Lộc Ninh tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong tình hình dịch

Thời điểm này, nông dân các xã của huyện biên giới Lộc Ninh đang bước vào thời điểm thu hoạch, xuất bán nhiều mặt hàng nông sản, chăn nuôi. Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, nhiều nông hộ ở đây đang 'đứng ngồi không yên' vì hàng hóa, nông sản làm ra không có nơi tiêu thụ…

Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh (giữa) thăm hỏi tình hình vườn nhãn của hộ ông Đào Xuân Phong

Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh (giữa) thăm hỏi tình hình vườn nhãn của hộ ông Đào Xuân Phong

Gia đình ông Đào Xuân Phong ở ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh có 1,5 ha đất trồng nhãn tiêu da bò, với trên 700 cây đang vào mùa trái chín. Những năm trước, vào vụ thu hoạch, thương lái tìm đến vườn thu mua với giá rất cao, từ 15 đến 23 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nhãn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các vựa nhãn trên địa bàn huyện chỉ thu mua với giá từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg và với số lượng nhỏ giọt. Trong khi tiền thuê nhân công thu hoạch cao, cộng với các khoản chi phí cắt tỉa, đóng gói khiến nhiều nông hộ “đứng ngồi không yên”.

Ông Đặng Bá Thụy, ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh buồn bã thu gom những trái nhãn đã chín rụng trên mặt đất

Ông Đặng Bá Thụy, ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh buồn bã thu gom những trái nhãn đã chín rụng trên mặt đất

Đưa chúng tôi dạo quanh vườn nhãn sai trĩu quả, ông Phong nói: “Năm nay năng suất nhãn đạt cao nhưng niềm vui chưa trọn vì không có đầu ra cho sản phẩm và bị thương lái ép giá. Hiện nay, giá nhãn tại vườn chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, trong khi chi phí đầu tư, công thu hái, chăm sóc rất cao nên tính ra không còn là bao”.

Xã Lộc Thịnh được xem là một trong những địa phương đi đầu ở huyện Lộc Ninh trong việc đưa cây nhãn vào phát triển kinh tế, với trên 25 ha, trung bình mỗi năm thu trên 700 tấn nhãn. Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng nhãn tiêu da bò, nhãn Thái với sản lượng trên 200 tấn đã quá ngày thu hoạch nhưng chưa có người mua. Trái chín rụng đầy vườn. Các hộ dân nơi đây cho biết, cắt bỏ thì uổng mà thu hoạch không được bao nhiêu.

Hiện tại, giá nhãn bán cho thương lái từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm trước

Hiện tại, giá nhãn bán cho thương lái từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm trước

Mỗi ngày nhìn những trái nhãn chín rụng đầy vườn, ông Đặng Bá Thụy cùng ở ấp Cần Lê buồn bã nói: “Tôi có khoảng 20 tấn nhãn đã đến kỳ thu hoạch, nếu khoảng 10 ngày nữa, thương lái không vào mua thì có nguy cơ mất trắng. Mùa vụ năm nay, tôi đã đầu tư vào vườn này khoảng 80 triệu đồng, chưa tính nhân công thu hoạch. Bây giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước có giải pháp vừa chống dịch vừa tạo điều kiện để chúng tôi tiêu thụ nông sản”.

Không riêng các hộ trồng cây ăn trái, người chăn nuôi tại các xã của huyện Lộc Ninh cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trại vịt siêu thịt của chị Bùi Thị Hòe ở ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh hiện có hơn 2.000 con, trọng lượng từ 3kg trở lên đã quá ngày xuất chuồng nhưng chưa biết bán đi đâu. Trước đây, chị Hòe thường bán cho thương lái ở các tỉnh Long An, Đồng Nai, nay vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên thương lái không đến thu mua.

Người nuôi vịt ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh “hụt hơi” vì thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm

Người nuôi vịt ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh “hụt hơi” vì thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm

Điều kiện kinh tế khó khăn, 200 triệu đồng đầu tư mua con giống, chăm sóc, đến nay chưa bán được trong khi chi phí mỗi ngày một lớn. Chị Hòe cho biết: “Rất nhiều hộ chăn nuôi trong xã có chung tình cảnh như gia đình tôi. Đi bán lẻ thì không đủ tiền mua cám nên hầu hết đang phải nuôi cầm chừng. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền và ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ đầu ra kịp thời để cứu vãn đồng vốn”.

Hội Nông dân huyện sẽ kiến nghị tổ chức hội ở tỉnh và Trung ương có giải pháp hỗ trợ nông dân vận chuyển tiêu thụ nông sản. Hội cũng khuyến nghị người dân trái chín đến đâu thu hoạch đến đó, không nhất thiết phải bán một lúc hết tất cả sản phẩm, mà được giá đến đâu bán đến đó để nhanh chóng thu hồi vốn.

Ông LÊ KHẮC PHÚ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh

Hiện nay, việc kết nối tiêu thụ nông sản đang được chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể huyện Lộc Ninh phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện. Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết:Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của người dân. Do vậy, Hội nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp hội rà soát những sản phẩm nông nghiệp của người dân đến kỳ thu hoạch mà chưa tiêu thụ được, để tổng hợp báo cáo lãnh đạo huyện có chủ trương hỗ trợ kịp thời.

Thanh Tuyền - Thu Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/126080/loc-ninh-tim-dau-ra-cho-san-pham-nong-nghiep-trong-tinh-hinh-dich