Loay hoay chuyện sách giáo khoa

Sách giáo khoa (SGK) có quan trọng không? Đương nhiên là quan trọng! Nhưng có phải là thứ quyết định trong đổi mới căn bản và toàn diện một nền giáo dục? Vậy mà cứ phải nói đi nói lại mãi thì đúng là chúng ta đang loay hoay chuyện SGK thật!

Sách giáo khoa lớp 10 hiện đang sử dụng tại một số trường THPT công lập được lựa chọn từ nhiều bộ sách khác nhau. Ảnh: Minh Thành/ ct.qdnd.vn)

Sách giáo khoa lớp 10 hiện đang sử dụng tại một số trường THPT công lập được lựa chọn từ nhiều bộ sách khác nhau. Ảnh: Minh Thành/ ct.qdnd.vn)

Về phía những người thực hiện khẳng định đã đổi mới cơ bản về việc biên soạn sách. Nhưng trong xã hội vẫn có người chỉ ra sai sót này, hạn chế kia của một số cuốn SGK mới. Tranh luận vẫn chưa có hồi kết. Tranh luận để tiến bộ là điều tốt, nhưng phụ huynh vẫn cứ bất an bởi thông tin quá nhiều, những cái cần vẫn chưa rõ. Giá sách có về giá cũ không? Nhiều bộ sách như vậy thì con mình học sách nào? Liệu có rủi ro nào trong kỳ thi quốc gia với đề chung không? Nhiều bộ sách lại được tự do lựa chọn vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với nhiều địa phương. Không biết bộ sách nào tốt, bộ sách nào phù hợp với địa phương mình, trường mình?... Thông tin nhiều chiều, có khi đảo chiều làm cho việc lựa chọn SGK đã khó càng thêm khó.

Chọn được bộ sách này, liệu sang năm có chọn bộ sách khác không? Đặc biệt là câu hỏi: Có bộ sách nào mà anh chị đã dùng năm trước có thể để lại cho các em dùng năm sau được không? Với những gia đình khó khăn, đó là tiết kiệm; với nhà khá giả thì đó là kỷ niệm có tính truyền thống thông qua sách học. Có thể trong một bộ sách, có cuốn dùng lại được, nhưng nhiều cuốn không dùng lại được vì các bài tập đã giải rồi thì làm sao dùng lại. Còn những sai sót sửa chưa? Thơ, văn mẫu mà nhiều nhà thơ bảo không được chuẩn chỉ, còn tác giả khẳng định có giá trị cao. Các chuyên gia còn ý kiến khác nhau như thế thì giáo viên dạy thế nào, học sinh tiếp thu ra sao?... SGK quả thật vẫn còn quá nhiều chuyện đáng nói.

Có ông giáo già hỏi tôi: "Ngày xưa, chúng tôi dạy các ông học vần “ênh, lềnh bềnh, bèo nổi lềnh bềnh”, vậy mà vẫn có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng! Ngày nay, sách tiếng Việt cải cách nhiều nhưng mỗi cái giấy đi đường trong đợt dịch COVID-19 có địa phương phải thay mẫu đến 4 lần trong một tháng. Vậy là chữ chưa chắc đã bằng nết. Nết thẳng ngay chữ mới ngay ngắn, đúng nghĩa được. Dạy chữ hay dạy làm người? Nếu cứ loay hoay mãi với SGK thì đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà có thể còn phải nhiều năm nữa mới thấy rõ đường đi rộng mở!

Mới đây, những nhà hoạch định chính sách phát triển cho Việt Nam đã có nhiều đề xuất rất cụ thể về nguồn nhân lực cho việc sản xuất chip đáp ứng sự phát triển công nghệ mới. Về số lượng, để đáp ứng yêu cầu này cần tới hơn 50.000 công nhân có trình độ công nghệ và tay nghề cao. Thuật ngữ “công nhân cổ cồn” có lẽ rõ ràng nhất trong trường hợp này.

Để đáp ứng yêu cầu đó, vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục Việt Nam cần làm gì? Những bộ sách mới hiện hành đáp ứng được bao nhiêu cho yêu cầu đó? Đặc biệt khi AI (trí tuệ nhân tạo) đang phát triển với tốc độ “sóng điện từ” (Warren Buffett còn ví AI như bom nguyên tử). Vậy mà đến tận bây giờ, nói đến SGK điện tử ở nước ta với học sinh vẫn còn là thứ gì đó lạ lẫm lắm. Nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng các em nhỏ “còng lưng cõng sách” tới trường, liệu có ích là bao nhiêu cho việc thích ứng yêu cầu mới trong nước cũng như hội nhập quốc tế?

Có lẽ, chúng ta cần phải quên đi sự tranh luận hơn thua, buông bỏ những lợi ích vật chất và tinh thần có thể lớn với số ít người, nhưng nhỏ nhoi so với sự phát triển của một ngành quốc sách hàng đầu, có tầm ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của đất nước, để bàn thảo một cách nghiêm cẩn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sinh động, hiệu quả. Với tinh thần ấy, chúng tôi mạnh dạn nêu một vài ý nhỏ để cùng nhau suy ngẫm và bàn thảo.

