Loay hoay nhận diện đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước
Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và có vốn nhà nước đang lúng túng trong việc phân định loại hình vốn sở hữu nhà nước, cũng như nhận diện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại các khung quy định hiện hành. Nhiều ý kiến đề xuất, cần làm rõ các tiêu chí xác định và cụ thế hóa các quy định tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Ai là chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty cấp 2?
Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hiện nay, việc xác định định vốn chủ sở hữu nhà nước nắm giữ tại các công ty con khá rắc rối, gây lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo ông Khoa, Luật 69 quy định vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn khác được nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Nếu chiểu theo quy định này thì vốn của các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các công ty con có được coi là vốn được nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp hay không?
Nếu đúng thì các công ty này phải đồng thời tuân thủ quy định tại Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư phát triển của DNNN, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, chứ không riêng Luật 69.
Bên cạnh đó, việc xác định khái niệm quy định các DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng khá rối rắm.
Các đối tượng này bao gồm công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ/tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, theo Điều 188 - Luật Doanh nghiệp hiện hành, nhóm công ty chỉ bao gồm tập đoàn kinh tế và tổng công ty.
“Ở đây, cần làm rõ vì sao phải quy định thêm ‘nhóm công ty’ khi đã quy định tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Còn đối với công ty con có sở hữu trên 50% vốn điều lệ/tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nếu coi các công ty con do DNNN nắm cổ phần chi phối cũng là DNNN thì cần làm rõ cổ phần, vốn góp tại các công ty con đó có phải vốn nhà nước hay không”, ông Khoa nêu vấn đề.
Đại diện bộ phận Pháp chế Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đưa ra những thắc mắc tương tự về việc nhận diện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo hướng sửa đổi khái niệm DNNN tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
“Điều 87a tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định khái niệm DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và trên 50% vốn điều lệ. Vậy Nhà nước ở đây cụ thể là ai?
Phần vốn nhà nước sở hữu bao gồm những loại vốn gì? Đây là điều cần được làm rõ trong hướng sửa đổi khái niệm DNNN tại Dự thảo Luật”, đại diện SCIC nêu ý kiến.
Tương tự, tại Khoản 2, Điều 87 - Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng liệt kê DNNN bao gồm công ty mẹ, tổng công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng cần xác định rõ chủ thể nhà nước, đại diện sở hữu phần vốn nhà nước là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay một cơ quan cụ thể nào khác.
“SCIC và nhiều tổng công ty hiện đều có nhiều doanh nghiệp do SCIC sở hữu 100% vốn. Trước đây từng có một vài lãnh đạo cơ quan bộ hữu quan cho rằng đây không phải là DNNN.
Tuy nhiên, nếu xét về bản chất vốn của các doanh nghiệp cấp 2 này thì còn xứng đáng là DNNN hơn cả doanh nghiệp cổ phần có tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước trên 50%.
Vì vậy, nếu không quy định rõ chủ thể nhà nước làm đại diện sở hữu vốn, cũng như loại hình vốn, thì rất khó có thể phân định và nhận diện chính xác các tiêu chí này tại hàng loạt doanh nghiệp cấp 2 hiện nay”, đại diện SCIC lý giải.
Cũng theo quan điểm của SCIC, Luật Doanh nghiệp sửa đổi khi cụ thể hóa khái niệm DNNN cần làm rõ loại hình doanh nghiệp cấp 2 là doanh nghiệp có 100% vốn của các tổng công ty nhà nước có phải là DNNN không?
Nếu không định rõ vai trò của các doanh nghiệp cấp 2 thỉ sẽ rất khó xác định đâu là chủ thể sở hữu, cũng như loại hình của doanh nghiệp này, từ đó dẫn đến khó khăn cho việc xác định số lượng DNNN và tài sản nhà nước, bởi số doanh nghiệp loại này rất nhiều, tài sản và quy mô doanh nghiệp cũng rất lớn.
Cân nhắc ảnh hưởng kêu gọi nhà đầu tư chiến lược
Cũng theo đại diện SCIC, việc xác định các doanh nghiệp là DNNN theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần được cân nhắc kỹ, bởi có thể sẽ ảnh hưởng tới quá trình và khả năng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược khi thoái vốn.
