Logistics chuyển đổi để bứt phá
Với xu thế hội nhập, thương mại quốc tế ngày càng phát triển, ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”, sáng 2/12.
Logistics - huyết mạch của nền kinh tế
Tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN. Trong 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 6.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 36.550 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28.900 lao động, tăng 13,5% về số doanh nghiệp, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hóa tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), cùng 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm 90% GDP toàn cầu); kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chí phí logistics còn cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; quy mô của ngành so với quy mô GDP Việt Nam và quy mô ngành logistics toàn cầu (lên tới 9.000 tỷ USD) còn hạn chế. Nguồn nhân lực còn yếu và thiếu; doanh nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn hạn chế; hạ tầng logistics còn lạc hậu.
Đánh giá vai trò, tiềm năng phát triển logistics, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, nhận thức về phát triển logistics ở Việt Nam được nâng lên; khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách được tiếp tục hoàn thiện. Hạ tầng logistics phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, thúc đẩy cơ cấu hợp lý, kết nối hài hòa các phương thức vận tải, bao gồm hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, hạ tầng điện, sóng Internet… Phát triển logistics có xu hướng tích cực hơn, phát huy đa dạng các phương thức vận tải, giảm dần phụ thuộc vào vận tải bằng đường bộ; phát triển nhân lực được đẩy mạnh, nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về logistics của Việt Nam được cải thiện…
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, tồn tại trong phát triển như nhận thức vai trò của logistics trong việc xây dựng Việt Nam thành trung chuyển hàng hóa của thế giới còn hạn chế; chi phí logistics tại Việt Nam còn cao.
Quy mô ngành logistics so với quy mô nền kinh tế, thị trường và so với thế giới còn thấp; nhân lực quản lý nhà nước về logistics còn thiếu và yếu. Doanh nghiệp logistics phát triển chưa mạnh, thiếu cơ chế; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn thiếu; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xử lý cả chuỗi logistics chưa nhiều..
3 mục tiêu, 7 giải phát triển
Theo Thủ tướng, thời gian tới, với xu thế hội nhập, thương mại quốc tế sẽ ngày càng phát triển. Ở trong nước, kỷ nguyên phát triển mới và việc đẩy mạnh khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, chuyển đổi số, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistics, giảm thời gian, chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu và 7 nhiệm vụ cho phát triển logistics. Trước hết, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của logistics trong quá trình phát triển đất nước, nhất là với Việt Nam là trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng khắc biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Đột phá về thể chế, hoàn thiện thể chế để ngành logistics phát triển đúng theo 3 mục tiêu, góp phần đưa đất nước đạt tăng trưởng 2 con số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.
Phát triển hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trong đó phải đẩy mạnh, phát triển hàng không, hàng hải, đường sắt tốc độ cao.
Xây dựng quản trị thông minh, nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ngoại giao logistics đồng phải đẩy mạnh, hiện đại hóa logistics trong nội địa.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tập trung xây dựng quốc gia thương mại tự do; hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; xây dựng các khu thương mại tự do quốc tế.
Nhấn mạnh, Chính phủ với vai trò kiến tạo, tập trung xây dựng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tạo cơ chế huy động nguồn lực, tạo môi trường phát triển và thiết kế công cụ giám sát kiểm tra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng tính chủ động, tự lực, tự cường, tự chủ trong phát triển logistics, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Các doanh nghiệp nâng cao tính tự chủ, tham gia đề xuất, đóng góp xây dựng thể chế, với phương châm “hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/logistics-chuyen-doi-de-but-pha.html