Loay hoay di dời nhà trên, ven kênh rạch
Ngân sách ít, khó thu hút vốn đầu tư bên ngoài, thủ tục đền bù, tái định cư phức tạp... khiến kế hoạch di dời nhà trên, ven kênh rạch ở TPHCM hơn 20 năm qua đều không đạt. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng để tiến độ di dời nhà ven, trên kênh rạch đạt bước tiến vẫn cần có những cơ chế đặc thù, đột phá.
Các chỉ tiêu đều không đạt
Chạy xe qua khỏi cầu Chánh Hưng, men theo đường Phạm Thế Hiển (quận 8), chúng tôi gặp những ngôi nhà lụp xụp, một nửa nằm trên đất, một nửa nhoài ra mặt nước dọc kênh Đôi. Người dân trong vùng thổ lộ, nhiều năm nay, nhà ai cũng xây vươn ra mặt kênh một ít để có thêm chỗ sinh hoạt. Bà Hương, người dân sống tại hẻm 654 đường Phạm Thế Hiển đã mấy mươi năm kể, vợ chồng bà sống cùng 2 người con trong căn nhà tạm chừng 30m2, không có giấy tờ rõ ràng. Do kinh tế gia đình hạn hẹp nên vợ chồng bà “bám trụ” trên dòng kênh Đôi lâu ngày cũng quen, dù chỗ ở chật hẹp và không đảm bảo vệ sinh.
Theo một số người dân sống tại khu vực, hầu hết nhà đất ở đây chủ yếu là viết giấy tay, chưa được cấp “sổ đỏ”. Người dân muốn sửa chữa hay xây dựng gì cũng không dễ vì thiếu giấy tờ cần thiết. Cũng vì ọp ẹp, tạm bợ, nên các căn nhà của người dân trên kênh Đôi tiềm ẩn nhiều mối nguy. Điển hình là vào tối 1-4 vừa qua, ngọn lửa bất ngờ bùng lên tại căn nhà trên đường Phạm Thế Hiển, thuộc phường 2 (quận 8). Phát hiện vụ việc, người dân hô hoán tìm cách dập lửa nhưng bất thành. Chỉ 10 phút sau, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, thiêu rụi dãy nhà liền kề.
Những năm qua, Thành ủy và UBND TPHCM đặc biệt quan tâm, xem việc di dời nhà trên và ven kênh rạch là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn nhất nước này. Từ năm 1993, TPHCM đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên, ven kênh rạch. Chương trình thực hiện đạt kết quả ở giai đoạn đầu nhưng tiến độ chậm lại vào giai đoạn sau, khi chủ trương chuyển từ nguồn vốn ngân sách sang nguồn vốn ngoài ngân sách. Giai đoạn 1993-2020, thành phố di dời được 38.185/65.000 căn nhà cần di dời. Trung bình mỗi năm thành phố di dời được hơn 1.400 nhà.
Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), việc di dời nhà trên kênh, rạch nằm trong các nội dung quan trọng của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, là 1 trong 7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ. Đến Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021-2025), thành phố tiếp tục xác định di dời nhà ven, trên kênh rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất của TPHCM. Song, tốc độ di dời ngày càng giảm dần!
Để đẩy nhanh việc di dời, TPHCM đã ban hành kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030, trong đó có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, với mục tiêu từ năm 2021-2025 sẽ di dời 6.500 căn. Giai đoạn 2016-2020, thành phố chỉ di dời được gần 2.500 căn (trung bình mỗi năm chỉ di dời được 625 căn), đạt 12,4% chỉ tiêu! So với mục tiêu đề ra, kết quả trên quá khiêm tốn khi thời gian thực hiện chỉ còn một năm.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, nhận định, các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố trước đây thuận lợi hơn khi có nguồn tài chính lớn từ các quỹ đất công. Theo đó, thành phố áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tạo nguồn vốn làm các khu tái định cư, di dời người dân sống trên và ven kênh rạch. Một thuận lợi khác nữa là trước đây, thành phố có thể huy động nguồn vốn vay ODA không hoàn lại hoặc lãi suất ưu đãi để đầu tư các dự án chỉnh trang.
