Thời gian qua, bộ phim Lộc đỉnh ký 2020 lên sóng và nhận về vô số chỉ trích của khán giả từ nội dung kịch bản cho đến diễn xuất của dàn nam nữ chính. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng bị phê bình mắc lỗi kỹ xảo, dùng hiệu ứng rởm. Nốt ruồi trên trán thái hậu bị chê "giả trân", được thêm vào nhờ công nghệ photoshop lạc hậu.
Để tiết kiệm chi phí thuê diễn viên quần chúng, ê-kíp Trường An Nặc chọn cách sử dụng kỹ xảo 2D. Binh lính trên chiến trường bị khán giả chê "mỏng như giấy" và "giả đến mức không thể giả hơn".
Tam thiên nha sát vừa khiến khán giả sợ hãi vừa buồn cười vì tổ hậu đài sử dụng kỹ xảo AI, ghép mặt quá vụng về và cẩu thả, vô tình biến tác phẩm ngôn tình trở thành phim kinh dị. Diễn viên Trương Đình Đình bị nhận xét như "hồn ma".
Hoa bỉ ngạn của Lâm Duẫn và Tống Uy Long chỉ nhận được 3,2/10 điểm chất lượng trên trang đánh giá Douban sau khi phát sóng. Ngoài nội dung phim nhạt nhẽo, diễn xuất hời hợt của dàn diễn viên chính, kỹ xảo kém và cả màu sắc phim được xử lý theo kiểu "phim tài liệu" nhuốm màu buồn thương khiến khán giả chán nản. Hiệu ứng của Hoa bỉ ngạn bị chê kém thẩm mỹ, thô sơ như thời đồ đá.
Tân Bạch Nương tử truyền kỳ bị khán giả chê bai vì lạm dụng kỹ xảo khiến bộ phim không còn giữ được chất cổ trang. Các diễn viên trong phim bị nhân viên hậu kỳ "phù phép" trắng bệch, trông ai cũng giống như tượng sáp. Không chỉ vậy, bối cảnh ảo của Tân Bạch Nương tử truyền kỳ còn trở thành trò cười vì quá tệ. Cảnh "Bạch Xà" Cúc Tịnh Y tắm tiên bị chê giả như phông cảnh trong lịch treo tường vào thập niên 1980.
Cô phương bất tự thưởng là bộ phim truyền hình được đánh giá là dở nhất năm 2017 một phần là vì kỹ xảo kém cỏi. Tác phẩm của Angelababy và Chung Hán Lương bị đánh giá lạm dụng phông nền "máy tính" từ cảnh đánh nhau cho đến cảnh tình cảm khiến cảnh phim trở nên bóng bẩy, ảo diệu.
Cảnh cắt thái trong Trù duyên được miêu tả quá đà. Màn phô diễn tay nghề bếp núc thượng thừa bị chê giả như bị ghép vào từ phim hoạt hình hay game nấu nướng cho trẻ em trên mạng.
"Chưa đến phút 90 chưa ngã ngũ" là câu nói khán giả dành tặng đoàn làm phim Mộ Bạch Thủ. Tác phẩm là dự án cổ trang hiếm hoi được khen chỉn chu trong công tác ngoại cảnh, ít mặc lỗi hậu kỳ. Tuy nhiên, Mộ Bạch Thủ cuối cùng lại gây thất vọng vì cảnh kỹ xảo tệ hại. Cảnh bay qua bay lại trong lúc đánh nhau của Mặc Huyễn (Lâm Nguyên thể hiện) bị nhận xét không khác gì bóng ma trong phim kinh dị. "Một cảnh hỏng đã phá hủy hết công sức của đoàn phim", Sina bình luận.
Cảnh đụng xe gượng gạo và "giả đến phát hờn" từ bối cảnh, kỹ xảo quay chậm cho đến diễn xuất của diễn viên trong My Ruby My Blood.
Tác phẩm Shining Days khiến khán giả không thể nhịn cười vì "kỹ xảo không đáng 3 xu". QQ cho rằng cảnh quay trau chuốt trong bộ phim không đạt được hiệu quả, thậm chí còn bị khán giả đánh giá là: "Thời nào rồi mà còn thực hiện cảnh đụng xe và ói máu giả như hơn 10 năm trước như vậy".
Là tác phẩm hiện đại, song không ít khán giả sau khi xem Love of Aurora đều nghĩ rằng bản thân đang thưởng thức một tác phẩm khoa học viễn tưởng. Phim có nhiều cảnh quay phi logic, bất chấp quy luật vật lý trên Trái Đất.
Hoa khôi học đường và chân dài bị gọi là bản nhái kém chất lượng của Vườn sao băng. Tác phẩm chiếu mạng này có mô típ lọ lem - hoàng tử. Chuyện phim xoay quanh một cô gái xinh đẹp được nhiều hot boy săn đón khi nhập học ở một học viện hoàng gia dành cho giới con nhà giàu. Nội dung nói về cuộc sống thượng lưu song bối cảnh trong phim đều được ê-kíp cắt ghép từ hình ảnh sẵn có trên mạng khiến khán giả "dở khóc dở cười". Dư luận cho rằng Hoa khôi học đường và chân dài là ê-kíp nghèo nhất showbiz Hoa ngữ. Không chỉ "ăn cắp" bối cảnh, diễn viên phụ trong cả phim cũng chỉ có vỏn vẹn 4 người.
Di Hy