'Lộc biển'
Hơn 30 năm qua, năm nào làng chài ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng có những chiếc tàu về quê ăn Tết muộn. Những chiếc tàu làm nghề đánh cá chuồn ở quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) luôn bám biển xuyên Tết Nguyên đán và trở về đất liền trước ngày mùng 9 Tết để ngư dân vui Xuân với gia đình, rồi sau đó lại tiếp tục mở phiên biển mới. Ngày Xuân, ngư trường Hoàng Sa đang là vụ mùa của ngư dân đánh cá chuồn cồ.
Ngày Xuân trên sóng
Cứ còn cách Tết Nguyên đán 1 tuần lễ, đoàn tàu đánh lưới chuồn ở thôn Định Tân lại nhổ neo lên đường ra quần đảo Hoàng Sa. Còn nhớ, Tết Nguyên đán năm 2023, nhiều chiếc tàu cá đi trong nhóm của thuyền trưởng Trần Văn Sách trở về đất liền, các ngư dân chỉ vào biển số màu trắng in trên mũi tàu và nói: “Sóng gió tới mức mòn cả sơn”.
Chỉ là một sự trùng hợp, nhưng ngư dân luôn xem là "lộc biển" ban cho cuộc đời ngư phủ, đó là cứ tới ngày Xuân, từng đàn cá chuồn cồ bay là là khắp mặt biển ở vùng biển Hoàng Sa. Nghề đánh cá chuồn cồ rất khắc nghiệt, vì nếu biển động, sóng gió, ngư dân vẫn phải rời đảo đi đánh cá. Giàn lưới chuồn với những chiếc phao nhựa màu vàng lấp lóa trên sóng biển đêm. Các ngư dân miệt mài kéo lưới, người chui vào bếp nấu cơm, người làm thịt gà để cúng ông bà.
Ngư dân Trần Xề, sinh năm 1938, thuộc thế hệ ngư dân đi đánh cá chuồn từ thập niên 90 của thế kỷ trước chia sẻ, trước đây, sản lượng cá chuồn gấp nhiều lần hiện nay. Cứ ra thả lưới, kéo lên là cá đóng cứng mặt lưới, có khi ngư dân bỏ ăn, hoặc bẻ mì tôm ăn sống để kịp thời gian gỡ cá trút xuống hầm tàu.
Ngày Xuân, lúc rảnh rỗi, ngư dân lại kể chuyện nghề đánh cá chuồn ở Hoàng Sa đã có từ thời cha ông trước đây. Khoảng năm 1952, các ngư dân đi thuyền buồm ra tới gần đảo Tri Tôn đánh cá chuồn khoảng 5 ngày rồi xuôi theo gió đi 3 ngày 3 đêm trở về đất liền. Thời đó, ngư dân ở rất nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên... đều theo nghề cá chuồn cồ. Khi ra khơi, các ngư dân mang theo rơm rạ, lờ... Ngư dân thả rơm xuống trước mũi ghe, cá chuồn bu tới núp và ngư dân cứ liên tục kéo cá lên ghe, trộn với muối mặn để bảo quản.
Vì đi ghe thô sơ nên mỗi khi gặp gió, chiếc ghe phải thả xuôi hướng và trôi tự do. Vì vậy, có biết bao ngư dân thế hệ cha ông đi cá chuồn sau này trở thành lưu dân ở những vùng đất lạ, trong đó có đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Chúc Tết từ biển khơi
Trong lần gặp tại bến vào mùng 9 Tết Quý Mão 2023, ngư dân Trần Hùng, đi bạn trên tàu cá của ông Trần Văn Sách cho biết, anh và các ngư dân khác đã nhiều năm ra Hoàng Sa đánh cá chuồn xuyên Tết. 25 ngày sóng gió trên biển nên khi về đất liền, người say sóng lảo đảo. Ở gần đó, ngư dân Trần Văn Sảnh đu người và đứng lấy thăng bằng trên mặt đất rồi mới ngẩng lên nở nụ cười.
