Loạt vấn đề chưa tháo gỡ, PVR lại bị kiểm toán từ chối BCTC
Báo cáo tài chính 2022 của CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) tiếp tục bị đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến do loạt vấn đề.
Thứ nhất, PVR đang theo dõi chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang vào dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên đến cuối năm 2022 là gần 25 tỷ đồng, trong đó lãi vay chiếm hơn 7 tỷ đồng. Đồng thời, VIR đang gặp rủi ro về việc dự án bị thu hồi.
Đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ hồ sơ, bằng chứng chắc chắn về hiệu quả đầu tư, định hướng triển khai cụ thể của PVR nên không thể đánh giá được khả năng xảy ra tổn thất đối với chi phí đầu tư của dự án này, cũng như đánh giá việc có cần thiết phải điều chỉnh phần chi phí lãi vay mà PVR đã vốn hóa vào dự án hay không.
Thứ hai, đối với các khoản đầu tư tài chính vào CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (hơn 21 tỷ) và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh (5 tỷ), PVR chưa thu thập được báo cáo tài chính tại thời điểm cuối 2021 và 2022 để làm cơ sở xem xét trích lập dự phòng giảm giá đầu tư.
Thứ ba, tại thời điểm cuối 2021 và 2022, PVR chưa đánh giá được hiệu quả và giá trị thu hồi đối với dự án CT10 -11 Văn Phú đang thi công dở dang do chậm tiến độ. Giá trị chi phí thi công dở dang của dự án này tại thời điểm cuối 2022 gần 693 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cho dự án này đang được theo dõi trên khoản mục Chi phí trả trước là hơn 7 tỷ đồng.
Thứ tư, các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và công nợ phải trả của PVR tại thời điểm cuối 2021 và 2022 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ. Các số dư cụ thể như: Các khoản đầu tư tài chính 247 tỷ, Nợ phải thu 36 tỷ, Nợ phải trả 493 tỷ. Vì vậy đơn vị kiểm toán không thể đánh giá được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu trên hay không.
Thứ năm, PVR chưa kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ đối với khoản tiền nhận đặt cọc cho khách hàng dự án Văn Phú theo các quy định về thuế hiện hành.
Thứ sáu, PVR chưa xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Phát triển Bình An tại ngày 2021 và 2022 là 205 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng không thể đánh giá được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Bình An ngày 30/6/2011 giữa CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH và PVR, cũng như không thể xác định được liệu các cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông của Bình An đã góp đủ vốn hay chưa.
Cũng như các lần trước, PVR tiếp tục giải trình các vấn đề trên như sau. PVR chưa thu thập được báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư Phát triển Bình An nên không có cơ sở để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Đồng thời, PVR cũng chưa thu thập được BCTC của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh vì vậy PVR căn cứ cơ sở để trích lập dự phòng cho 2 khoản đầu tư này là số liệu BCTC lần lượt tại thời điểm cuối 2019 và 2021. PVR cam kết và chịu trách nhiệm trích lập dự phòng đầy đủ khi nhận được báo cáo tài chính của bên nhận đầu tư.
Về hàng tồn kho, PVR cho biết chưa thể đánh giá một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án CT10-11 Văn Phú do các thông số tính toán theo thị trường tại thời điểm hiện tại chưa đầy đủ và có thể còn biến động, vì vậy không có căn cứ để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Đối với khoản công nợ phải thu, phải trả, đầu tư tài chính, PVR đã tích cực gửi công văn và thư xác nhận cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư. Tuy nhiên do thời gian lập báo cáo sớm nên nhiều khoản công nợ chưa nhận được thư xác nhận đầy đủ.
Đối với dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, ngày 20/7/2019, PVR nhận được văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hiện PVR đang dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.
Về tình hình kinh doanh, sau chuỗi thua lỗ gần chục năm trước đó, PVR đã có lãi trở lại trong năm 2021, song sang năm 2022 lại không phát sinh doanh thu dẫn đến lỗ ròng 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 80 tỷ đồng.