“Hoạt động quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngoài quy định bởi Luật Doanh nghiệp thì cũng phải tuân thủ Luật 69 và các nghị định hướng dẫn, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ, phương pháp quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Hiện nay, có những điều lệ quy định ở nhiều nước là nhà đầu tư cần hạn chế hoặc thậm chí là không được tham gia vào doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 51%.
Với việc xác định doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu trên 50% là DNNN thì đâu đó cộng đồng quốc tế sẽ có cảm giác là Nhà nước không muốn tham gia kinh tế thị trường, do đó rất cần cân nhắc yếu tố này”, đại diện SCIC lưu ý.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam cũng cho rằng, khi thay đổi khái niệm DNNN thì tỷ lệ sở hữu 51% vẫn là Nhà nước chi phối, dẫn tới việc tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, trong quá trình cổ phần hóa sẽ khó khăn, bởi họ luôn muốn kiểm soát doanh nghiệp mà họ rót vốn.
Theo quan điểm của Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, trên thực tế, quy định DNNN là doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%, 60% hay 70% đã từng được tính đến, tới Luật Doanh nghiệp năm 2014 được áp dụng hiện hành đã gút lại khi quy định DNNN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Do đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng nên để khái niệm 100% vốn nhà nước là quy định bao trùm ở cấp luật cao nhất, còn việc quản lý thế nào, quy định nhà nước tham gia phần vốn ở các loại hình gì, tỷ lệ bao nhiêu thì nên để Chính phủ quy định cụ thể ở thiết chế cấp nghị định, thông tư.
“Nhà nước phải trực tiếp quản lý, bởi đã bỏ tiền ra thì dù một đồng cũng phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo việc sinh lời. Còn đối với doanh nghiệp có nhiều loại hình vốn góp, gồm nhiều thành phần khác nhau tham gia, trong đó có Nhà nước, thì cần được quyết định bởi tất cả các cổ đông, chứ không chỉ cổ đông Nà nước.
Việc cổ đông họp, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị thì không thể quy định trong Luật, bởi Luật khó có thể bao trùm tất cả, mà những quy định cụ thể này chỉ có thể quy định tại nghị định, thông tư”, đại diện cơ quan trên nhấn mạnh.
Đề xuất của Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng nhận được sự đồng tình từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, bởi theo ông Mai Anh Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở này, Luật chỉ nên quy định DNNN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, còn việc Nhà nước tham gia phần vốn bao nhiêu thì các quy định quản lý nguồn vốn nhà nước sẽ điều chỉnh cụ thể, có như vậy mới đảm bảo quản lý về mặt Nhà nước.
Liên quan vấn đề sửa đổi khái niệm DNNN trong bối cảnh hiện nay, đại diện Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, theo tinh thần chủ trương là Luật Doanh nghiệp sửa đổi phân thành 2 loại DNNN là sở hữu 100% vốn và nắm cổ phần chi phối.
Rà soát Luật Doanh nghiệp cùng các quy định hiện hành thì cũng chia thành loại hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu đa số trên 50%.
“Tuy nhiên, do quy định chưa đầy đủ, đồng bộ, nên khi sửa Luật Doanh nghiệp chúng tôi bổ sung quy định cụ thể hóa tiêu chí phần vốn, cổ phần chi phối. Song đến nay, nhiều ý kiến vẫn lo lắng về tác động của thay đổi này đến cổ phần hóa và đề xuất nâng tiêu chí chi phối trên 75% phần vốn góp, cổ phần.
Cân nhắc giữa 3 phương án là trên 65%, trên 50% và dưới 35%, chúng tôi chọn 50% là tỷ lệ ít tác động nhất tới các hệ thống luật hiện hành. Bởi các nghị định về lương cũng theo tỷ lệ 100%, trên 50% và dưới 35%. Chúng tôi rà soát thấy có 9 luật, 29 nghị định ở cấp cao nhất, có 2 luật về DNNN phải sửa để đảm bảo tương thích với thay đổi này”, ông Hiếu cho biết.