Loay hoay xử lý nhà mọc trên đất bến xe
Ba năm qua, chính quyền địa phương chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng không phép, trái phép tại dự án Bến xe Đức Trọng
Khu đất Bến xe Đức Trọng rộng 4.345 m2 có mặt tiền gần 68 m trên Quốc lộ 20 qua thị trấn Liên Nghĩa là khu vực sầm uất, cách UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 1,5 km. Hiện ngôi nhà điều hành chính của bến kết hợp giữa bán vé xe với nước giải khát, trái cây. Đường nội bộ đều trong tình trạng hư hỏng.
Làm nhà ở trong bến xe
Trong phạm vi khu đất này, hàng chục công trình xây dựng bằng bê-tông theo kiểu nhà ở san sát nhau, kinh doanh các mặt hàng giải khát, cầm đồ, làm đẹp. Một góc nhỏ cuối bến xe vừa là sân chơi của vài em bé vừa là nơi phơi quần áo, tập kết giàn giáo xây dựng. Toàn bến lác đác ôtô chờ khách, vài xe tải đợi nhận hàng.
Trước năm 2009, khu đất thuộc quyền sử dụng của một doanh nghiệp. Ngày 10-12-2009, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 3055 thu hồi đất và cho Công ty TNHH Trường Sơn Xanh thuê triển khai dự án Bến xe Đức Trọng, thời gian 50 năm.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (từ năm 2008), Công ty Trường Sơn Xanh ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Gia Thành xây dựng, kinh doanh dịch vụ Bến xe Đức Trọng.
Đến ngày 14-11-2009 (trước thời điểm UBND tỉnh có quyết định cho thuê), Công ty Trường Sơn Xanh tiếp tục ký hợp đồng chuyển giao đầu tư, khai thác bến xe cho Công ty TNHH Gia Thành. Qua kiểm tra, hợp đồng này chỉ mang tính ký kết nội bộ giữa hai bên, không lập hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định.
Giai đoạn 2010-2019, Công ty TNHH Gia Thành ký hợp đồng kinh tế hợp tác đầu tư, hợp đồng thuê mặt bằng với 21 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Sau nhiều lần sang nhượng, đến nay có 19 cá nhân, tổ chức đứng tên hợp đồng và 15 hộ dân, cá nhân, tổ chức đang sử dụng mặt bằng làm nơi sinh sống, kinh doanh, đặt kho hàng…
Căn cứ hợp đồng giữa Công ty Trường Sơn Xanh với Sở Tài nguyên và Môi trường, khu đất phải được sử dụng xây dựng bến xe. Do vậy, việc sử dụng 1.382/4.345 m2 để ký hợp đồng với các hộ dân, tổ chức nêu trên là sai mục đích sử dụng đất dự án. Hiện ngoài 14 công trình xây dựng không phép, trái phép, trên khu đất còn 15 công trình có giấy phép xây dựng vì nằm trong tổng thể xây dựng bến xe.
Ngày 16-9-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 2009 thu hồi đất đã cho Công ty Trường Sơn Xanh thuê với lý do doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích và từng bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm.
Chưa phương án nào toàn vẹn
Sau khi UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, các sở, ngành và huyện Đức Trọng 3 lần mời Công ty Trường Sơn Xanh họp mới có thể bàn giao đất, sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt toàn bộ dự án Bến xe Đức Trọng. Từ thời điểm quyết định thu hồi đất đến nay, cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ dứt điểm những công trình không phép, trái phép nhưng doanh nghiệp không thực hiện.
Vấn đề nan giải sau khi thu hồi đất là có kiến nghị của các hộ dân đang sinh sống, kinh doanh tại bến xe. UBND tỉnh Lâm Đồng xác định hợp đồng giữa họ với Công ty Trường Sơn Xanh là quan hệ dân sự, cơ quan nhà nước không can thiệp. Các hộ dân thỏa thuận với Công ty Trường Sơn Xanh để giải quyết. Trường hợp không thỏa thuận được thì gửi đơn đến tòa án.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế không đơn giản. Tháng 5-2023, Phòng Tài chính và Kế hoạch UBND huyện Đức Trọng đề xuất 2 phương án xử lý dứt điểm. Trong đó, phương án 1 là giao UBND thị trấn Liên Nghĩa xây dựng phương án cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ 29 công trình trên đất của dự án.
Hướng xử lý này bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe đối với các chủ đầu tư không thực hiện cam kết, bảo đảm mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Tuy nhiên, 29 công trình này đang do 15 hộ dân, tổ chức sử dụng làm nơi ở và kinh doanh nên dễ gây đơn thư khiếu kiện, mất an ninh trật tự.
Còn phương án 2 sẽ cưỡng chế, tháo dỡ 14 công trình xây dựng không phép, trái phép và tạm thời cho tồn tại 15 công trình đã nói ở trên. Nhà đầu tư mới sẽ thỏa thuận hỗ trợ giá trị công trình hoặc hợp tác liên kết với các chủ 15 công trình để tiếp tục đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận hoặc hợp tác không thực hiện được sẽ ảnh hưởng tiến độ dự án mới, nhà đầu tư mới mất thêm thời gian, kinh phí thỏa thuận hỗ trợ giá trị công trình.
Qua phân tích, đánh giá tác động của 2 phương án, Phòng Tài chính và Kế hoạch kiến nghị UBND huyện Đức Trọng xem xét, chỉ đạo thực hiện theo phương án 2.
Đến giữa tháng 6-2023, UBND huyện Đức Trọng đã giao các phòng ban, UBND thị trấn Liên Nghĩa rà soát hồ sơ và các quy định có liên quan về thẩm quyền, báo cáo đề xuất UBND huyện xem xét xử lý dứt điểm các tồn tại ở Bến xe Đức Trọng. UBND thị trấn Liên Nghĩa được yêu cầu tiếp tục làm tường rào bằng tôn toàn bộ diện tích đất đã thu hồi với các khu đất giáp ranh để quản lý.
Giải pháp tình thế
Để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách trong thời gian xử lý các vấn đề liên quan tại Bến xe Đức Trọng, huyện Đức Trọng đã bố trí bến tại bãi đỗ xe Intershop với diện tích 1.500 m2. Trong đó, bãi đỗ ôtô chờ vào vị trí đón khách 200 m2, bãi đỗ dành cho phương tiện khác 1.000 m2 và phòng chờ 50 m2. Hiện đã có một số doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến tạm này.
Còn về lâu dài, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư đối với dự án Bến xe Đức Trọng rộng gần 2,3 ha tại khu trung tâm hành chính.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/loay-hoay-xu-ly-nha-moc-tren-dat-ben-xe-2023062121272103.htm