Với chúng tôi, SGK không phải là mục đầu tiên phải làm trong đổi mới căn bản và toàn diện, nhưng dẫu sao, nó cũng đang loay hoay thì nên xem xét cho ngã ngũ. Đó là, sách theo hướng cung cấp lượng kiến thức tối giản nhất, đáp ứng yêu cầu phổ thông chứ không phải cập nhật kiến thức chuyên gia, chuyên ngành. Không yêu cầu người học thuộc và giữ mãi trong đầu những kiến thức mà khi cần có thể tra cứu dễ dàng ở bất cứ đâu. Hãy tạo nguồn cảm hứng cho người học cũng như kỹ năng đặt vấn đề đáp ứng yêu cầu của bản thân và xã hội, biết cách truy tìm nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết những vấn đề đặt ra.

Trong cuộc sống, với một vấn đề có rất nhiều cách giải quyết. Người này áp dụng cách này cũng tốt, người kia dùng cách khác cũng hiệu quả, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, điều kiện và mục tiêu, mục đích. Với công nghệ hiện nay, AI có thể giải quyết hầu hết vấn đề đặt ra. Vấn đề là ta có biết cách đặt vấn đề hay không? Ta chọn cách nào, giải pháp nào phù hợp nhất, hiệu quả nhất theo mục tiêu, mục đích của ta. Xem vậy, nội dung cần học và cách thức giảng dạy có lẽ phải đổi mới căn bản và toàn diện mới đáp ứng được. Việc nhồi nhét kiến thức và các kiểu đề thi “đánh đố” có lẽ phải xem xét lại một cách nghiêm cẩn. Đó là chuyện cho người học!

Còn người dạy thì sao? Ông cha ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để khẳng định vị trí của người thầy. Vậy mà nhiều nơi, nhiều thầy cô vẫn phải loay hoay dạy thêm, lập quỹ này quỹ nọ để mưu sinh thì hình ảnh người thầy không còn đẹp như nó cần phải có. Đương nhiên, điều đó “làm mồi” cho sự thiếu tôn trọng người thầy của số ít học sinh, phụ huynh và một bộ phận xã hội. Câu hỏi đặt ra là: Nếu người thầy rơi vào hoàn cảnh như vậy thì sự nghiệp giáo dục có là hàng đầu được không? Ấy là chưa kể, nơi này thì thừa, nơi kia lại thiếu, cấp này thừa, cấp kia thiếu, chất lượng giảng dạy còn nhiều hạn chế, nhưng thành tích vẫn cao là nghịch cảnh trong phát triển giáo dục. Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa, về bản chất không thể thay đổi, chỉ có cách thức có thể thay đổi mà thôi!

Và cuối cùng, điều chúng tôi cho rằng cần bàn nhất trong đổi mới căn bản và toàn diện là hệ thống giáo dục. Đã gọi là hệ thống thì kết cấu phải đồng bộ, khoa học; các bộ phận phải kết cấu chặt chẽ, hỗ trợ nhau làm cho hệ thống vững chắc hơn, linh hoạt hơn. Trong hệ thống phải liên thông một cách tốt nhất, thông thoáng nhất. Không những thế, phải liên thông với các hệ thống khác, bộ phận khác, lĩnh vực khác một cách linh hoạt, hiệu quả để củng cố và phát huy ảnh hưởng, uy tín của hệ thống với toàn xã hội.

Hệ thống giáo dục-đào tạo của chúng ta hiện nay đã đáp ứng những điều đó chưa? Phân luồng học sinh, tránh phong trào “nhà nhà thi đua đưa con vào đại học”; “tỉnh-tỉnh, thành-thành đua nhau mở trường đại học”; “cao đẳng, trung cấp đua nhau phấn đấu thành trường đại học”... để rồi học sinh nào cũng vào được đại học... rồi tốt nghiệp đại học không biết làm cái gì, làm ở đâu...

Vấn đề dạy nghề cũng thật đáng quan tâm. Hiện đang do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, nhưng bản chất nó vẫn là chuyện giáo dục - đào tạo. Nguồn nhân lực có nghề, có tay nghề cao không chỉ thiếu đối với xuất khẩu lao động mà thiếu ngay trong thị trường lao động trong nước. Vì sao học sinh tốt nghiệp phổ thông chưa mặn mà học nghề? Ngoài tâm lý “sính đại học” còn có nguyên nhân gì khác không? Hệ thống phổ thông 10 năm trước đây và 12 năm hiện nay có cần xem xét lại không? Trẻ em ngày nay hơn hẳn trẻ em trước kia về thể chất và sự hiểu biết vì điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi hơn nhiều. Vậy có thể rút đi thời gian học phổ thông cùng với việc phân luồng để các em sớm học nghề, hoặc sớm vào dự bị đại học theo năng lực, sở nguyện được không?

Rõ ràng có nhiều việc phải bàn thảo hơn là loay hoay mãi với SGK. Thông điệp từ cuộc sống là sớm đi đến hồi kết tốt nhất cho SGK để có thời gian vật chất và những nguồn lực khác cho việc triển khai hiệu quả đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà./.

TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên
và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

(Nguồn: Báo QĐND cuối tuần)

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/loay-hoay-chuyen-sach-giao-khoa-154645