Loạt 'ông lớn' ngành xây dựng thoát vũng lầy, tăng tốc với doanh thu nghìn tỷ
Ngành xây dựng trong nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp đã có những tín hiệu phục hồi khả quan.
“Ông trùm” ngành xây dựng Coteccons đang có giai đoạn thăng hoa khi giá cổ phiếu lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, đạt mức 91.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 20/2). Trong 2 tháng qua, cổ phiếu của Coteccons đã tăng hơn 30%, điều này cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư với ông lớn ngành xây dựng của Việt Nam.
Trong báo cáo tài chính quý 2 niên độ 2024-2025, Coteccons đạt doanh thu gần 6.900 tỷ đồng, lợi nhận sau thuế đạt 106 tỷ đồng. Lũy kế nửa niên độ, Coteccons đạt doanh thu hơn 11.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 200 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Coteccons đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm.
Nếu nhìn lại những năm trước, Coteccons chỉ lãi khiêm tốn. Điển hình như năm 2021, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 24 tỷ đồng. Năm 2022, Coteccons chỉ lãi 21 tỷ đồng. Đến năm 2023, lợi nhuận có vẻ cải thiện hơn nhưng vẫn chưa xứng tầm với quy mô của Coteccons, đạt 52 tỷ đồng.

Nhiều dự án bất động sản lớn ở TP.HCM đang được các "ông lớn" ngành xây dựng thi công. (Ảnh: Đại Việt)
Có thể nói, thời gian qua là giai đoạn “lột xác” của các ông lớn ngành xây dựng. Không chỉ có Coteccons mà Hòa Bình, Ricons và Unicons đều vươn lên.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho thấy, năm 2024, doanh nghiệp này đã có khoản lợi nhuận sau thuế gần 852 tỷ đồng. Trong khi đó, vào năm 2023, Hòa Bình lỗ đến 777 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế lên đến gần 2.900 tỷ đồng. Việc dần thoát khỏi sự “sa lầy” sau 2 năm, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của “ông lớn” này.
Đối với Ricons – doanh nghiệp đầu tàu trong hệ sinh thái xây dựng, nội thất của tỷ phú Nguyễn Bá Dương cũng ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan. Năm 2024, doanh thu thuần của Ricons đạt hơn 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 159 tỷ đồng. Đây là khoản lãi cao nhất trong vòng 4 năm qua của Ricons.
Trước đó, vào năm 2021, Ricons có lợi nhuận sau thuế chỉ 80 tỷ đồng. Đến năm 2022, Ricons lãi 91 tỷ đồng và năm 2023 lãi 79 tỷ đồng. Việc tăng gấp đôi lợi nhuận trong thời gian qua đã chứng minh cho sự trở mình của Ricons.
Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cũng có lợi nhuận tăng dần trong những năm qua. Năm 2022, CC1 có lợi nhuận sau thuế chỉ gần 184 tỷ đồng nhưng đến năm 2023, lợi nhuận đã tăng lên gần 246 tỷ đồng. Đến năm 2024, CC1 báo lãi hơn 259 tỷ đồng.

Nhiều công trình xây dựng lớn được thi công ngày đêm. (Ảnh: Đại Việt)
Bên cạnh những doanh nghiệp vươn lên trong thách thức thì cũng có những doanh nghiệp vẫn giữ được phong độ suốt nhiều năm qua. Điển hình như Công ty CP Xây dựng Central. Năm 2021, Central có lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp này lãi 230 tỷ đồng. Đến năm 2023 và 2024 lợi nhuận sau thuế của Central vẫn tiếp tục duy trì ở mức 200 tỷ đồng.
Đại diện Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, lĩnh vực xây dựng dân dụng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, các nhà thầu xây dựng đang triển khai các dự án “tỷ đô” tại các địa phương khác.
Điển hình như Coteccons thực hiện thi công, giám sát tại dự án Caraworld Cam Ranh nằm dọc theo Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư công bố là 2 tỷ USD.
Ricons, Newtecons, CC1 cũng đang tập trung thi công, xây dựng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng. Tập đoàn Hòa Bình và Unicons cũng đang triển khai các dự án bất động sản lớn như Eaton Park (TP Thủ Đức, TP.HCM), Aeon Tân An (Long An), Newtown Diamond (Đà Nẵng)…
Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích và nghiên cứu của VietCap Research nhận định, trong trung hạn và dài hạn, tăng trưởng GDP cộng với quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng dân dụng tăng trưởng. Theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ chạm mức 70% vào năm 2050.
Ở nhóm xây dựng công nghiệp và thương mại, dòng vốn FDI sẽ là động lực chính thúc đẩy nhóm này. Còn ở nhóm cơ sở hạ tầng, mục tiêu đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Theo ông Huy, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai ráo riết tại Việt Nam như: Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2; Đường vành đai 3 TP.HCM; đường vành đai 4 Hà Nội; Sân bay Quốc tế Long Thành; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam... Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng chớp lấy thời cơ và vươn lên.

Dự án sân bay Long Thành có nhiều nhà thầu lớn hàng đầu Việt Nam tham gia thi công. (Ảnh: Đại Việt)
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VAR) cho biết, thị trường bất động sản đang phục hồi cũng là một trong những nguyên nhân hỗ trợ, thúc đẩy ngành xây dựng vượt qua những thách thức. Nền tảng hành lang pháp lý hoàn thiện đang giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi trong năm 2025.
Theo ông Đính, sau khi tháo gỡ những vướng mắc, nguồn cung bất động sản từ hàng loạt dự án mới đã được tung ra thị trường. Dự báo, nguồn cung bất động sản năm 2025 sẽ tăng khoảng 10% so với năm trước. Nguồn cung sẽ tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và vùng phụ cận với khoảng 55.000 sản phẩm.
“Đối với loại hình căn hộ chung cư thì phân khúc giá từ 50 triệu đồng/m² trở lên tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong khi nguồn cung đất nền sẽ tiếp tục giảm sau quy định siết phân lô, bán nền”, ông Đính nói.
Các chuyên gia đánh giá, những công trường xây dựng nhộn nhịp đang mang lại sự hứng khởi đầy năng lượng cho ngành xây dựng Việt Nam năm 2025.