Lốc xoáy làm tốc mái hàng chục nhà dân ở Quảng Ngãi
Mưa lớn kèm lốc xoáy bất ngờ ập tới khiến 17 nhà dân ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị tốc mái, hư hỏng. Rất may không có thiệt hại về người.
Chiều 10/10, Văn phòng UBND huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra trận lốc xoáy làm 17 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Theo đó, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/10, tại xóm 4, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh đã xảy ra lốc xoáy kèm mưa lớn khiến 17 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, cây cối ngã đổ. Rất may không có thiệt hại về người.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Tịnh Hiệp khẩn trương huy động lực lượng xung kích hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước mắt, tập trung dọn dẹp tài sản bị ướt, lợp lại mái nhà bị tốc để bà con có chỗ ở.
Ông Nguyễn Ngọc Trân - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết, từ trưa ngày 10/10, giao thông ở nhiều tuyến đường ở huyện bị ách tắc, gián đoạn do đất đá, cây cối sạt, đổ ngã chắn ngang đường.
“Huyện đã sẵn sàng lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở. Tuy nhiên, do mưa quá lớn công tác ứng phó sự cố sạt lở, thông đường chưa thể triển khai ngay được”, ông Trân nói thêm.
Còn tại huyện Trà Bồng xuất hiện rất nhiều điểm sạt lở núi, khiến việc lưu thông ở nhiều điểm bị ách tắc. Chính quyền cũng chuẩn bị triển khai các phương án di dời ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, đến nơi an toàn.
Còn tại huyện Nghĩa Hành, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường chính và khu dân cư ở xã Hành Tín Tây và Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, bị ngập sâu hơn 0,5 m, gây chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Các tuyến đường từ trung tâm huyện Nghĩa Hành về các xã cũng bị chia cắt do nước lũ gây ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Mực nước sông Vệ và sông Phước Giang đã vượt mức báo động 3. Trước tình hình này, huyện Nghĩa Hành đã sơ tán khoảng 84 hộ dân với hơn 139 nhân khẩu đến nơi tránh lũ an toàn.
Trong khi đó, tại thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi mực nước lũ trên sông Trà Câu đã vượt mức báo động 3 gây ngập sâu nhiều khu dân cư từ 0,5 đến 1 m. Ông Võ Minh Vương, Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho hay địa phương đã huy động lực lượng dân quân hỗ trợ đưa hơn 300 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu ở vùng ngập lụt đến nơi tránh lũ.
"Nước lũ đang dâng nhanh, chúng tôi đi ca nô kiểm tra từng khu dân cư để kịp thời hỗ trợ, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân từ vùng trũng thấp lên vùng cao an toàn", ông Vương nói.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, trong 24 giờ qua, khu vực Quảng Ngãi có mưa rất to và dông nhiều nơi; với lượng mưa (tính từ 19 giờ ngày 9/10 đến 15 giờ ngày 10/10) phổ biến 150 - 350 mm, riêng Sơn Giang 369,6mm; Sơn Kỳ (Sơn Hà) 386,8mm, lưu vực hồ Núi Ngang 407mm, Trà Hiệp (Trà Bồng) 461mm.
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, chiều 10/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động biện pháp ứng phó.
Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển báo và ngăn cấm người dân đi qua các khu vực nguy hiểm.
Quảng Ngãi tạm hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để ứng phó mưa, lũ
Chiều 10/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố theo thực tế, các địa phương đang có mưa, lũ diễn biến phức tạp tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung vào công tác phòng, chống mưa, lũ từ 17 giờ ngày 10/10.
Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn… Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Sở GD&ĐT tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ. Chủ động thông báo cho các cơ sở giáo dục bảo đảm an toàn tính mạng, đặc biệt là các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất….