Loạt thương vụ bán vốn tỷ USD, ngân hàng Việt vẫn thu hút cổ đông ngoại
Việc chào bán vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược với giá trị dự kiến trong khoảng từ 2 tỷ USD đến 2,2 tỷ USD mới đây của SHB hay thương vụ M&A của VPBank với giá trị 1,5 tỷ USD… thể hiện niềm tin lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của ngân hàng Việt.
Ngân hàng đua nhau bán vốn
Theo thông tin từ Phoenix Holdings, Ngân hàng số Timo mới đây đã gọi vốn thành công 10 triệu USD từ các nhà đầu tư đã rót vốn vào đơn vị này ở những vòng gọi vốn trước. Phoenix Holdings cũng được điều hành bởi Tổng giám đốc của Timo - ông Henry Nguyễn.
Trước đó, chuyên trang theo dõi dữ liệu startup CrunchBase cho biết, tính đến trước vòng gọi vốn mới nhất, Ngân hàng số Timo đã gọi vốn thành công 20 triệu USD thông qua vòng gọi vốn Venture Round, được thực hiện năm 2022.
Các nhà đầu tư đã rót vốn vào Ngân hàng số Timo có thể kể đến: Jungle Ventures, Kredivo Holdings, Phoenix Holdings, Granite Oak và Square Peg Capital. Trong đó, Square Peg Capital là nhà đầu tư dẫn dắt vòng gọi vốn Venture Round của Timo. Square Peg là công ty đầu tư mạo hiểm đã từng rót vốn vào nhiều startup có tiếng như Canva, FinAccel, và Airwallex.
Đợt gọi vốn của Timo trong năm 2022 diễn ra trong bối cảnh người dùng tích cực đón nhận các sản phẩm ngân hàng số tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Mặc dù phần lớn người dùng Việt lúc đó vẫn đang dùng cả dịch vụ ngân hàng số và chi nhánh vật lý, số lượng người dùng sử dụng ngân hàng số vẫn tăng 41% trong năm 2021.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại khác cũng báo tin chào đón cổ đông ngoại trong tuần vừa qua. Theo đó, nguồn tin từ Reuters cho biết, SHB sẽ thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược trong năm nay. Giá trị dự kiến của thỏa thuận có thể nằm trong khoảng từ 2 tỷ USD đến 2,2 tỷ USD. Việc hoàn tất thỏa thuận sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần có sự chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
SHB được cho là đang trong giai đoạn tiếp xúc với một cố vấn tài chính để thảo luận và tìm kiếm một đối tác chiến lược phù hợp. Danh tính của các bên liên quan vẫn được giữ kín, nhưng một nguồn tin cho biết, một số nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB. Hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của SHB khoảng 1,7 tỷ USD, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn T&T.
Được biết, SHB hiện là ngân hàng tư nhân lớn hiếm hoi còn trống nhiều room ngoại (tỷ lệ sở hữu nước ngoại chỉ ở mức 6,4%), giúp ngân hàng có nhiều dư địa để bán lượng lớn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
SeABank mới đây cũng thông báo phát hành riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% số cổ phần hiện có và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành để chào bán cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ đầu tư Na Uy (Norfund). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Sau khi thông báo kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu của 2 ngân hàng này liên tục tăng cao và chính thức lọt vào rổ VN30 vào hôm 17/7.
Trước đó, VPBank cũng từng gây xôn xao thị trường khi ký kết thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, với giá trị 1,5 tỷ USD.
Theo đó, VPBank thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc Tập đoàn tài chính SMFG). Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Cụ thể, VPBank sẽ chào bán 1,19 tỷ cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) cho SMBC với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng số tiền huy động dự kiến là hơn 35.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III – quý IV/2023.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, Ban lãnh ngân hàng đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước không tốt, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
“Năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Tú nhấn mạnh.
Với Vietcombank, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay hoặc năm 2024.
Dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng Việt
Một số ngân hàng khác như LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Trong đại hội đồng cổ đông vừa qua, BVBank cũng tiết lộ đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để cùng nhau phát triển.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của ngân hàng Việt. Các chuyên gia dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang sử dụng đòn bẩy cao và chịu áp lực huy động vốn. Do vậy, ngân hàng muốn tăng cường nguồn vốn để chống chịu, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn. Việc này rất quan trọng đối với sự bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, lợi ích chiến lược của việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp cung cấp nguồn vốn, mà còn mang đến kinh nghiệm quản trị, điều hành, giúp ngân hàng Việt tiếp cận thị trường, chuẩn mực quốc tế và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.