Người vợ và con gái của anh Sảnh ra tận tàu để đón người thân về nhà ăn Tết, đồng thời cũng ra xem con cá cột đuôi. Nhắc cá cột đuôi thì ai cũng cười và kể câu chuyện dài về nghề làm thêm trên tàu. Đó là trong thời gian chờ kéo lưới, các ngư dân tự giăng câu và bắt được rất nhiều cá lớn. Trên tàu có 10 ngư dân thì mỗi người đều buộc dây thắt nơ một kiểu khác nhau vào đuôi con cá để đánh dấu. Có ngư dân kiếm được gần chục triệu đồng trong những đêm thức câu cá.
Trở về đất liền, các ngư dân nhớ lại cảnh ngồi trên tàu gọi điện thoại vào bờ chúc Tết. Đó là 4 giờ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, các ngư dân trên tàu thức dậy sớm để sắp mâm cúng theo phong tục cổ truyền. Buổi sáng, thuyền trưởng gọi điện thoại về đất liền để chúc Tết gia đình và hỏi thăm người thân. Điện thoại được nối sóng thông qua Đài thông tin duyên hải miền Trung, hoặc máy giám sát hành trình có tích hợp điện thoại nên có thể gọi trực tiếp vào bờ. Nghe tiếng nói thân thương từ đất liền, ngư dân như được tiếp thêm sức mạnh để bám biển, làm nên những chuyến biển thành công ngoài mong đợi.
"Lộc biển" đầu năm
Tháng chạp, cá chuồn cồ bay khắp mặt biển. Cá chuồn đánh bắt gần bờ là loại cá chuồn rắc, cá nhỏ, nhiều xương. Còn cá chuồn cồ chỉ xuất hiện ở những vùng biển cách đất liền trên 100 hải lý. Cá chuồn cồ to như bắp tay, màu da xanh và láng mướt, ít xương, cánh chuồn dài, mắt sáng lóng lánh. Bình quân 4 con cá chuồn cồ có trọng lượng khoảng 1kg.
Ngày Xuân, các ngư dân trở về đất liền, nâng cốc bia đón Tết muộn và kể lại, nơi nào có cá chuồn, hải âu chao lượn khắp mặt biển, thiên địch của cá chuồn là cá chủa lao nhanh như mũi tên. Để tránh cá chủa, cá chuồn cồ bơi nhanh và bay rất xa nhờ có đôi vây dài. Nhưng khi cá chuồn bay trên không trung thì lại bị chim hải âu săn đuổi. Đó là một bức tranh rất hấp dẫn diễn ra giữa ban ngày ở biển cả.
Cá chuồn cồ thường xuất hiện vào dịp cuối năm và chỉ sau 4 tháng là mãn mùa. Tết là thời điểm chính của vụ mùa cá chuồn khơi. Vì vậy, nhiều tàu cá ở thôn Định Tân đã chấp nhận ra biển đánh cá hết Tết mới trở về đất liền. Vài năm trước đây, cá chuồn chỉ có giá 25.000 đồng/kg, sau tăng lên 45.000 đồng/kg. Cá càng hiếm thì giá càng tăng, giá cá chuồn hiện nay ra tới chợ đã lên tới gần 100.000 đồng/kg.
Ngư dân làng chài Định Tân năm nào cũng đón Tết muộn, nhưng khi vào bờ, các ngư dân được hưởng niềm vui trọn vẹn, do giá cá ngày Xuân bán rất cao và năm nào biển cũng ban tặng cho ngư dân đầy ắp lộc Xuân.
Cá chuồn đã đi vào thơ ca từ bao đời nay, như: “Trăm mâm cẩn sui, không bằng cái mui cá chuồn”. Các lão ngư dân khi nghe đọc 2 câu này đều bật cười vì sự so sánh dí dỏm, rằng trăm mâm mang biếu cho sui gia hai bên nhưng lại được so sánh với cái mui con cá chuồn.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loc-bien-post472425.html