Loạt quốc gia đối mặt với viễn cảnh biến mất khi nước biển dâng
Các chuyên gia cho biết mực nước biển sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thế kỷ hoặc thiên niên kỷ ngay cả khi thế giới ngừng phát thải khí nhà kính vào ngay ngày mai.
Nước biển dâng là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.
Kể từ những năm 1880, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã tăng từ 16 cm lên 21 cm. Một nửa sự gia tăng đó đã xảy ra trong 3 thập kỷ qua.
Không chỉ vậy, nó còn đang tiếp tục tăng tốc. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho hay trong thập niên 2013-2022, mực nước biển trung bình toàn cầu dâng thêm 4,62 mm/năm, tăng gấp đôi so với thập niên 1993-2002, khi tỷ lệ này là 2,77 mm/năm.
Những con số đó thoạt nhìn vẻ nhỏ. Vậy tại sao vào tháng 2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo tốc độ gia tăng của mực nước biển đe dọa dẫn tới một cuộc “di cư hàng loạt” của toàn bộ dân số như trong Kinh thánh?
Mực nước biển tiếp tục tăng
Kể cả khi thế giới ngừng phát thải khí nhà kính ngay lập tức - điều rõ ràng không có cơ hội xảy ra - mực nước biển vẫn tiếp tục tăng. Nói cách khác, ngay cả trong kịch bản tốt nhất, đã quá muộn để kìm hãm đại dương.
Lý do cho điều này không được biết đến rộng rãi bên ngoài cộng đồng khoa học, nhưng nó rất quan trọng.
Các hệ thống gây ra mực nước biển dâng - cụ thể là sự giãn nở nhiệt của đại dương và sự tan chảy của sông băng, tảng băng do nóng lên toàn cầu - có độ trễ hàng thế kỷ.
“Bầu khí quyển thay đổi khá nhanh nhưng quá trình tuần hoàn sâu dưới đại dương phải mất hàng thế kỷ”, giáo sư Jonathan Bamber tại Đại học Bristol cho biết.
“Khi nhiệt lượng chìm xuống đáy đại dương sâu thẳm, phải mất hàng thế kỷ để lan ra xung quanh và đạt được trạng thái ổn định mới”, ông nói. “Các tảng băng cũng cần có thời gian phản hồi, vì vậy nếu bạn thay đổi nhiệt kế vào ngày mai, có thể mất hàng trăm đến hàng nghìn năm để đạt đến trạng thái ổn định”.
Trong bất cứ kịch bản tăng nhiệt độ nào, các quốc gia có đông dân số ven biển, từ Bangladesh đến Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan, đều sẽ gặp rủi ro.
Các siêu đô thị trên mọi châu lục sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng, bao gồm Lagos, Bangkok, Mumbai, Thượng Hải, London, Buenos Aires và New York.
Ngoài ra, nước biển dâng cao sẽ kèm theo sự gia tăng của bão và triều cường, đẩy nhanh quá trình nhiễm mặn nguồn nước và đất đai, đồng thời khiến nhiều nơi không thể ở được trước khi toàn bộ đất liền bị biển bao phủ.
Theo nghiên cứu được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc trích dẫn, 5 quốc gia, bao gồm Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati, có thể không còn ở được vào năm 2100. Điều này sẽ khiến 600.000 người trở thành người tị nạn khí hậu không quốc tịch.
Tất nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu còn có nhiều mối nguy hiểm khác: Những đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, lũ lụt cùng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn. Nhưng có một sự chắc chắn về ngày tận thế không thể tránh khỏi đối với đại dương đang trỗi dậy.
“Nếu Trái Đất nóng lên, mực nước biển sẽ tăng, không cần phải báo trước”, ông Bamber nói. “Các đại dương ấm lên và băng tan. Đó là điều chắc chắn của sự nóng lên toàn cầu”.
Tác động rất khó đánh giá vì đại dương không dâng lên với tốc độ đồng đều, nó không giống bồn tắm.
Trái Đất không phải là một hình cầu hoàn hảo. Nhiệt độ cũng khác nhau trên khắp hành tinh và bị ảnh hưởng bởi các dòng hải lưu.
