Loay hoay thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất
Ðã gần hết giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn đang loay hoay lựa chọn mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế. Việc chậm giải ngân nguồn vốn không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các đối tượng được thụ hưởng.
Bài 1: Bất cập về cơ chế, chính sách
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những nội dung quan trọng của các chương trình MTQG. Thông qua hỗ trợ sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đối tượng thụ hưởng. Song do vướng mắc về cơ chế, chính sách, cũng như sự thiếu chủ động, quyết liệt của một số địa phương dẫn đến việc triển khai các dự án còn chậm.
Năm 2023, từ nguồn vốn đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, huyện Điện Biên đã phân bổ kinh phí cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì, phối hợp với các xã lựa chọn triển khai 5 dự án hỗ trợ cộng đồng về nuôi bò và hươu sinh sản. Trong đó 3 dự án nuôi bò sinh sản, 2 dự án nuôi hươu với 158 hộ dân các xã: Mường Lói, Hẹ Muông, Mường Nhà, Na Tông... tham gia. Tổng kinh phí thực hiện hơn 4,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ triển khai được 2 dự án nuôi hươu, còn 3 dự án nuôi bò sinh sản không thực hiện được. Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Điện Biên đã phân bổ vốn trên 90,3 tỷ đồng thực hiện nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc 3 chương trình MTQG. Tuy nhiên, đến nay chưa dự án nào triển khai thực hiện.
Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Nguyên nhân do một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nội dung văn bản chưa cụ thể, thiếu đồng bộ gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy định con giống, vật nuôi phải đảm bảo các quy định của Luật Chăn nuôi chưa phù hợp với địa bàn miền núi, trong khi trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất con giống đảm bảo quy định. Các đơn vị cung ứng giống chưa đảm bảo quy định, cung cấp một số con giống chưa đúng tiêu chuẩn. Trong khi đó, công tác kiểm tra điều kiện sản xuất con giống của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, phần lớn cộng đồng thụ hưởng không thể trực tiếp đến được nơi sản xuất con giống để kiểm tra.
Năm 2023, huyện Điện Biên Đông được phân bổ 4 tỷ đồng (chuyển tiếp năm 2022 sang) từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện tiểu dự án 2, thuộc dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông xây dựng 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Tuy nhiên, chỉ triển khai thực hiện được 3 dự án hỗ trợ trồng trọt (bí xanh Tìa Dình, gạo nếp tan Luân Giói, mắc ca Pu Nhi) còn các dự án về hỗ trợ chăn nuôi không thực hiện được.
Ông Phạm Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Sau khi được giao chủ trì thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, Trung tâm đã đăng tải thông báo, thông tin rộng rãi về các dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất dự án. Song các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn không mấy mặn mà (thông báo lần thứ 4 mới có đơn vị tham gia); còn các doanh nghiệp tỉnh khác có nhu cầu tham gia thì không đáp ứng được một số điều kiện nên nhiều dự án đến nay không thực hiện được. Vì vậy, năm 2024 khi thực hiện phân bổ vốn, Trung tâm từ chối nhận giao vốn bởi không có đơn vị liên kết thực hiện.
Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, năm 2023 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được UBND huyện giao triển khai thực hiện một số nội dung trong hoạt động hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG. Tổng nguồn vốn sự nghiệp năm 2023 và nguồn chuyển tiếp năm 2022 là 7,1 tỷ đồng. Huyện cũng định hướng triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sau một thời gian thông báo, mời gọi mà không có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký thực hiện, huyện Tủa Chùa đã chuyển sang thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Song việc thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng gặp nhiều khó khăn, manh mún, hiệu quả không cao.
Bên cạnh lý do liên quan đến chính sách thì một số địa phương, nhất là cấp xã chưa quyết liệt thực hiện; một bộ phận dân cư còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quá trình triển khai, các chủ đầu tư đều vừa làm vừa đợi hướng dẫn từ cơ quan chủ quản. Một số dự án, tiểu dự án không kịp triển khai thực hiện theo tiến độ được giao do nội dung hoạt động, hỗ trợ của các chương trình MTQG liên quan đến thời vụ. Đặc biệt, vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, nhất là sau sự việc năm 2023 huyện Điện Biên phải tạm dừng các dự án hỗ trợ bò sinh sản để khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Nguồn vốn thực hiện lớn, tuy nhiên đến nay hầu hết các địa phương chưa triển khai thực hiện được các dự án hỗ trợ sản xuất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng mô hình sản xuất được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh trong hai năm (2023 - 2024) chỉ có 122 dự án liên kết sản xuất nông nghiệp và 542 dự án cộng đồng hỗ trợ cây, con giống.
Không thực hiện được đồng nghĩa với việc không thể giải ngân nguồn vốn, làm ảnh hưởng đến mục tiêu, ý nghĩa của chương trình MTQG đề ra là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong khi các hộ nghèo, cận nghèo... đang rất cần nguồn lực hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo.