Lộc Tân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những nghề chủ lực đã mang lại sinh kế ổn định cho người dân xã Lộc Tân (Bảo Lâm). Hiện địa phương đang định hướng phát triển làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Dâu tằm đã mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào DTTS

Dâu tằm đã mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào DTTS

Theo ông K’Nhiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, mặc dù xảy ra nhiều biến cố thăng trầm, nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã vẫn duy trì và phát triển ổn định. Cùng với chè và cà phê thì dâu tằm là nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Ngoài canh tác chè, cà phê, toàn xã hiện có trên 200 ha đất trồng dâu để phát triển nghề nuôi tằm. Đến nay, nhiều diện tích đã được người dân chuyển đổi, đầu tư trồng giống dâu cao sản cho năng suất cao. Bên cạnh đó, do được tiếp cận với kiến thức khoa học - kỹ thuật, nên người dân có nhiều thuận lợi trong sản xuất. Do có nhiều ưu điểm riêng so với một số ngành nghề khác như số vốn đầu tư ban đầu ít, thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao…, nên nghề trồng dâu, nuôi tằm đã thu hút ngày càng nhiều hộ dân lựa chọn. Chị Ka Tré ở Thôn 2 bày tỏ: “Nếu như trước kia khó khăn nhiều mặt thì hiện nay người nuôi tằm gặp rất nhiều thuận lợi từ giống dâu cao sản đến nơi cung cấp tằm con và phương pháp nuôi mới. Hơn nữa, giá cả kén tằm trên thị trường khá ổn định nên nhiều hộ đã mạnh dạn lựa chọn và gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm cho đến nay”.

Xã Lộc Tân hiện có khoảng 1.800 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 68% dân số và được xem là một trong những xã của huyện Bảo Lâm phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm. Cũng theo ông K’Nhiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, để góp phần xóa đói giảm nghèo, sau những năm nông trường dâu tằm tơ giải thể, các cấp chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân; đồng thời triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào tiếp tục trồng dâu, nuôi tằm. Cụ thể, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí về cây giống, các nông cụ phục vụ nuôi tằm, còn hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ đối ứng 50% kinh phí… Nhờ vậy, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Lộc Tân phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân.

Thôn 1 hiện có trên 100 hộ dân, đến nay đã có trên 10 hộ đồng bào DTTS theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. Từ khi trồng dâu nuôi tằm, có hộ đã tăng thêm thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cuộc sống đã từng bước được ổn định, họ không còn cảnh đi làm thuê, làm mướn như trước kia. Điển hình hộ già làng K’Mét từng nhiều năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sau thời gian gián đoạn, năm 2014, già K’Mét đã quyết định chuyển đổi 9 sào đất trong số diện tích trên 1,5 ha chè, cà phê để phát triển trồng dâu, nuôi tằm. Với 9 sào dâu, khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19, có những tháng cao điểm gia đình già nuôi lên đến 6 hộp tằm con/tháng (nuôi 2 đợt), thu khoảng 15 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí. Không riêng gì hộ già K’Mét, K’Àng…, từ chè, cà phê và nhất là trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân đã có của ăn, của để, đầu tư cho con cái ăn học và xây dựng ngôi nhà khá khang trang.

Còn ông Vũ Văn Sơn ở Thôn 4 được coi là một trong những hộ nuôi tằm lâu năm ở xã Lộc Tân. Thấy được những khó khăn của người trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, nhất là nguồn cung cấp giống tằm con, đầu ra sản phẩm, bị tư thương ép giá…, nên ông Vũ Văn Sơn đã quyết định thành lập Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn.

Ông Vũ Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn, cho biết: “Năm 1994, mặc dù nông trường dâu tằm tơ trong vùng giải thể, nhưng gia đình tôi vẫn duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm. Khi nghề trồng dâu, nuôi tằm được vực dậy trở lại, năm 2014, tôi quyết định thành lập Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn nhằm liên kết 4 nhà (nhà kinh doanh - nhà cung cấp tằm con - nhà tiêu thụ sản phẩm - nhà nông)”.

Sau hơn 6 năm thành lập, từ 89 tổ viên ban đầu, đến nay Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn đã phát triển lên đến 258 hội viên, trong đó đồng bào DTTS chiếm 70%. Ngoài nhiệm vụ cung cấp giống tằm con, nhận thu mua kén, hằng năm tổ hợp tác còn tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho các thành viên; chia sẻ thông tin giá cả thị trường và cung ứng phân bón, nông cụ trong sản xuất...

Với trên 200 ha vùng nguyên liệu, hằng tháng bình quân tổ hợp tác cung cấp cho thị trường 58 tấn kén/năm. Từ tơ lụa, ông Vũ Văn Sơn đã sản xuất ra các mặt hàng sản phẩm cao cấp như: vải lụa, chăn, mền, gối… cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nhật Bản, Canada và đang xúc tiến đến với thị trường Thái Lan…

Để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển ổn định, bền vững và trở thành một trong những nghề sản xuất nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn đã có định hướng xây dựng và phát triển làng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Bên cạnh tập trung xây dựng, duy trì phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo tính liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, thời gian qua, ông Vũ Văn Sơn đã đầu tư mở rộng khu nhà xưởng, cơ khí lên 250 m2, tự sáng chế giàn, giá đỡ để tằm tự dệt; đồng thời xây dựng khu xưởng ươm tơ, khu tằm tự dệt, khu nhà trưng bày, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho du khách và người dân địa phương đến tham quan.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/loc-tan-phat-trien-nghe-trong-dau-nuoi-tam-3033917/