Loạt sự kiện 'thiên nga đen', chứng khoán vào giai đoạn dò đáy
Thị trường chứng khoán rớt mạnh tháng thứ hai liên tiếp sau một loạt sự kiện 'thiên nga đen' trong nước nhưng chưa có nhịp hồi phục trong tháng mới. Chứng khoán được đánh giá đang trong giai đoạn dò đáy.
Theo Chứng khoán SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro hiện hữu như xu hướng tăng của tỷ giá và xu hướng tăng của lãi suất.
Trong hai tháng trước đó, thị trường chứng khoán (TTCK) đã giảm mạnh, chỉ số VN-Index giảm 9,2% trong tháng 10. Tính từ đầu năm, TTCK Việt Nam đã giảm 31,3% điểm số. Mức chiết khấu này phản ánh phần lớn xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao.
Những làn sóng bán tháo, áp lực bán giải chấp đối với các nhà đầu tư cá nhân và gần đây là đối với lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức liên quan khiến nhiều cổ phiếu, đặc biệt trong nhóm bất động sản, giảm từ 50% cho tới hơn 90%.
Theo SSI Research, nhiều khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán. Thông thường, tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó.
Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của các yếu tố như tỷ giá, xu hướng tăng của lãi suất và kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững.
TTCK được cho là bước đầu vào giai đoạn dò đáy. Thị trường sẽ ghi nhận sự biến động và trạng thái giằng co. Các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao và thời hạn đầu tư đủ dài sẽ tận dụng biến động này để dần giải ngân, do triển vọng tăng trở lại của thị trường trong dài hạn là rất lớn.
Trong tháng 11, theo Chứng khoán SSI, vùng hỗ trợ 1.000 điểm sẽ tiếp tục quyết định xu hướng vận động của chỉ số. Nếu giữ vững vùng hỗ trợ này, đà hồi phục trên VN-Index sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu đầu tiên là 1.040 điểm. Trong kịch bản ngược lại, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định các vùng hỗ trợ gần là 968-950 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng 7/11, chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 18 điểm, xuống dưới ngưỡng 980 điểm.
Dòng vốn ngoại có xu hướng tích cực
Trên thế giới, dòng tiền vào các tài sản tài chính được cải thiện, đảo ngược so với xu hướng rút ròng 2 tháng trước đó, khi các rủi ro liên quan đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ, suy thoái hay rủi ro địa chính trị như giữa Nga và Ukraine đã phản ánh phần lớn trong định giá của thị trường trong 9 tháng đầu năm.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ quý III vẫn cho thấy nhiều yếu tố tích cực. Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) bật nhanh từ mức rút ròng trước đó. Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) cũng được cải thiện.
Dòng tiền vào Việt Nam cũng tích cực. Nhiều quỹ ETF lớn ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10.
Giao dịch khối ngoại mua ròng trong tháng 10, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB, có tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại đã tích cực mua ròng vào các nhóm ngành có nền tảng cơ bản, triển vọng tích cực nhưng định giá có phần nào bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến thị trường, như bán lẻ hàng thiết yếu, bất động sản khu công nghiệp và ngân hàng.
Tuy nhiên, trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần, dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam.