Lộc trời dưới đỉnh Ngọc Linh
Tò mò về ngôi làng tỷ phú sâm Ngọc Linh thúc hối chúng tôi lên đường tìm về Trà Linh, xã xa nhất thuộc Nam Trà My - huyện miền núi cao nhất thuộc tỉnh Quảng Nam trong những ngày đầu xuân.
Tạ ơn rừng già
Sườn Đông dãy Ngọc Linh độ cao 1.487m so với mực nước biển. Những liếp sâm phủ lá mục, lặng thinh dưới tán rừng già. Sâm đang “ngủ đông”. Giấc dài, từ tháng 10, lúc sâm bắt đầu rũ lá, trôi đến tháng 3 năm sau. Dưới lớp đất mùn, sâm vẫn sinh sôi. Dưỡng củ, người dân chủ động cắt lá sâm, lại có thêm thu nhập. Lá tươi giá 15 triệu đồng/ký.
Thức giấc, củ sâm trổ thêm một đốt. Bao nhiêu đốt, sâm bấy nhiêu tuổi. Sâm càng già, càng cho nhiều hạt. Đong lon sữa bò, giá trên trăm triệu. Riêng củ sâm, giá bán lại tính theo trọng lượng. Hàng 1, tức 1 lạng/củ, thị giá 22 triệu đồng. Nhưng những củ 2 lạng, 3 lạng… giá nhấc lên theo cấp số nhân. Nhờ sâm, nhiều gia đình đổi đời.
“Xã gồm 728 hộ, trong đó có 100 hộ là tỷ phú”, Phó chủ tịch xã Trà Linh Hồ Văn Dang cho biết phần lớn tập trung trên nóc Tắk Lang, thôn 3. Đường lên đổ bê tông, xe hơi leo tới nơi. “Danh sách tỷ phú gồm những hộ có tài sản từ 10 tỷ đến mấy trăm tỷ đồng”, Hồ Văn Dang bổ sung.
Thêm củi vào bếp lửa như muốn xua bớt cái lạnh cho khách đường xa, già Hồ Văn Thành nhớ lại: “Hồi ấy, khổ lắm. Làng nhiều nhà tạm”. Thiếu ăn, thiếu mặc. Trai tráng ly hương, làm phụ hồ. Quãng “hồi ấy” trong ký ức già Thành hóa ra mới hơn chục năm chớ nhiêu. Sâm gọi người trở về làng.
Nhà nhà “vịn sâm mà đứng dậy”. Người chưa có vườn thì làm công nhật. Thù lao trả bằng cây giống, 5 hoặc 10 cây, tùy theo tuổi. Giá cây giống 1 năm tuổi dao động trong khoảng 300 đến 350 ngàn đồng, thu nhập bèo một ngày không dưới triệu rưỡi. “Giá lao động phổ thông đáng mơ ước so với dưới xuôi liệu có tạo nên dòng chảy ngược lao động di cư?”, tôi hỏi Đặng Ngọc Châu, cán bộ thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Nam Trà My.
Đưa mắt về phía một cậu bé ở trần bật nhảy tanh tách ở sân bóng chuyền rìa đền thờ “thần sâm”, Châu nhận xét: “E rằng chỉ những con người sinh ra, lớn lên ở đây mới chịu nổi cái lạnh đại ngàn”. Điều kiện thời tiết vô hình trung trở thành một rào cản tự nhiên khiến người ngoài khó thể thuộc về tán rừng này.
“Láng giềng sắm cái xe mới, vừa mắt, có thể thỏa thuận giao dịch bằng sâm”, Châu gợi chuyện. Chưa dừng lại ở hình thái của vật ngang giá, sâm góp phần hình thành nếp văn hóa mới. Chừng 7 năm trở lại đây, vài ba gốc sâm trở thành quà mừng phổ biến trong những dịp sinh nhật của con trẻ. Cha mẹ đứa bé có nghĩa vụ chăm sóc quà mừng. Hoa lợi tuyệt đối không được đụng tới. Cây cho bao nhiêu hạt, cha mẹ gieo trồng bấy nhiêu. Quà mừng sinh sôi theo năm tháng. Vòng lặp chỉ dừng lại khi đứa trẻ đến tuổi 18, đủ trưởng thành để tiếp nhận khối tài sản sống. Tháng 9.2020, đồng bào Xê Đăng long trọng tổ chức lễ rước “thần sâm” Ngọc Linh về ngôi đền mới dựng tại thôn 2, xã Trà Linh. Lòng biết ơn dựng thành tín ngưỡng.
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng dưới những tán rừng già. Mang ơn đại ngàn, nhiều người tự nguyện mang cây trồng lại những diện tích rừng đã mất, vừa là di sản cho những thế hệ tương lai, vừa góp phần giữ đất vì sự an nguy của cả cộng đồng. Thêm rừng, thêm sự sống.
Nhiều sông suối, cấu tạo địa hình dốc 25 độ trên 80% diện tích khiến Nam Trà My dễ bị tổn thương bởi thiên tai, diễn biến ngày càng khó lường. Địa hình bất lợi lại là tài nguyên trong mắt những nhà đầu tư thủy điện, điển hình là Sông Tranh 1 cách nay nhiều năm. Lo ngại dự án triển khai sẽ tác động đến đất sản xuất cùng tuyến đường huyết mạch về trung tâm huyện, đồng thời hủy hoại hệ sinh thái rừng đặc dụng khu vực thác 5 tầng, Thường vụ Huyện ủy thống nhất quan điểm thuyết phục cấp trên chấp thuận dừng dự án từng được bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa của tỉnh Quảng Nam.
Phiên chợ “sâm Việt Nam”
Sâm Ngọc Linh xác lập giá trị khiến sâm giả sâm Ngọc Linh ùa ra thị trường, bủa vây người tiêu dùng. Sâm bán thô, không bao bì nhãn mác nguồn gốc xuất xứ, người mua dễ lầm. Người bán thì không. Tình trạng thông tin bất cân xứng về phẩm cấp hàng hóa giữa người mua và người bán được nhận dạng như một loại thất bại thị trường, trực tiếp đe dọa thương hiệu sâm Ngọc Linh. Hàng giả cạnh tranh bằng giá. Theo thời gian, giả sâm “đảo khách vi chủ”, chiều chuộng mức sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng. Người trồng sâm thiệt thua. Người mua cũng thua.
Trong nguy có cơ. Tháng 10.2017, chính quyền Nam Trà My tổ chức phiên chợ sâm đầu tiên, đánh dấu hoạt động thương mại định kỳ hằng tháng. Công bố danh sách tổ thẩm định sâm gồm những thành viên dạn dày kinh nghiệm, lãnh đạo địa phương tuyên bố chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng hàng hóa giao dịch trong chợ. Cam kết đủ mạnh hút khách từ Bắc chí Nam. Hơn bốn năm kể từ phiên chợ đầu tiên, thị giá sâm Ngọc Linh đã tăng gấp đôi. Nhân dân phấn khởi.
Đến nay, Quảng Nam trồng được 10 ngàn hécta trong tổng số 16 ngàn hécta diện tích đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh.
Màu sắc địa phương là đặc tính của tài nguyên bản địa. Tuy nhiên, những năm gần đây, Quảng Nam nỗ lực truyền thông sâm Ngọc Linh kèm danh tự sâm Việt Nam. Bí thư huyện ủy Lê Thanh Hưng nói: “Chúng tôi cho rằng sâm Ngọc Linh không phải của riêng Nam Trà My, hay rộng hơn là Quảng Nam. Kho báu này thuộc về quốc gia, xứng đáng với tầm vóc quốc gia”.
Góc nhìn vượt khỏi địa giới hành chính định vị lợi thế cạnh tranh còn lại của Nam Trà My, khuyến khích đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như công nghiệp chế biến, mở rộng, nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng còn nhiều dư địa. Ngoài sâm, sườn Đông dãy Ngọc Linh còn là không gian sinh tồn lý tưởng của nhiều cây thuốc quý, có thể kể đến quế Trà My, giảo cổ lam, đẳng sâm (sâm nam), sa nhân, ba kích tím, lan kim tuyến (lan gấm)…
Vườn dược liệu quốc gia, tại sao không?
Bài: Thượng Tùng - Ảnh: TLH
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/loc-troi-duoi-dinh-ngoc-linh-33893.html