Hiện nay, những gì chúng ta biết là tác động đầu tiên của nước biển dâng đối với các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực đô thị thấp, đông dân cư. Tuy nhiên, việc đưa ra dự đoán về các quần thể có nguy cơ cũng không đơn giản.
Hà Lan là một trong những quốc gia nằm thấp nhất trên thế giới so với mực nước biển. Nhưng nước này đang nỗ lực xây dựng hệ thống chống đỡ để bảo vệ chính mình.
“Người dân Hà Lan đang đi bộ và đạp xe dưới mực nước biển. (Họ) có các công trình bảo vệ bờ biển”, giáo sư Gerd Masselink, chuyên gia về địa mạo ven biển tại Đại học Plymouth, chia sẻ.
“Bất cứ ai sống ở ven biển đều bị ảnh hưởng theo một cách nào đó, nhưng nó không thực sự đồng nghĩa họ sẽ mất nhà ngay lập tức”, ông nói.
Kịch bản tốt nhất và xấu nhất vào năm 2100
Vậy làm thế nào để dự đoán chính xác những điều tồi tệ nhất? IPCC đã cố gắng mô hình hóa các kịch bản khác nhau về cách mực nước biển sẽ dâng cao vào năm 2100, dựa trên mức độ thành công của con người trong việc giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.
Mỗi kịch bản là kết quả của các tính toán phức tạp, có tính đến khả năng phát thải, cũng như những thay đổi kinh tế - xã hội tiềm ẩn, bao gồm dân số, mật độ đô thị, giáo dục, sử dụng đất và sự giàu có.
Với kịch bản lạc quan nhất, nhiệt độ tăng 1,5 độ C và mực nước biển dâng 28-55 cm. Điều này xảy ra khi thế giới hướng tới một tương lai bền vững hơn, bám sát các mục tiêu phát triển và đáp ứng mục tiêu khí hậu Paris.
Kịch bản thứ hai, ở mức tầm trung, diễn ra trong trường hợp các xu hướng kinh tế xã hội và công nghệ không thay đổi rõ rệt, tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại. Tuy nhiên, con người có thể đạt được mục tiêu phát thải “thấp” để giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,8 độ C vào cuối thế kỷ, mực nước biển được dự đoán sẽ tăng 32-62 cm.
Kịch bản tiếp theo là khi việc giảm phát thải ròng bằng 0 không đạt được vào năm 2100. Kịch bản này giả định chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khiến các mối quan tâm về môi trường trở thành ưu tiên quốc tế thấp. Các quốc gia tìm kiếm sự phát triển hơn là tính bền vững. Trong trường hợp đó, nhiệt độ toàn cầu có thể ở mức 2,7 độ C và mực nước biển được dự đoán tăng 44-76 cm.
Kịch bản thứ tư là kịch bản phát thải cao, theo đó CO2 tăng gấp đôi so với mức hiện tại cho đến năm 2100, do đầu tư vào nguồn nhân lực không đồng đều, gia tăng bất bình đẳng giữa và trong các quốc gia, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào than. Nhiệt độ được dự đoán tăng 3,6 độ C và mực nước biển dâng 55-90 cm.
Cuối cùng là kịch bản nhiệt độ tăng 4,4 độ C và mực nước biển dâng 63-trên 101 cm. Nó xảy ra khi phát triển kinh tế xã hội đi đôi với khai thác tài nguyên nhiên liệu hóa thạch để chạy theo lối sống sử dụng nhiều năng lượng trên khắp thế giới.
IPCC cũng cảnh báo về một kịch bản “tác động cao có khả năng xảy ra thấp”, trong đó sự bất ổn định của các tảng băng khiến mực nước biển dâng cao hơn 2 m chỉ tính riêng vào cuối thế kỷ này.
“Trường hợp xấu nhất mà chúng tôi đang xem xét là khoảng hơn 2 m trong một thế kỷ”, ông Bamber nói. “Mực nước biển dâng 2 m sẽ dẫn tới việc phải di cư, hoặc sẽ ảnh hưởng, lũ lụt hàng năm, tới xấp xỉ 1/10 dân số hành tinh, tức là khoảng 790 triệu người”.