Thêm nữa, quỹ đất khi đó cũng có nhiều, tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT) - điều mà hiện nay rất khó vì hầu như đất trống không còn, pháp lý cũng thay đổi. “Với thực tế hiện nay, cùng với các giải pháp huy động nguồn vốn, việc cải tạo kênh, rạch ở TPHCM không nên cục bộ trên tuyến mà nên gắn với chỉnh trang đô thị xung quanh để tạo đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội”, TS Võ Kim Cương đề xuất.
Với đặc thù nhà ven kênh, rạch còn khá nhiều trên địa bàn, ông Bùi Đức Long, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 4, cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các dự án di dời nhà ven kênh là nguồn lực tài chính và công tác tái định cư. Theo ông Long, thành phố nên nghiên cứu có cơ chế tái định cư không tính tiền sử dụng đất như nhà ở xã hội để thuận lợi hơn trong công tác tái định cư.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, đến cuối năm 2023, thành phố đã bồi thường, di dời được gần 700/6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt 65% chỉ tiêu đề ra, trong đó có 7 dự án dự kiến hoàn thành công tác di dời trước ngày 30-4-2025.
Theo ông Long, từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) không còn quy định về hình thức hợp đồng BT. Nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, nên không hấp dẫn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Trong công tác này, Sở Xây dựng đánh giá có 2 khó khăn, vướng mắc chính.
Thứ nhất, khó khăn về nguồn vốn ngân sách. Mặc dù dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng khác lại không được chọn là cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, khó khăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đa số dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp, như nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch.
Điều này dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài. Ông Lý Thanh Long cho hay, thời gian tới, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách; Sở TN-MT hướng dẫn UBND quận, huyện giải quyết dứt điểm các căn nhà chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án, trình UBND TPHCM giải pháp thí điểm cho tất cả đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên, ven kênh rạch được thuê, mua nhà ở xã hội để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi đề án được UBND TPHCM thông qua, thành phố sẽ tạo điều kiện để UBND quận, huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM:
Vấn đề đầu tiên đối với công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch ở TPHCM là tiền đâu? Khi phân tích một số dự án thời gian qua thì có thể nhận thấy nguồn vốn trong tầm tay là 30%, vốn trong tầm nhìn là 30% và còn lại là nguồn vốn “ngoài đường chân trời”. Từ đó cho thấy sự hạn chế nguồn lực tài chính đã ảnh hưởng lớn đến kết quả di dời nhà trên, ven kênh rạch.
Thời gian qua, TPHCM đặt ra chỉ tiêu cao nhưng thực tế công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 là di dời 20.000 căn, giai đoạn 2021-2025 di dời 6.500 căn là con số thể hiện sự tham vọng và sẽ còn nhiều thách thức phải giải quyết. Trong công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch ở TPHCM, chúng ta phải tạo lực hút để người dân di dời mạnh hơn. Cụ thể, phải đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới ít nhất là bằng nơi ở cũ thì họ mới đồng ý di dời.
Ông LÊ VĂN THÀNH, Phó Chủ tịch UBND quận 7, TPHCM:
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong việc triển khai giải tỏa, di dời nhà ven và trên kênh rạch tại địa bàn quận 7 còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, người dân không đủ điều kiện nhà ở hoặc nền tái định cư nhỏ, nhân khẩu đông; nhà qua nhiều thời kỳ, người đang ở là cháu và không có giấy tờ, khi giải quyết tái định cư, chính quyền địa phương không biết cấp cho ai. Đa số người dân nghĩ đền bù theo giá thị trường, mặc dù họ mua bán bằng giấy tờ tay qua các thời kỳ.
Thành phố cũng cần rà soát lại tính năng giao thông thủy của một số kênh, rạch để xem xét có thể điều chỉnh, mở rộng chỉ giới xây dựng, tạo thêm quỹ đất bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân. Cụ thể, dùng quỹ đất tại chỗ để phát triển kinh tế, bù lại cho hộ nghèo bị giải tỏa, di dời mà không đủ điều kiện tái định cư.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loay-hoay-di-doi-nha-tren-ven-kenh-rach-post736025.html