Loay hoay bài toán phát triển vùng nguyên liệu mía

Yếu tố tiên quyết để duy trì và phát triển bền vững ngành mía đường đó là đảm bảo sự ổn định cho vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, vùng nguyên liệu đang sụt giảm đáng báo động, cần có các giải pháp căn cơ để ngành mía đường nội địa phát triển bền vững.

Chuyên gia nói gì?

Những năm qua, thị trường có nhiều diễn biến bất lợi dẫn đến vùng nguyên liệu mía bị suy giảm nghiêm trọng. Hàng nghìn hecta mía bị chuyển đổi sang cây trồng khác, nhà máy thiếu mía nguyên liệu, tác động tiêu cực lên ngành mía đường trong nước.

Về vấn đề này, theo TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, việc nhập đường thô do thiếu mía nguyên liệu được ví như đang “thở bằng mũi người khác”, về lâu dài cần phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía.

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, để khôi phục và phát triển diện tích cây mía, trong sản xuất phải có tổ chức theo hướng hợp tác hóa, thành lập hội, hợp tác xã những người trồng mía cho từng vùng, từng nhà máy, sau đó phát triển thành hiệp hội của tỉnh.

Trên thực tế, chi phí thuê đất, thu hoạch, vận chuyển hiện còn cao đang khiến lợi nhuận của người nông dân giảm, cây mía bị lép vế trong cạnh tranh cây trồng. Điều này tạo ra thế lưỡng nan của người trồng mía và doanh nghiệp, cây mía không phát huy được ưu thế quy mô mà ngày càng bị thu hẹp trong “chiếc áo” quy hoạch cây trồng cũ. Do đó, “cánh đồng mía lớn” vừa là tiền đề vừa là mục tiêu cần đạt được để phát triển lại vùng nguyên liệu. Không có “cánh đồng mía lớn” sẽ không thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa hiệu quả. Tuy nhiên, muốn xây dựng được thành công mô hình này thì cần có sự liên kết, ý chí quyết tâm rất cao từ các bên chứ không thể từ một bên đơn lẻ nào.

GS.TS Võ Tòng Xuân

GS.TS Võ Tòng Xuân

Đâu là lời giải cho bài toán phát triển vùng nguyên liệu mía?

Để có thể giải quyết vấn đề nan giải của ngành mía đường, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước và đại diện cho quyền lợi của ngành mía đường – Hiệp hội mía đường cần phối hợp chặt chẽ, tạo thành một chuỗi giá trị xuyên suốt từ canh tác, sản xuất đến phân phối.

Ngay từ đầu năm 2021, Quyết định 477/QĐ-BCT áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía từ Vương quốc Thái Lan đã ngay lập tức tạo luồng sinh khí mới cho ngành mía đường trong nước, thị trường được bảo vệ, doanh nghiệp và người nông dân được chia sẻ lợi ích.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành mía đường cần nhiều hơn nữa sự tham gia điều tiết của nhà nước qua các chính sách, quyết định phù hợp dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế.

Doanh nghiệp là cầu nối giữa người nông dân và người tiêu dùng. Khi vùng nguyên liệu suy giảm, các doanh nghiệp mía đường vừa phải chịu sức ép đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải nỗ lực tái phát triển vùng nguyên liệu. Bằng việc xây dựng các cánh đồng mía lớn, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, cùng các biện pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ mới có thể tận dụng lợi thế quy mô, gia tăng năng suất, chữ đường. Còn nhà máy thì có đủ nguồn nguyên liệu và sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với nhà nông, đóng vai trò chủ chốt trong sản xuất mía nguyên liệu, nhưng cũng là nhân tố “dễ tổn thương” nhất trong chuỗi giá trị. Trước hết, người nông dân cần tăng cường “nội lực” qua nâng cao nhận thức trong việc liên kết, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Nhà khoa học sẽ là người tư vấn trong quá trình thực hiện các khâu liên kết, để việc xây dựng chuỗi sản xuất mía đường được diễn ra suôn sẻ, mang lại hiệu quả cao.

Theo các chuyên gia, tất cả các giải pháp tựu trung vẫn nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cây mía trong nước. Tái cơ cấu, không ngừng thay đổi và phát triển, ngành mía đường cần tận dụng lợi thế của cây mía để giảm giá thành sản xuất từ đó đem lại lợi nhuận rõ ràng cho người nông dân và doanh nghiệp, đem lợi ích cho người tiêu dùng.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/loay-hoay-bai-toan-phat-trien-vung-nguyen-lieu-mia-157344.html