Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến trả cổ tức, thưởng cổ phiếu tổng tỷ lệ 61,5%

Phương án tăng vốn điều lệ lên tới 50.073 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết việc tăng vốn là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh công ty đang triển khai nhiều dự án, nhất là dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết việc tăng vốn là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh công ty đang triển khai nhiều dự án, nhất là dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) vừa cho biết, phương án tăng vốn điều lệ lên 50.073 tỷ đồng đã được công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thông qua. Petrovietnam đang nắm giữ 92,13% vốn điều lệ của Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Hiện kế hoạch tăng vốn của Lọc hóa dầu Bình Sơn đang được trình lên các cấp cao hơn, kỳ vọng sẽ được chấp thuận trước quý 1/2025. Nếu được chấp thuận, công ty dự kiến sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ thực hiện quyền là 61,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu BSR sẽ được nhận 61,5 cổ phiếu mới.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết việc tăng vốn là nhu cầu cấp thiết để triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của công ty.

Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư là 1,489 tỷ USD nhằm nâng công suất của nhà máy thêm gần 16%, đạt 171.000 thùng/ngày. Dự án dự kiến được triển khai trong vòng 37 tháng, đưa vào vận hành quý 1/2028. Về vấn đề tài chính, dự án được triển khai theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 60/40.

Đáng chú ý, ngày 12/12 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) đã chấp thuận niêm yết đối với 3,1 tỷ cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Cổ phiếu BSR có thể chính thức giao dịch trên HoSE vào ngày 17/1/2025.

Giá tham chiếu của cổ phiếu BSR trên HoSE trong phiên giao dịch đầu tiên được xác định bằng bình quân giá đóng cửa 30 phiên giao dịch liên tiếp cuối cùng của cổ phiếu BSR trên sàn UPCoM.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Một số tổ chức tài chính nhận định động thái tăng vốn điều lệ của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong thời gian tới sẽ góp phần củng cố vị thế của doanh nghiệp này trên HoSE. Cùng với đó, việc được niêm yết trên HoSE cũng giúp gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của cổ phiếu BSR, từ đó giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong & ngoài nước và hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Chứng khoán MB, trước đây có nhiều cổ phiếu sau khi chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE đã ghi nhận mức tăng trưởng giá tích cực. Cụ thể, chỉ số P/B của cổ phiếu VTP - Viettel Post đã tăng 58,5%, VIB - Ngân hàng VIB tăng 92%, và PGV - Tổng Công ty Phát điện 3 tăng 108%. Theo đó, cổ phiếu BSR có thể sẽ có mức tăng trưởng hấp dẫn sau khi “chuyển nhà”.

Hãng Chứng khoán BIDV nhận định việc niêm yết trên HoSE sẽ giúp cổ phiếu BSR có cơ hội được đưa vào rổ chỉ số VN30 trong vòng 6 tháng tiếp theo nếu đáp ứng về tỷ lệ free float, thanh khoản, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch và vốn hóa trung bình 12 tháng gần nhất.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/loc-hoa-dau-binh-son--bsr--du-kien-tra-co-tuc--thuong-co-phieu-tong-ty-le-61-5-131843.htm