là một tín hiệu tích cực đối với các cổ đông. Điều đó có thể chứng minh rằng công ty đang hoạt động ổn định và tạo ra lợi nhuận tốt...

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, PV Gas, PVI, BSR thông báo ngày chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao cho các cổ đông.

CỔ ĐÔNG "ẤM TÚI"

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán: VNM) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/9 tới để trả cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 24,5%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.450 đồng. Trong đó, công ty sẽ trả cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5% và tạm ứng chi trả đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 15%.

Với 2,09 tỷ cổ phiếu lưu hành, số tiền Vinamilk dự kiến phải chi để trả cổ tức đợt này là khoảng 5.120 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến sẽ được thanh toán vào ngày 24/10/2024.

Sau khi hoàn tất chi trả cổ tức, tổng tỷ lệ cổ tức cổ đông Vinamilk nhận về trong năm 2023 sẽ là 38,5%, đúng theo phương án đã chốt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.

Đối với kế hoạch cổ tức năm 2024, Vinamilk dự kiến chi trả với tỷ lệ 38,5% (1 cổ phiếu nhận về 3.850 đồng).

Cùng khoảng thời gian trên, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS - mã chứng khoán: GAS) đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 60%. Đây là mức chi trả cổ tức cao nhất từ trước đến nay và được Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua, tương ứng 6.000 đồng/cổ phiếu.

PV GAS cho biết, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức là 16/9/2024 và thời gian thanh toán từ ngày 28/11/2024. Với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PV GAS dự kiến chi khoảng hơn 13.780 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Hiện, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) là cổ đông lớn nhất của PV GAS với tỷ lệ sở hữu 95,75% dự kiến sẽ nhận về gần 13.200 tỷ đồng.

Bên cạnh việc chia cổ tức “khủng” bằng tiền mặt, PV GAS sẽ phát hành tối đa hơn 45,9 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được 1 quyền nhận thêm cổ phiếu mới, cứ 50 quyền nhận thêm cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của PV GAS dự kiến sẽ tăng lên khoảng 23.420 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Cổ phần PVI (mã chứng khoán: PVI) cũng thông báo ngày 30/8 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Tỷ lệ chi trả là 32%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.200 đồng.

Theo ghi nhận, PVI là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức bằng tiền ở mức cao cho cổ đông. Năm 2024, công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 28,5%.

Về cơ cấu cổ đông, HDI Global SE đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 96 triệu cổ phiếu PVI, tương đương tỷ lệ 41,05%, ước tính sẽ nhận được hơn 308 tỷ đồng từ đợt trả cổ tức. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang sở hữu 35% cổ phần công ty sẽ nhận về hơn 262 tỷ đồng.

Ngày 6/9/2024, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: OIL) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 2%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận về 200 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 3/10/2024.

Một “ông lớn” khác trong ngành dầu khí mới đây cũng công bố kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR). Theo đó, tỷ lệ thực hiện quyền là 7%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 15/10/2024 và thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 11/11/2024.

Với hơn 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến số tiền công ty phải chi để trả cổ tức đợt này là 2.170 tỷ đồng, được trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2023. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ nắm giữ đến 92,13% vốn nên sẽ nhận về số tiền lớn nhất gần 2.000 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định (Bidifood – mã chứng khoán: BLT), Hội đồng quản trị công ty thông báo ngày 30/8 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 88%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 8.800 đồng.

Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 18/9. Với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 35 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt này.

PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP "ĂN NÊN LÀM RA"

Việc các doanh nghiệp trả cổ tức tỷ lệ cao và đều đặn là một tín hiệu tích cực đối với các cổ đông. Điều đó có thể chứng minh rằng công ty đang hoạt động ổn định và tạo ra lợi nhuận tốt, từ đó thúc đẩy thị giá cổ phiếu trên thị trường đi lên.

Bên cạnh đó, điểm chung các doanh nghiệp chia cổ tức khủng đều có lượng cổ đông rất cô đặc và chủ yếu là cổ đông tổ chức. Chính vì vậy, các cổ đông lớn này vừa là bên có tiếng nói quyết định đến chính sách chia cổ tức hàng năm của doanh nghiệp, vừa là bên hưởng lợi lớn nhất từ mức chi trả cổ tức cao trong nhiều năm của chính doanh nghiệp.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024, PV GAS ghi nhận tổng doanh thu đạt 53.367 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 7.409 tỷ đồng. Năm 2024, PV GAS đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất 70.176 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.249 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong nửa đầu năm nay, PV GAS đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng, PVI thu về 3.741 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cũng tăng 13,1% lên mức 783,3 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 7.069 tỷ đồng, tăng 24%, doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tăng gấp 3,3 lần, vượt 3.307 tỷ đồng.

Tương tự, Vinamilk cũng công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 với nhiều điểm sáng. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2024 đạt mức cao nhất trong lịch sử với 16.655 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Vinamilk đạt 2.695 tỷ đồng, tăng gần 20,9% so với quý 2/2023, đồng thời là quý thứ 3 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng trên 15%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.768 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.902 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,7% và 18,5% so với nửa đầu năm 2023.

Đồng pha với kết quả kinh doanh, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM đang chứng kiến nhịp hồi phục từ cuối tháng 7/2024 đến nay. Trong phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu ông lớn ngành sữa đang giao dịch quanh mức giá 74.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 13,5% sau một tháng.

 Thị giá cổ phiếu VNM trong thời gian gần đây

Thị giá cổ phiếu VNM trong thời gian gần đây

Đối với Lọc hóa dầu Bình Sơn, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận 55.112 tỷ đồng doanh thu và 1.883 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 18,6% và 36,1% so với cùng kỳ 2023.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết trong tháng 3 và 4/2024, nhà máy tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, giá dầu thô và sản phẩm biến động phức tạp, khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm cũng giảm so với cùng kỳ năm trước nên kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ.

Một thông tin đáng chú ý khác, mới đây Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), tương ứng số vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cổ phiếu BSR được niêm yết trên HOSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của công ty, và tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, BSC còn cho rằng việc niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu này có thể lọt vào chỉ số VN30.

Mạnh Duy

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/loat-ong-lon-chot-ke-hoach-chia-co-tuc-khung-post554207.html