Loạt thương hiệu lớn rời bỏ, bất động sản Hong Kong rơi thế đìu hiu
Trong nhiều năm, Phố Russell tại khu Causeway Bay, Hong Kong được mệnh danh là phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới - vượt qua cả London và Paris; nhưng mọi chuyện đã thay đổi.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những thương hiệu xa xỉ dần dần đang biến mất trên Phố Russell và nhường chỗ cho những cửa hàng khiêm nhường hơn.
Một cửa hàng từng là nơi "trú ngụ" của thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Tissot giờ đây đã trở thành nơi bán phụ kiện điện thoại. Giá thuê nhà mà người chủ mới phải trả chỉ bằng 6% những gì mà người đại diện của Tissot từng bỏ ra.
"Không thể tưởng tượng rằng một ngày chúng tôi có thể nhìn thấy một cửa hàng tạp hóa hoặc một nhà hàng bán lẩu trên Phố Russell", Oliver Tong, người đứng đầu công ty dịch vụ bất động sản JLL tại Hong Kong nói.
Trong 3 tháng đầu năm nay, số lượng các không gian bán lẻ bị bỏ trống trên con phố vốn rất sầm uất này, đã tăng gấp đôi do sự rời đi của hàng loạt thương hiệu quốc tế.
Vốn đã phải vật lộn sau nhiều tháng nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình liên tiếp, Hong Kong tiếp tục hứng đòn giáng mạnh khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo một nguồn tin, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Colourmix sẽ đóng cửa hàng trên Phố Russell (với giá thuê 700.000 đô la Hong Kong/tháng) sau khi hợp đồng kết thúc vào tháng 10. Chủ nhà hiện giảm giá thuê xuống 14%, còn 600.000 đô la Hong Kong/tháng – nhưng vẫn chưa tìm được khách hàng mới.
Colormix là thương hiệu thứ 6 trong số 27 thương hiệu lớn có cửa hàng tại Phố Russell quyết định rời đi sau Prada, Bonjour, Rado, Blancpain và Tissot.
"Rất khó để giữ những nhà bán lẻ này, đặc biệt là những thương hiệu hướng tới khách du lịch. Thực tế - cho dù rất nghiệt ngã là, khách du lịch sẽ không quay trở lại sớm và mọi người đều hiểu điều đó", ông Tong nói. "Và cũng rất khó để tìm những khách hàng mới sẵn sàng mở rộng tại thời điểm này".
Nằm ở vị trí đắc địa, con phố dài 250m, từng là điểm đến của rất nhiều tín đồ yêu hàng hiệu từ khắp nơi trên thế giới khi tới Hong Kong. Giá thuê cửa hàng hàng năm ở đây đã có lúc vượt qua cả Đại lộ 5 ở New York và Đại lộ Champs-Elysees tại Paris để trở thành con phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới.
Thay thế cho những chiếc đồng hồ Tissot trị giá hàng nghìn đô la trong cửa hàng rộng gần 100 m2 giờ đây là những các đồ phụ kiện điện thoại như dây sạc, ốp lưng… có giá chưa đầy 1 đô la.
"Các chủ thuê địa phương và nhà bán lẻ phải thay đổi theo thực tế là trong vòng 2 hoặc 3 năm tới, 7 triệu dân địa phương sẽ là đối tượng chính của họ", ông Tong chỉ ra.